Việc xử phạt nghiêm “ma men” sau tay lái, không nể nang, không lơi là đã được Nhân dân ủng hộ mạnh mẽ.
Kiên quyết, minh bạch
Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán luôn là thời gian cao điểm với số lượng người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cao nhất trong năm. Việc kiểm tra, xử phạt “ma men” sau tay lái đã được duy trì, đẩy mạnh từ rất lâu nhưng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua là thời điểm gây được ấn tượng sâu sắc nhất với người dân.
Anh Nguyễn Phú Minh (huyện Chương Mỹ) chia sẻ, anh bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy trên đường Lê Đức Thọ ngay sau thời khắc Giao thừa. Cùng lúc còn có nhiều tài xế ô tô khác bị phát hiện lỗi tương tự và bị phạt nặng. “Điều khiến tôi thấy ấn tượng nhất là CSGT chốt trực ngay trước thềm năm mới, xử phạt không nhân nhượng. Nhiều tài xế gọi điện thoại cầu cứu nhưng bất thành. Ai sai đều bị phạt, không thiên vị nên bản thân tôi thấy phục” - anh Nguyễn Phú Minh nói.
Trong suốt dịp Tết Quý Mão 2023 cho đến hiện tại, CSGT Hà Nội tiếp tục duy trì công tác xử phạt vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn toàn TP. Người vi phạm sau khi được kiểm tra bằng thiết bị đo chuyên dụng, biên bản kiểm tra in ra ngay tại chỗ, minh bạch, rõ ràng, không thể can thiệp, xin xỏ.
Anh Nguyễn Phú Minh nói: “Từ giờ đã xác định vi phạm nồng độ cồn là bị giữ xe, tước bằng, phạt tiền rất nặng, không thể tránh né, xin xỏ được, tôi sẽ không chủ quan, không vì vui chén rượu, cốc bia mà tái phạm. Tôi cũng rất mong việc xử phạt kiên quyết, minh bạch như vừa qua sẽ trở thành nề nếp để công bằng cho tất cả mọi người”.
Kiên trì, bền bỉ
Việc xử phạt nghiêm các “ma men” sau tay lái đã có những tác động rất tích cực đến ý thức của người tham gia giao thông, dần dần triệt tiêu tâm lý “xin - cho”, góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong toàn xã hội. Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh chia sẻ, trong bối cảnh áp lực giao thông ngày càng nặng nề như hiện nay, chấn chỉnh ý thức, xây dựng văn hóa giao thông trong người dân là điều kiện rất quan trọng để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông. “Dịp Tết vừa qua, nhiều người dân đã biết sợ. Những cụm từ như: Không xin được, không làm luật… đã lan tỏa rộng khắp, tạo nên hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, đả phá những thói xấu trong văn hóa giao thông. Đó mới là kết quả quan trọng nhất đạt được nhờ phạt nghiêm người vi phạm nồng độ cồn” - Thạc sĩ Nguyễn Anh Minh nói.
Điều quan trọng hiện nay, lực lượng chức năng cần duy trì được tinh thần vào cuộc nghiêm minh, quyết liệt. Đặc biệt đội ngũ CSGT cần kiên trì, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật. Có thể nói, khó khăn lớn nhất khi xử phạt vi phạm giao thông, đặc biệt với những lỗi nặng như vi phạm nồng độ cồn, là tâm lý “xin - cho”, hay là sự can thiệp từ bên thứ ba, lợi dụng quan hệ, địa vị để xóa lỗi.
Những áp lực vô hình đó không hề nhỏ. Muốn lực lượng CSGT làm tròn trách nhiệm, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bền bỉ với công tác xử phạt, rất cần sự ủng hộ từ toàn xã hội, cũng như sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, nghiêm khắc từ lãnh đạo Bộ Công an, các địa phương và bộ, ngành liên quan.
Mặc dù việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn được làm nghiêm, nhưng theo tính toán của Ủy ban ATGT Quốc gia, dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, số lượng “ma men” bị tuýt còi vẫn tăng đến 600% so với cùng kỳ năm 2022. Điều đó cho thấy một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có ý thức nghiêm túc chấp hành luật giao thông, chưa nhận thức rõ hậu quả nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội khi say xỉn lái xe. Bởi vậy, việc xử phạt nghiêm cần kết hợp với tuyên truyền tích cực, sâu rộng hơn nữa mới đem lại hiệu quả bền vững trong giữ gìn trật tự, ATGT.
"Dịp Tết vừa qua là lần đầu tiên người dân thấy rõ sự đổi thay trong xử phạt vi phạm giao thông, nhất là với lỗi vi phạm nồng độ cồn. Phạt không nể nang, không linh động cho bất cứ ai vì bất cứ lý do nào. Điều này đã tạo hiệu ứng rất tốt trong dư luận Nhân dân cũng như tác động mạnh mẽ đến ý thức người dân". - Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung