Đồng thời, việc thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) cũng là cách để minh bạch trong thông tin và công khai, công bằng trong việc thực hiện các yêu cầu với cơ quan Nhà nước. Từ đó, giúp triệt tiêu các hành vi tiêu cực trong quá trình xử lý các nhu cầu, yêu cầu cho người dân.
Hà Nội là địa phương thí điểm triển khai Đề án 06, qua 2 năm triển khai thực hiện, các kết quả đã tác động nhiều và tích cực mọi mặt ời sống xã hội của TP.
Thay đổi nhận thức và hành động
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 của TP Hà Nội, nhận thức và hành động về công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các đơn vị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao.
Các tổ chức chính trị - xã hội cùng đồng hành, tham gia tích cực trong công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06. Thành đoàn Hà Nội và các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội đã có nhiều hoạt động tích cực, các phương thức huy động sự vào cuộc của đoàn viên, thanh niên, thành viên các Tổ chức tham gia tích cự, hiệu quả. Đặc biệt, mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng hoạt động tích cực, phát huy hiệu quả ở tất cả các xã, phường, thị trấn; đây là cánh tay nối dài trong công cuộc cải cách hành chính, chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại Hà Nội.
Quan trọng hơn, Đề án 06 đã tác động sâu sắc đến nhận thức của người dân. Đến nay, người dân đã hiểu rõ đúng, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của Đề án 06 mang lại, từ đó thay đổi thói quen làm việc, sinh hoạt, tích cực tham gia, ủng hộ vào quá trình triển khai thực hiện và bắt đầu thụ hưởng “quả ngọt” từ Đề án 06 nói riêng, chuyển đổi số nói chung đem lại.
Sự tham gia, hợp tác từ người dân trong được thể hiện qua việc cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Việc người dân cài đặt VNeID là cần thiết nhằm phục vụ công tác định danh điện tử, xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch trên môi trường điện tử.
Cùng với việc cài đặt VNeID, người dân cũng tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến góp phần chung tay xây dựng nền hành chính hiện đại, thúc đẩy phát triển chính quyền số. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính, thuận tiện theo dõi quá trình xử lý thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước.
Tiết kiệm chi phí, thời gian, tiến tới công bằng xã hội
Với các kết quả bước đầu của Đề án 06 như hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ kết nối các dữ liệu (Thuế, bảo hiểm….), người dân đã tích kiệm được một khoản chi phí không nhỏ trong việc thực hiện các yêu cầu cung cấp dịch vụ như khám chữa bệnh, thực hiện thủ tục hành chính, đăng ký các tiện ích phục vụ đời sống xã hội.
Điển hình như Kiosk khám sức khỏe tại bệnh viện Xanhpôn, Đống Đa đã giúp người dân giảm các thủ tục giấy tờ khi đăng ký khám Bảo hiểm y tế đúng tuyến; mang lại trải nghiệm mới cho người dân thay vì phải đứng xếp hàng chờ đến lượt; đồng thời hướng dẫn các bước thăm khám hoặc làm chỉ định tiếp theo thông qua Kiosk đặt tại các khoa phòng, làm thủ tục đổi giấy phép lái xe trực tiếp trên Kiosk.
Một Kiosk khám sức khỏe dự kiến thay thuê 1 nhân viên thực hiện hướng dẫn đón tiếp, phát số, tiết kiệm khoảng 52.800.000 đồng/năm; đồng thời giảm thời gian và chi phí chuẩn bị các giấy tờ của người bệnh; giảm thời gian thực hiện các thao tác của nhân viên y tế.
Khi thực hiện các yêu cầu, nhu cầu hoặc giao dịch với cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan cung cấp dịch vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ dữ liệu từ các nội dung nhiệm vụ Đề án 06 giúp cho người dân sự tiết kiệm về thời gian để thực hiện các dịch vụ này. Người dân có thể thực hiện trực tuyến, có thể liên hết nhiều dịch vụ cho một lần thực hiện mà không phải mất nhiều thời gian đến nhiều địa điểm để thực hiện.
Triển khai cấp lý lịch tư pháp trên VneID giúp người dân không phải trực tiếp ra cơ quan chức năng, có thể yêu cầu cấp lý lịch tư pháp mọi lúc, mọi nơi; thao tác thực hiện yêu cầu đơn giản, không phải chuẩn bị các loại giấy tờ như trước đây; kết quả lý lịch tư pháp có thể sử dụng lại được nhiều lần. Đến nay đã có 793.287 trường hợp sử dụng thông tin dân cư để giảm thời gian chuẩn bị, nộp hồ sơ có thể mất khoảng 1 giờ đồng hồ.
Với việc ứng dụng các công nghệ thông tin, các yếu tố kỹ thuật và chia sẻ, kết nối dữ liệu, người dân được cung cấp thông tin một cách minh bạch, hình thành sự công bằng xã hội trong quá trình giải quyết các yêu cầu, nhu cầu; hạn chế và triệt tiêu yếu tố tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi công vụ tại các đơn vị cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan nhà nước. Đây là yếu tố tạo hiệu ứng công bằng xã hội và được đánh giá là kết quả cuối cùng đáng mong đợi của việc thực hiện các nội dung nhiệm vụ của Đề án 06.