Sau khi báo Kinh tế & Đô thị đăng bài: “Thăng Long Group có dấu hiệu bán hàng đa cấp (BHĐC) lừa đảo” ngày 28/3, hàng loạt nạn nhân đã tố cáo, phản ánh tới Báo các chiêu lừa đảo của công ty này khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà.
Mất nhà vì đa cấp
Làm đơn tố cáo Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group) tới báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Tần (SN 1958, quê quán ở Thái Nguyên; trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, vì được giới thiệu số tiền hoa hồng quá lớn khi tham gia các gói sản phẩm nên ngày 1/6/2015, ông đã mua 3 mã hàng. Trong đó, ông tham gia mua gói 31 triệu đồng, gói 155 triệu đồng mang tên vợ và gói 155 triệu đồng mang tên con trai. Bỏ ra số tiền 341 triệu đồng, ông Tần mới chỉ được lấy 6 hộp thực phẩm chức năng, số hàng còn lại vẫn ở kho của Thăng Long Group.
Sau 3 tháng không nhận được số tiền hoa hồng như hứa hẹn, ngày 25/9/2015, ông Tần có đơn đề nghị thanh lý hợp đồng với Công ty, yêu cầu lấy lại tiền nhưng không được chấp thuận. “Đây là số tiền tôi đã tích lũy cả đời để dành dụm cho tuổi già. Tôi không có lương hưu, nếu mất số tiền này thì cuộc đời của tôi đồng nghĩa với án tử hình” - ông Tần viết trong đơn. Tuy nhiên, phía Thăng Long Group gửi thông báo đề nghị ông đến làm thủ tục nhận hàng do đã hết thời hạn gửi hàng. “Công ty chỉ mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày người tham gia ký hợp đồng giao dịch hàng hóa” - thông báo cho biết.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chị Nguyễn Thị H. (trú tại Thái Nguyên) cho hay, nhà phân phối của Thăng Long Group đã giới thiệu với chị về chương trình khuyến mại. Theo đó, nếu mua gói hàng 31 triệu đồng sẽ được hoa hồng hơn 140 triệu đồng, mua gói 155 triệu đồng được hoa hồng hơn 700 triệu đồng. Vì thế, chị đã tự nguyện tham gia và mua 2 mã hàng, gồm một mã với số tiền 31 triệu đồng, một mã 155 triệu đồng. Sau khi tham gia, chị được phát phiếu lấy hàng, nhưng Công ty khuyến khích không nên lấy hàng về. Bỏ ra 186 triệu đồng nhưng hàng tháng tiền hoa hồng chỉ đổ về nhỏ giọt, có tháng chỉ mấy trăm nghìn đồng, khiến chị như ngồi trên đống lửa. “Tôi đã làm đơn gửi Công ty không lấy hàng, đề nghị được rút tiền về nhưng không được chấp nhận” - chị H. chia sẻ.
Trường hợp gia đình chị L., hàng xóm với chị H. lại bi đát hơn. Không có tiền tham gia mua hàng, chồng chị L. đã lấy sổ đỏ ngôi nhà đang ở cắm vay tiền theo lãi ngày để tham gia mua hàng của Thăng Long Group. Tiền về chẳng thấy đâu, mà tiền lãi sinh sôi theo ngày quá lớn, gia đình không có khả năng trả nợ cả gốc lẫn lãi, bị mất luôn cả căn nhà đang ở. Hay trường hợp chị N. là giáo viên nên không dám công khai tố cáo Công ty, sợ liên lụy, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp. Tuy nhiên, chồng chị ra “tối hậu thư”, nếu không đòi lại được tiền từ Công ty, anh sẽ đưa đơn ly dị ra tòa.
Theo bản danh sách những người tham gia mua hàng đa cấp của Thăng Long Group, trong đó có chị H., chị N. ở khu vực Thái Nguyên được cung cấp tới báo Kinh tế & Đô thị, có khoảng 300 nạn nhân, với số tiền thù lao, hoa hồng được Thăng Long Group chi trả trong tháng 6/2015 hơn 2 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ số tiền mà người tham gia đổ vào DN này lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Nạn nhân kêu cứu
Vì đâu mà hàng vạn người dân tin vào các DN BHĐC? Câu trả lời chung của các nạn nhân là: Chủ yếu do các công ty khuếch trương thương hiệu, trưng ra các bằng chứng bảo đảm, được cơ quan chức năng của Nhà nước cấp phép... Và khi những nhà phân phối “ngon ngọt” dụ dỗ tham gia mua hàng bằng những chiêu lừa hoa hồng “khủng” thì nhiều nạn nhân “sập bẫy”.
“Tôi được mời tham gia một cuộc hội nghị của Thăng Long Group tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, có hàng nghìn người tham dự, với hàng trăm xe đổ về từ các tỉnh, thành. DN tổ chức quy mô, hoành tráng như vậy, người dân chúng tôi làm sao không tin?” - ông Tần chia sẻ.
Mặc dù chấp nhận mất khoảng 70 triệu đồng cho Thăng Long Group để “thoát ra”, rút lại số tiền an dưỡng tuổi già, nhưng việc thương lượng của ông Tần không được công ty này chấp nhận. Theo biên bản làm việc giữa ông và Thăng Long Group, DN này chỉ chấp nhận cho ông rút về 30% số tiền đã bỏ ra mua hàng, dù ông chưa nhận hàng. Không chấp nhận với phương án mà Thăng Long Group đưa ra, ông Tần đã làm đơn tố cáo DN này tới cơ quan công an.
Ngày 11/3 vừa qua, Cơ quan CSĐT - Công an quận Thanh Xuân đã thông báo nhận được được đơn tố giác của ông Nguyễn Văn Tần về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc BHĐC của Thăng Long Group. Cơ quan CSĐT đã tiến hành kiểm tra, xác minh đơn tố giác. Đơn vị cho biết, đang chờ kết quả trả lời của Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương); Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội. Thông báo này cũng đã được gửi đến Viện KSND quận Thanh Xuân.
Hiện, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) đang phối hợp với phòng ban chức năng của Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành thanh, kiểm tra 7 DN BHĐC, trong đó có Thăng Long Group. Việc thanh tra lần này bắt nguồn từ việc phía cơ quan chức năng nhận thấy thị trường BHĐC đang xuất hiện nhiều vấn đề nên phải rà soát lại để chấn chỉnh.
Thừa nhận việc đòi lại tiền của nạn nhân “sập bẫy” đa cấp rất khó, song theo luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, trong mọi trường hợp, người dân nên tận dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình. “Điều 26 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC quy định, khi người tham gia BHĐC có yêu cầu, DN BHĐC có trách nhiệm mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia, bao gồm cả hàng hóa được bán theo chương trình khuyến mại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày người tham gia BHĐC nhận hàng. Vì vậy, trường hợp những người tham gia chưa nhận hàng, DN có trách nhiệm mua lại số hàng này. Thăng Long Group có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp, người tham gia cần làm đơn tố cáo gửi tới cơ quan công an tại địa phương, Cục Quản lý cạnh tranh” - luật sư Hoàng Văn Hướng tư vấn.
Kinhtedothi - Ông Nguyễn Văn Tần và các hồ sơ, đơn tố cáo Thăng Long Group |
Thăng Long Group được Cục Quản lý cạnh tranh cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC từ 26/12/2014. Tới nay, DN có gần 30 chi nhánh trên các tỉnh, TP với khoảng 6.000 nhân viên trực tiếp bán hàng. |
Hy hữu nạn nhân bị DN đa cấp tố cáo, công an triệu tập Ông Nguyễn Mạnh S. (trú tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là nạn nhân của Thăng Long Group khi tham gia mua hàng tại Văn phòng đại diện của Công ty tại tỉnh Bắc Ninh. Khi ông làm đơn gửi cơ quan công an tố cáo DN này, lại bị chính đường dây BHĐC tố cáo đã vay tiền mà không trả. Đồng thời, ông bị Cơ quan CSĐT - Công an TP Bắc Ninh triệu tập ngày 7/3, để làm rõ việc vay tiền giữa ông với đường dây BHĐC, mà không làm rõ việc ông là nạn nhân của Thăng Long Group. |