Ngoài đem lại giá trị kinh doanh, ý tưởng còn góp phần giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị cho nông sản Đà Lạt.
Cái khó ló cái khôn
Mến vốn sinh ra trong một ra đình thuần nông ở Lạc Dương (Lâm Đồng) – vùng quê nổi tiếng với đặc sản hồng ăn quả. Chất lượng ngon, sản lượng lớn, nhưng trái hồng ở Lạc Dương lại chưa tìm được giá trị thật của mình. Ở Lạc Dương hầu như nhà nào cũng trồng hồng, có nhà trồng đến vài hecta nhưng việc tiêu thụ khá thụ động, chỉ trông chờ vào thương lái, vì vậy giá cả sản phẩm không ổn định.
Ngoài quả hồng tươi, người dân nơi đây còn có kỹ thuật sấy dẻo hồng truyền thống. Sản phẩm thơm ngon, tuy nhiên đặc sản này cũng chỉ dừng lại ở món ăn vặt của người dân địa phương và đem đi biếu tặng. “Chứng kiến những khó khăn của người nông dân, tôi đã nung nấu ý định sẽ tìm lại giá trị thật cho đặc sản của quê hương mình” – Mến bày tỏ.
Vào giai đoạn, 2007 – 2009, khi theo học một trường cao đẳng ở TP Hồ Chí Minh, được tiếp xúc với nhiều bạn bè từ nhiều tỉnh thành khác nhau, Mến đã quyết định khởi nghiệp với đặc sản quê hương bằng việc bán hàng trong trường. Mặc dù khách hàng rất ưa thích sản phẩm, nhưng lượng hàng bán ra không được nhiều bởi tệp khách hàng chỉ gói gọn trong những người bạn cùng trường.
“Trong lúc loay hoay tìm cách mở rộng khách hàng, tôi nhận được tin nhắn của một bạn đặt hàng trên Yahoo. Lúc này tôi chợt lóe lên ý tưởng sẽ đưa sản phẩm lên các trang TMĐT để rao bán” – Mến nhớ lại.
Năm 2011, cô bắt đầu tìm hiểu về các website như Enbac, Rongbay, Raovat… và đăng ký gian hàng miễn phí. Cô là một trong những người đầu tiên đưa đặc sản Đà Lạt lên sàn TMĐT. Do nóng vội muốn đi nhanh, Mến đã vội vàng mua thêm 10 gian hàng ở các sàn giao dịch khác, mỗi gian có chi phí 5 triệu đồng. Kết quả, khi các sàn này bị sập cô đã mất trắng 50 triệu đồng.
Năm 2012, cô quyết định mua tên miền và thành lập website Dacsandalat.com.vn và đẩy mạnh bán hàng trên Facebook. “Hiệu quả đã ngoài sự mong đợi, khi doanh số bán hàng đã tăng lên vài chục lần. Đơn hàng đến từ khắp mọi miền Tổ quốc và có cả đơn hàng từ nước ngoài” – Mến cho hay.
Theo Mến, TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại kinh tế số. Nếu chỉ áp dụng mô hình kinh doanh truyền thống, tệp khách hàng sẽ bị bó hẹp, không thể tiếp cận với thị trường cả nước và còn khó khăn hơn với thị trường quốc tế.
Giữ chân khách hàng bằng chất lượng
Bên cạnh những thuận lợi của sàn TMĐT mang lại, phương thức kinh doanh này cũng có nhiều khó khăn bởi phải cạnh tranh gay gắt. Do đó, nếu không có giải pháp riêng rất khó lôi kéo được khách hàng. Từ việc phân tích tâm lý của khách hàng, Mến nhận ra rằng, khi mua hàng online, khách hàng thường có thói quen tìm kiếm và chọn mua những sản phẩm được các khách hàng trước đánh giá.
Những bằng chứng đánh giá khách quan từ chính người mua sẽ là cơ sở để khách hàng mới đưa ra quyết định mua hay không. Do đó, Mến luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu và coi đây là vũ khí chiến lược để giữ chân khách hàng.
Bên cạnh đó, Dalavi cũng tập trung đầu tư về mặt hình ảnh và giới thiệu chi tiết từng sản phẩm. Như vậy người mua dễ dàng hình dung và đặt niềm tin vào sản phẩm hơn. Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, Dalavi chọn liên kết với các hộ sản xuất uy tín trên địa bàn, có sự giám sát về quy trình sản xuất và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Hiện công ty đang liên kết với gần 100 cơ sở sản xuất.
Từ thành công với trái hồng, thừa thắng xông lên, Mến tiếp tục đẩy mạnh bán đa dạng hóa các sản phẩm là đặc sản của Đà Lạt, như dâu tây, atiso, hoa, rau tươi… Trong đó có cả sản phẩm chế biến và sản phẩm tươi sống. Ngoài bán trên các gian hàng của hàng chục sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, Foody, Tiki… Dalavi còn bán song song ở kênh truyền thống như các sân bay, siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện công ty đang có 4 cửa hàng tại các TP lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng…
Trước thời gian dịch Covid-19, Dalavi đã linh hoạt áp dụng nhiều chương trình bán hàng ưu đãi. Công ty đang đẩy mạnh phân phối sản phẩm rau - củ - quả tươi, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản Đà Lạt đang bị ùn ứ do dịch.
Bằng việc đưa ra các dịch vụ “Đi chợ giùm”, miễn phí giao hàng đối với đơn hàng trên 500.000 đồng và xây dựng các combo rau - củ - quả đủ để một gia đình tiêu dùng trong 1 tuần, với mức giá 250.000 đồng/combo, nhờ vậy, doanh thu bán các sản phẩm rau - củ - quả tươi tăng trưởng 30% trong bão dịch Covid-19.
Hiện Dalavi đang liên kết bao tiêu nông sản cho gần 100 đơn vị sản xuất, góp phần giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị cho nông sản Đà Lạt. Với những đóng góp của mình, Mến đã vinh dự được UBND tỉnh Lâm Đồng trao tặng danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu năm 2019. |