Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người đi lễ rải tiền lẻ, xoa bóng chân tượng tại các di tích của Thăng Long tứ trấn

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùng 4 Tết (28/1), người Hà Nội nô nức đi lễ tại Thăng Long tứ trấn: Đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Kim Liên, đền Quán Thánh. Việc đi lễ này đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh của người dân. Nhưng bên cạnh việc du Xuân theo truyền thống, vẫn còn những hình ảnh không đẹp ở các di tích nổi tiếng.

Mùng 4 Tết, dòng người đi lễ tại đền Quán Thánh (trấn phía Bắc của Thăng Long) ngày càng nhiều.
Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ - một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long. Người dân thành khẩn lễ, vái cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn, bình an. 
Tại đền Quán Thánh, người dân thường có tâm niệm xoa tay lên tượng phật rồi áp lên mặt, chân, tay để cầu mong sức khỏe.
Ngoài ra, người dân ''đặt'' tiền lẻ lên các ban thờ tại đền Quán Thánh.
 Dòng người đến đền Voi Phục (trấn phía Tây) đi lễ. Đền thờ hoàng tử Linh Lang.
Linh Lang Đại vương sinh năm 1030, được đặt tên là Hoàng tử Linh Lang (tên thường gọi là Hoằng Chân). Tương truyền, Hoàng tử Hoằng Chân sinh ra đã có diện mạo khôi ngô, tuấn tú. Suốt tuổi thơ, Hoàng tử sống trong cung cùng mẹ ở khu Thị Trại (nay là phường Thủ Lệ). Ở tuổi 14, Linh Lang đã cùng trai tráng trong vùng chuyên cần luyện tập võ nghệ. Lớn lên, Linh Lang tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn, theo vua cha đánh giặc Chiêm Thành, đuổi giặc tới tận thành Đồ Bàn (ở Quy Nhơn, Bình Định).
Người dân thắp hương, hành lễ bên trong đền thờ Voi Phục.
Tượng voi trong khuôn viên di tích đền Voi Phục.
 Người dân đi lễ tại Đình và đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn) là trấn phía Nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long
Người dân dâng hương tại đền Kim Liên.
 Đền Kim Liên thờ Cao Sơn Đại Vương. Tại di tích có tấm bia đá với bài tựa ''Cao Sơn đại vương thần từ bi minh'' do sử thần Lê Tung soạn năm 1510, nói về công lao của thần Cao Sơn. Nội dung cho biết: Khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp của vua Lê Thái Tổ, có 3 vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ cùng đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là di tích đền Láo, xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy cảnh núi rừng rậm rạp có ngôi đền cổ ghi 4 chữ ''Cao Sơn đại vương''. Rất lấy làm lạ, vua quan bèn khẩn cầu thần phù trợ. Quả nhiên sau 10 ngày đã thành công. Vì thế, vua Lê Tương Dực cho xây dựng đền thờ thần Cao Sơn ở Phụng Hóa. Sau vì nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, năm 1509, vua cho xây dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long thời bấy giờ (nay là Kim Liên).
 Người dân hành lễ bên trong đền Kim Liên.
Đền Bạch Mã tọa lạc tại số nhà 76 - 78 phố Hàng Buồm, là một trong ''tứ trấn'' của kinh thành Thăng Long. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, hay còn gọi là Tô Lịch giang thần, thành hoàng Hà Nội.
Ngoài tứ trấn Thăng Long, mùng 4 Tết, người dân còn đi lễ tại các địa điểm thờ tự khác như chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc nằm trên hòn đảo phía đông Hồ Tây, thuộc quận Tây Hồ, là ngôi chùa cổ nhất của đất Thăng Long với hơn 1.500 năm tuổi. Không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính, chùa Trấn Quốc còn có không gian xanh, thoáng đãng tạo nên tổng thể kiến trúc hài hòa.
Người dân khấn lễ tại chùa Trấn Quốc.
 Đi lễ đầu năm không chỉ cầu mong một năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe mà còn là cách để mỗi người tìm sự nhẹ nhàng cho bản thân