Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Thủ đô (sửa đổi) nhấn mạnh chuyển đổi số là lĩnh vực cần trú trọng đẩy mạnh, trong mọi mặt kinh tế - xã hội. Để quá trình chuyển đổi số đạt được kết quả cao thì cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể

Ngay từ năm 2021, khi ban hành Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm khi thực hiện chuyển đổi số.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa thì cần phải có các giải pháp tổng thể. Vì thế, tại Điều 25, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra nhiều nội dung cụ thể nhằm phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Cụ thể, Khoản 1 điều 25 nhấn mạnh: Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực.

Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường về chuyển đổi số là công tác quan trọng hàng đầu. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng được xác định là hạt nhân nhằm thực hiện nhiệm vụ này.

Người dân là trung tâm của chuyển đổi số
Người dân là trung tâm của chuyển đổi số

Thành viên trong các tổ này đã đến từng nhà, tiếp cận từng người để hỗ trợ, tư vấn về ý nghĩa, tiện ích của việc sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, nâng cao hiểu biết về các dịch vụ trực tuyến, nền tảng dữ liệu số mới hiện nay. Nhờ đó, hiệu quả công tác cải cách hành chính của chính quyền địa phương thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giúp tối giản thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại phường được nâng cao rõ rệt.

Trước đó, các Quận đoàn trên địa bàn thành phố đã chỉ đạo cơ sở thành lập tổ hỗ trợ chuyển đổi số cộng đồng dân cư để hướng dẫn Nhân dân làm căn cước công dân gắn chip, kích hoạt mã định danh điện tử cá nhân.

Theo đại diện Thành đoàn Hà Nội, Thủ đô là địa phương được giao làm điểm thực hiện Đề án số 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử trên địa bàn phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, Đoàn Thanh niên thành phố được giao là lực lượng xung kích đi đầu, hỗ trợ chính quyền và người dân trong các nội dung chuyển đổi số..

Đặc biệt, xác định chủ đề Tháng Thanh niên năm 2023: “Tuổi trẻ Thủ đô tiên phong chuyển đổi số”, tổ chuyển đổi số cộng đồng hoạt động tích cực, được đánh giá là lực lượng nòng cốt góp phần đưa các địa phương cán đích về các chỉ tiêu chuyển đổi số.

Nhiều con số ấn tượng được xác lập: Vận động được hơn 9.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ cài đặt 64.992 lượt hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID và dịch vụ công (trong đó hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử mức 1: 14.948 lượt, mức 2: 25.465 lượt, hỗ trợ tiếp nhận 29.619 hồ sơ. Trong đó: 11.692 hồ sơ cấp, định danh điện tử, hỗ trợ tiếp nhận 4.700 hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công), đăng tải 193 đầu tài liệu hệ thống hóa lên kho dữ liệu Google drive, đăng tải hơn 500 bài tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Cần giải pháp tổng thể

Để đạt các mục tiêu năm 2025, Hà Nội cần tập trung nguồn lực  cao độ để đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TU và Quyết định 4098/QĐ-UBND.

Theo số liệu của Bộ TT-TT đối với các cơ quan nhà nước cấp bộ, cấp tỉnh, tỷ lệ chi cho chuyển đổi số nên ở mức 1% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm so với mức trung bình của thế giới vào khoảng 2% - 3%. Do đó, để thực hiện thành công các mục đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU và Quyết định 4098/QĐ-UBND thì việc xây dựng phương án cân đối, bố trí nguồn kinh phí cho thực hiện chuyển đổi số của Hà Nội cần được nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt theo từng lộ trình cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chuyển đổi số của Thủ đô.

Đặc biệt, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại điểm c, khoản 4 điều 25 cũng nêu rõ “Quyết định sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội và các nguồn tài chính hợp pháp khác được huy động để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn Thủ đô nhận chuyển giao các công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên của Thủ đô”.

Để chuyển đổi số thành công cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo, đặc biệt các lãnh đạo cao nhất của UBND thành phố. Mặc dù đã có Nghị quyết và Chương trình Chuyển đổi số được phê duyệt nhưng trong việc triển khai rất dễ bị sa lầy, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân; Cần tập trung trước mặt vào các dự án có thể mang lại nguồn thu tăng thêm cho ngân sách Thủ đô, trong đó bài học rất đáng quan tâm là đầu tư vào Hệ thống Dữ liệu mở. Đưa các phương pháp khoa học vào quản lý triển khai.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Giao tiếp điện tử của thành phố, địa phương, các ngành và mạng xã hội, thành phố khuyến khích người dân và doanh nghiệp tích cực sử dụng các dịch vụ thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, sản xuất công nghiệp... 

Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức; Các hoạt động hội thảo chuyên đề, kinh tế số, đảm bảo an toàn thông tin, xây dựng mô hình doanh nghiệp mẫu về chuyển đổi số cũng được Thành phố tăng cường triển khai. Riêng với doanh nghiệp nhỏ và mới, thành phố hỗ trợ toàn phần tổng chi phí của một khóa đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Ở cấp cơ sở, mỗi quận, huyện, thị xã đều lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; Xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số làm cơ sở nhân rộng ở địa phương.

Việc coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số kết hợp với những giải pháp hữu hiệu, hy vọng  Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu đã đề ra vào năm 2025.