Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân tham gia dọn vệ sinh đường phố sau bão

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 3 vừa tan, sáng 15/9, chính quyền và người dân các tỉnh miền Trung tiến hành dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả mưa do bão gây ra.

Tại thành phố Đà Nẵng, buổi sáng nay (15/9),  hơn 1.000 người dân tham gia dọn vệ sinh đường phố sau bão. Công ty Công viên Cây xanh thành phố đã huy động hàng trăm công nhân ra quân dọn dẹp, chống đỡ cây xanh bị ngã đổ trên các tuyến phố. Ông Dương Lê Tú, Dân quân tự vệ, phường Tân Chính, quận Hải Châu, thành phố  Đà Nẵng cho biết: “Sau bão lãnh đạo UBND phường điều động số cán bộ chiến sĩ của phường phụ giúp người dân tromg khu vực tổng dọn lại tuyến đường Hải Phòng. Đây là tuyến đường có nhiều xây xanh bị  gảy ngã đỗ”.

Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống Lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, bão số 3 gây mưa lớn làm sạt lở một số tuyến đường tại huyện miền núi Tây Giang.

 
Trồng lại cây xanh đô thị bị bão quật ngã
Trồng lại cây xanh đô thị bị bão quật ngã
Tại huyện Núi Thành, hôm qua, tàu cá của ông Trần Công Tăng, ở xã Tam Hòa và tàu câu mực của ông Lương Công Dũng ở xã Tam Giang trên đường vào bờ trú bão bị sóng đánh chìm. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng nay huyện chỉ đạo cho xã cùng với ngư dân lân cận đang tiến hành trục vớt tàu tại Tam Hòa và tàu Tam Giang. Thực ra bão không lớn nhưng đôi khi người dân cũng chủ quan. Sau này chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền thêm để ngư dân  nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai.

Tại các xã ven biển của huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mưa to kèm theo gió lớn gây ngập úng cục bộ, nhiều khu dân cư tại xã Bình Thạnh bị sạt lở. Trong đêm qua, lực lượng chức năng đã di dời các hộ dân này đến nơi an toàn. Hơn 80 tàu, thuyền công suất nhỏ neo đậu khu vực thôn Phước Thiện, xã Bình Hải cũng bị đứt dây neo, một số tàu bị chìm.

Ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chưa có thông tin thiệt hại về người. Về tài sản có hai nhà bị sập, sạt lở khu dân cư Vĩnh Trà xã Bình Thạnh”.

Còn ở huyện  đảo Lý Sơn, nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão, có 2 căn nhà bị tốc mái, một tàu cá trong vũng neo đậu tàu thuyền bị nhấn chìm, một lồng nuôi tôm hùm của người dân bị gió đánh bay lên bờ, thiệt hại hoàn toàn.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết, đáng kể là nhiều diện tích trồng cây hành bị mưa, bão làm dập nát. Huyện chỉ đạo các cơ quan, mặt trận các đoàn thể, quân sự, thanh niên xung kích phát quang, dọn dẹp; lực lượng vũ trang đi giúp cho dân.

Hôm nay một số nơi ở miền Trung mây mù dày đặc, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá tại khu vực miền núi ở mức cao. Vì vậy, các địa phương vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến bất thường của thời tiết để kịp thời xử lý khi xảy ra lũ lụt.

** “Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, đề phòng mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra” là nội dung được đưa ra tại cuộc họp giao ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay  (15/9), tại Hà Nội.

Đại tá Trần Dương Kiên, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết: do bão vào nhanh mặc dù đã quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó bão nhưng vẫn xảy ra 5 vụ tàu cá ngư dân gặp nạn trên đường vào bờ tránh trú bão. 15 ngư dân trên các tàu bị chìm trên đường về bờ tránh bão đã được lực lượng cứu hộ, cứu nạn và tàu các ngư dân khác ứng cứu, đưa vào bờ an toàn. Chủ động ứng phó mưa lớn của hoàn lưu bão, Bộ Tư lệnh biên phòng đã chỉ đạo lực lượng ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau và khu vực Tây Nguyên sẵn sàng phối hợp với chính quyền các địa phương đối phó với mưa lũ, sẵn sàng phương tiện và lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tình huống xấu. Hiện các lực lượng đang tiếp cận cứu hộ, cứu nạn 1 tàu cá ngư dân của tỉnh Nam Định, với công suất 330 mã lực bị hỏng máy trên vùng biển ở Hà Tĩnh, cách Vũng Áng khoảng 19 hải lý.

Đại tá Trần Dương Kiên nói: “Chiều 14/9, chúng tôi đã cử tàu CN09 cứu nạn của Bộ đội biên phòng ra tiếp cận tàu gặp nạn nhưng gần đến nơi do sóng to gió lớn nên vẫn chưa tiếp cận được phải quay vào báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cử tàu của Cảnh sát biển ra gần đến nơi vẫn không tiếp cận được. Đến tối 14/9, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã điều tàu Cảnh sát biển cỡ lớn xuất phát từ Hải Phòng ra khu vực tàu gặp nạn”.

Tại cuộc họp, ông Văn Phú Chính- Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị, các địa phương tiếp tục cập nhật theo dõi diễn biến mưa lũ sau hoàn lưu bão, tập trung khắc phục hậu quả, sẵn sàng các phương án ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.

Công tác trọng tâm hiện nay là tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, cập nhật thường xuyên dự báo về khí tượng thủy văn, đặc biệt là mưa có xu hướng di chuyển ra các tỉnh phía Bắc nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo liên lạc thông báo, cảnh báo cho các địa phương về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.