Người dành trọn đời cho khoa học

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng chất giọng nhẹ nhàng, nụ cười như luôn thường trực trên môi, ông ngồi bên bàn một cách khiêm nhường, từ tốn kể cho tôi nghe về các công trình khoa học đã làm nên tên tuổi và danh tiếng của mình.

Sau mỗi câu chuyện, ông đều nhắc đi nhắc lại rằng, “đó là công lao của tập thể, của nhiều người. Tôi chỉ là đại diện”. Ông là GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhà giáo Nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hóa hữu cơ của Việt Nam với những công trình nghiên cứu tiêu biểu về các sản phẩm liên quan đến vật liệu polyme và compozit.

Những công trình nổi tiếng

Đúng 14 giờ, GS Trần Vĩnh Diệu mở cửa phòng làm việc, tôi đi theo, ngồi xuống chiếc ghế ông để sẵn. Ông ngồi đối diện. Ấn tượng đầu tiên của tôi là ông trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 78 của mình. Ông bảo, “bí quyết trẻ lâu, khỏe lâu là làm việc hết mình, tận hưởng cuộc sống như nó vốn có, điều độ, né tránh những cám dỗ”.

Nhìn căn phòng làm việc nhỏ nhắn, chứa đầy sách, tạp chí và các tập tài liệu được sắp xếp một cách ngăn nắp, gọn gàng, chuẩn xác, tôi bỗng hiểu vì sao, khi tôi đến sớm 15 phút, đứng trước cổng của Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme, gọi điện thoại, ông vẫn bảo: “Đúng 2 giờ chiều như đã hẹn nhé!”. Là nhà khoa học, tính chính xác luôn được ông coi trọng.
Người dành trọn đời cho khoa học - Ảnh 1
Ông bảo, cho đến nay, công trình mà mình tâm đắc nhất vẫn là: “Nghiên cứu công thức keo kết cấu từ nhựa epoxy và công nghệ dán các loại đá quý phục vụ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đây không chỉ đơn thuần là công trình khoa học có ý nghĩa to lớn về chính trị mà còn là sự kết tinh - hợp lực của ông với người vợ yêu quý - PGS.TS Lê Thị Phái.

 “Với công nghệ hiện nay, việc tìm ra một loại keo để kết dính những mảnh đá nhỏ như bàn tay thành tấm đá lớn có lẽ không khó. Nhưng vào những năm 1973 - 1974, trình độ khoa học công nghệ của ta còn lạc hậu, thì việc sáng tạo ra loại keo dán đặc biệt, có khả năng kết dính cao, đủ sức chống chọi với thiên nhiên là việc không hề đơn giản” - ông kể.

Với tình cảm tha thiết dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng yêu nghề, vợ chồng GS Trần Vĩnh Diệu cùng những cộng sự của mình đã thành công: Sau 4 tháng ròng rã nghiên cứu tìm ra công thức để dán hơn 4.000 mảnh đá đỏ Bá Thước (Thanh Hóa) thành 96 tấm đá lớn. Kết quả là hình ảnh lá cờ búa liềm và Quốc kỳ bằng đá với diện tích 30m2 đã hiện ra trên tường phòng thi hài của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đúng ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Đang say sưa kể, ông đột ngột dừng lại, nhìn tôi, đặt tay lên ngực: “Tớ xin lỗi, cậu có uống café không nhỉ?”. Không để ý đến việc tôi có đồng ý hay không, ông đứng dậy, ra phòng ngoài, vài phút sau đem vào 2 ly café sữa nóng hổi.

Nâng ly café, nhấp một ngụm, ông kể: “Có một công trình mà tôi cũng rất tâm đắc là chế tạo sơn epoxy chịu được ăn mòn để bảo vệ các xitec đường sắt chuyên chở nước mắm từ Nam ra Bắc. Trước đây, khi chở nước mắm, người ta thường dùng can nhựa nên dễ bị vỡ trong quá trình vận chuyển, dẫn đến hao hụt, tốn kém và làm hỏng phương tiện. Công trình của chúng tôi được đưa vào ứng dụng thành công đã giúp cho việc vận chuyển nước mắm được dễ dàng, hiệu quả cao. Về sau, công nghệ này được chuyển giao cho Nhà máy Cơ khí Nội thương, đồng thời còn được sử dụng để bảo vệ các bồn chứa của Công ty Rượu vang Thăng Long”.

“Đây cũng là công trình ông cùng làm với vợ mình?” - tôi tò mò. Ông ngồi im, mắt nhìn vào khoảng không như vô định, rồi nói nhỏ: “Đúng rồi!”. Dừng một lúc, ông thở dài: “Vậy mà nhà tôi đã ra đi được gần 7 năm rồi. Tôi cứ ngỡ như cô ấy vừa mới đi công tác xa”.

Trong buổi chiều hôm ấy, ông còn kể về nhiều công trình nghiên cứu mà mình và các đồng nghiệp đã hoàn thành. Đó là 53 vòm compozit che máy bay quân sự ở 4 sân bay trên miền Bắc; công trình ứng dụng vật liệu compozit làm dải phân cách, hành lang an toàn trên đường Thanh Niên, Nghi Tàm…; công trình gối cầu cao su cốt bản thép phục vụ cho những cây cầu bê tông cốt thép; công trình “Nghiên cứu và triển khai vật liệu polyme gia cường bằng sợi thực vật để tạo ra thế hệ vật liệu mới thân thiện với môi trường”…

Một đời đam mê khoa học

“Không phải không có cơ hội làm giàu. Không phải không có DN chèo kéo bằng lương cao và bổng lộc hậu hĩnh. Có không ít công trình và công nghệ nếu đem ra thị trường kinh doanh, rất có thể sẽ trở thành giàu có. Nhưng mình là nhà khoa học, được Nhà nước cho đi ăn học, không thể làm khác được” - GS Trần Vĩnh Diệu lý giải vì sao gần như cả cuộc đời ông đều gắn bó với khoa học, chuyên tâm nghiên cứu về công nghệ polyme và compozit.

Cho đến nay, ở tuổi 78, ông vẫn hàng ngày đến làm việc, nghiên cứu, biên tập tài liệu… tại Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme, nơi được coi như ngôi nhà thứ hai của mình, nơi ông đã làm Giám đốc trong 20 năm và là một trong những người tạo dựng nên uy tín và danh tiếng.

Tình yêu của GS Trần Vĩnh Diệu với Trung tâm Nghiên cứu vật liệu polyme không xuất hiện ngẫu nhiên. Ông có một tuổi thơ hết sức cơ cực. Cha mất sớm. Mẹ phải tần tảo nuôi 5 đứa con. Chia sẻ gánh nặng với mẹ, tuy còn rất nhỏ, nhưng cậu bé Diệu đã làm tất cả những công việc có thể làm được như chăm em, cày cấy, bốc vác, viết, vẽ thuê… Trong điều kiện học hành vất vả nhưng rồi Trần Vĩnh Diệu cũng tốt nghiệp phổ thông, thi đậu vào khóa I trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1956. Năm 1959, sau khi học hết 3 năm Khoa Hóa, Trần Vĩnh Diệu được cử đi đào tạo chuyển tiếp ở Matxcơva. Năm 1962, về nước với tấm bằng đỏ, ông vào giảng dạy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1966, ông tiếp tục được cử đến trường Hóa kỹ thuật Mendeleev Matxcơva thực hiện đề tài nghiên cứu về một cơ chế phản ứng.

Năm 1978, ông trở lại Trường Hóa kỹ thuật Mendeleev làm luận án TS khoa học. Năm 1982, sau hơn 20 năm học tập, giảng dạy ở trong và ngoài nước, TSKH Trần Vĩnh Diệu đã tập trung toàn bộ trí lực cho việc giảng dạy hầu hết các môn học của ngành, đặc biệt là môn hóa lý polyme. Ông đã tham gia đào tạo trên 900 kỹ sư, trực tiếp hướng dẫn 17 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án TS. Điểm nổi bật nhất của GS Trần Vĩnh Diệu là trong giảng dạy, ông luôn truyền cho học trò ngọn lửa nhiệt tình, niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.

Khi tìm tài liệu để bổ sung cho bài viết, tình cờ tôi đọc được một bài viết dài của Đoàn Yến Oanh (từng là nghiên cứu sinh của ông) về GS Trần Vĩnh Diệu, trong đó có đoạn: “Tôi có may mắn được là học trò của thầy. Cũng như nhiều thế hệ nghiên cứu sinh khác, tôi muốn tỏ lòng tri ân sâu sắc tới thầy, người đã chỉ bảo tận tình cho tôi những kiến thức khoa học, nhưng trên hết thầy là người gieo vào tôi lòng đam mê nghiên cứu cháy bỏng và thái độ nghiêm túc đối với khoa học”.

Vâng, đó là “tài sản” vô giá đối với một nhà giáo, nhà nghiên cứu đã dành trọn đời mình cho khoa học nước nhà – GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu.