Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân mong TP Hồ Chí Minh triển khai đa dạng hình thức ''đi chợ hộ''

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 5 ngày thực hiện mô hình “đi chợ hộ” tại TP Hồ Chí Minh đã bộc lộ nhiều lúng túng, người dân bày tỏ mong muốn chính quyền thực hiện song song nhiều hình thức đi chợ, vừa thuận lợi cho dân, vừa giảm tải công việc cho cán bộ “đi chợ hộ”.

Quá tải “đi chợ hộ”

Ngày 27/8, chia sẻ với PV báo Kinh tế & Đô thị, chị Thanh Thủy, tình nguyện viên phụ trách ''đi chợ hộ'' khu phố 4, 5, 6 (phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi ngày có rất nhiều đơn đặt hàng, để xử lý từ khâu soạn đơn, chọn sản phẩm, đến giao hàng, thu tiền… nhóm phải tranh thủ phân chia công việc cả ngày lẫn đêm.

“Điện thoại trở thành “vật bất ly thân”, không dám lơi là một phút giây nào vì sợ sót đơn, bà con không có thực phẩm để ăn thì khổ”, chị Thủy nói và nhấn mạnh, dù nỗ lực nhưng để chu toàn cho tất cả bà con là điều rất khó và gần như không thể. Nguyên nhân được chị Thủy chỉ ra là do phương thức đi chợ bằng combo vẫn còn nhiều bất cập.

 Bộ đội ''đi chợ hộ'' cho người dân TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hà Nam
“Nhiều hộ dân cho rằng đi chợ bằng combo là không phù hợp, nhất là với các gia đình có người già và con trẻ, những món đồ họ cần thì siêu thị lại không cho vào combo. Để giải quyết cho các trường hợp này, nhóm phải chủ động đặt mua riêng, việc ghi nhớ thông tin, xử lý đơn hàng là cả một vấn đề”, chị Thủy bày tỏ.
Kết hợp công nghệ, trong đó có liên lạc qua Zalo nhưng công việc của các thành viên, theo chị Thủy hiện rất vất vả vì nhiều tổ trưởng trong khu phố lớn tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh. Chưa kể, có những khu phố mà cả tổ trưởng lẫn tổ phó cùng bị cách ly phòng dịch, nhóm tình nguyện phải chủ động tạo kênh để thông tin đến người dân dù không am hiểu về địa bàn đang phụ trách.
Chiều ngày 24/8, chị Thủy nhận được đơn hàng là combo đồ tươi sống (thịt, cá, rau…) từ một hộ dân. Tuy nhiên, trưa ngày 25/8, khi đến giao hàng thì chủ nhà lại giải thích, chỉ muốn đặt thử xem sao vì nhà đã trữ rất nhiều thực phẩm, hiện tủ lạnh không còn chỗ chứa.
“Không đến mức là mình phải bỏ tiền túi ra trả, mình được phép trả lại siêu thị hoặc giữ combo này cho hộ gia đình khác (nếu có nhu cầu tương tự). Song, rất buồn vì bị mất thời gian trong lúc đang cần tận dùng từng phút, từng giây để làm tốt nhiệm vụ tình nguyện”, chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đạt - tổ trưởng tổ 9, khu phố 11, phường Tân Sơn Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong quá trình thực hiện “đi chợ hộ” cho người dân phát sinh nhiều khó khăn ngoài dự tính.
“Ngày 23/8 và 24/8 vẫn áp dụng phương thức combo, nhưng vì nhiều hộ dân không đồng ý, người chê mắc, người chê không phù hợp… cho nên từ ngày 25/8, chú quyết định đổi sang cách làm khác, là cho người dân được tự liệt kệ những thứ họ cần mua. Sau đó, Bách hoá xanh chở hàng vào khu phố, chú đại diện ra nhận và mang đi phát cho từng nhà”, ông Đạt nói.
Ông Đạt thừa nhận cách làm này vừa tốn thời gian, vừa vất vả, nhưng vì không còn cách nào khả quan hơn nên phải cố gắng.
“Việc rất nhiều, miệt mài từ sáng đến trưa, trưa đến chiều, chiều đến tối muộn. Cứ quay qua quay lại là hết ngày, không kịp đâu vào đâu. Nhưng may mắn, đều là bà con trong khu phố, hiểu tính hiểu nết từng người. Nhà nào khó tính, chú sẽ nhắc họ chọn kỹ sản phẩm muốn mua, coi đi coi lại đơn hàng rồi mới chốt, tránh trường hợp phải đổi trả mất thời gian”, ông Đạt nói thêm.
Cần thiết đa dạng kênh đi chợ?
Đánh giá công tác “đi chợ hộ” còn nhiều lúng túng, chị Nguyễn Thị Mai Hương ngụ 234b Hồ Văn Huê (phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, mong muốn chính quyền TP đa dạng kênh đi chợ, để vừa thuận lợi cho người dân, vừa giảm tải công việc cho cán bộ và tình nguyện viên đang thực hiện công tác “đi chợ thay dân”.
 Những túi thực phẩm mà lực lượng ''đi chợ hộ'' mua giúp cư dân chung cư Bàu Cát 2. Ảnh: Mậu Dũng
Theo đó, chị Hương cho biết, chị chuyển nhà từ quận 1 sang quận Phú Nhuận vào thời điểm TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội, nên thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng không thể hoàn thành. Sau đó, TP siết chặt giãn cách, vậy là từ ngày 23/8 đến nay, nhà chị Hương không nhận được bất cứ thông tin gì về việc “đi chợ hộ”.
“Đây là lý do khách quan, tôi hiểu vậy, tuy nhiên khi phải trải qua những ngày “có tiền mà không có ăn”, tôi chợt nảy ra ý nghĩ, giá như cùng phương án “đi chợ hộ”, TP khôi phục có kiểm soát bán hàng online, thì tôi và gia đình có thể chủ động mua thực phẩm”, chị Hương nói.
Đồng quan điểm, chị Dương Quỳnh Ly (ngụ phường 7, quận 8, TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, tuân thủ công tác phòng dịch Covid-19 theo đúng chủ trương siết chặt giãn cách xã hội của TP là đúng. Song, bên cạnh "đi chợ hộ", nên cần có thêm những phương thức để người dân mua thực phẩm thiết yếu bằng nhiều cách khác mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

“Thời điểm tháng 7/2021, tôi cùng nhiều chị em trong chung cư lập nhóm Zalo đặt mua thực phẩm chung. Khi đến giao hàng, shipper chỉ việc để ở cổng, chú bảo vệ sau đó mang lên và để trước cửa từng nhà để tránh tiếp xúc. Cách làm này trong quy mô nhỏ, gọn, những vẫn tiện lợi, và đảm bảo an toàn”, chị Ly hiến kế.
Đồng cảm với nỗi vất vả mà cán bộ địa phương và các tình nguyện viên “đi chợ hộ” đang trải qua, chị Trần Thị Sum (ngụ phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cũng hy vọng TP mở thêm nhiều kênh đi chợ, từ đó san bớt gánh nặng cho tuyến đầu.
“Đến hiện tại phương án “đi chợ hộ” vẫn đang mang lại những hiệu quả chống dịch tích cực cho TP. Tuy nhiên, tôi lo, nếu duy trì lâu dài, mà không có các phương án đi chợ khác hỗ trợ thì lực lượng “đi chợ hộ” sẽ kiệt sức. Đi chợ mỗi ngày cho mười mấy triệu dân TP đâu phải chuyện dễ dàng”, chị Sum nói.
Ngoài ra, chị Sum còn đề xuất TP xem xét để người dân được mua thuốc tại nhà thuốc: “Mẹ tôi bị bệnh xuống nhà thuốc dưới chung cư mua nhưng họ không bán. Bạn nhân viên bảo mẹ tôi liên hệ y tế phường đặt đơn thuốc. Sau đó, nhà thuốc sẽ giao cho y tế phường, rồi y tế phường giao ngược lại cho mẹ tôi, tại sao phải phiền phức đến vậy”, chị Sum thắc mắc.
Tiếp nhận nguyện vọng của người dân TP về việc triển khai đa dạng hình thức đi chợ trong thời gian siết chặt giãn cách, chiều ngày 27/8, PV báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.

Theo đó, ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết, phương án “đi chợ hộ” là chủ trương của lãnh đạo TP, hiện tại, cần thiết nhất là phải thực hiện tốt chủ trương này. Trong thời gian tới, việc TP có thêm, bớt, bổ sung các phương án đi chợ khác hay không còn phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Riêng việc người dân phản ánh giá combo thực phẩm cao, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP lý giải, không phải giá các món hàng tăng cao mà ở đây người dân đánh giá là giá của combo đó cao. Hiện nay, tại TP chỉ còn các hệ thống phân phối hiện đại, đây là hệ thống phân phối lớn có sự cạnh tranh nên không có việc tự ý tăng giá.