Người đưa nghề phụ về làng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị Lê Thị Thương (SN 1981) ở thôn Văn Giang, xã Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức luôn thấu hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc "một nắng hai sương" của nghề nông.

Tốt nghiệp THPT, chị Thương đi học trường Trung cấp nghề nấu ăn, sau nhiều năm làm thuê cho các nhà hàng, trường mầm non… Với thu nhập không đủ trang trải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, chị Thương luôn trăn trở suy nghĩ làm sao để có một nghề phụ ngay tại quê hương để có thể tăng thêm thu nhập.

Với ý chí và quyết tâm vượt khó, năm 2007, chị Thương đã "khăn gói" sang huyện Chương Mỹ học nghề móc vòng. Sau một thời gian thành thạo nghề, nhận thấy đây là một nghề có thu nhập khá, vốn đầu tư ít, hơn nữa đầu ra sản phẩm ổn định nên chị đã mạnh dạn đến công ty làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm móc vòng để nhận hàng về làm. Đồng thời, chị vận động bà con trong làng đến lấy hàng về làm tại gia đình. Tuy nhiên, do việc phân phối nguyên liệu nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, ảnh hưởng đến tiến độ thu nhận sản phẩm nên từ 9/2013, chị Thương bàn với chồng vay vốn ngân hàng cùng với số vốn tích cóp của gia đình và vay mượn thêm anh em, họ hàng để đầu tư xây dựng nhà xưởng với diện tích 500m2, với tổng số tiền đầu tư gần 800 triệu đồng. Nhà xưởng được trang bị hệ thống điện thắp sáng, thiết bị phòng chữa cháy, quạt mát và ghế ngồi cho công nhân làm việc.

 
Công nhân làm việc tại xưởng móc vòng của chị Thương.
Công nhân làm việc tại xưởng móc vòng của chị Thương.

Dù mới thành lập được vài tháng, nhưng xưởng móc vòng của chị Thương đã đi vào hoạt động ổn định. Mỗi ngày, xưởng sản xuất trung bình trên dưới 2.000 sản phẩm với giá bán 10.000 đồng/sản phẩm, doanh thu hàng tháng đạt trung bình từ 350 -  400 triệu đồng, trừ các khoản chi phí cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Chị Thương chia sẻ: "Tham gia làm việc tại đây, người lao động vừa tận dụng được thời gian rảnh rỗi lúc nông nhàn, vừa có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Hơn nữa, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể làm được". Hiện, xưởng sản xuất móc vòng của chị Thương có 250 công nhân làm việc thường xuyên, với mức lương trung bình  từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ 10.000 đồng/bữa ăn đối với những công nhân ở xa nghỉ trưa tại xưởng. Không những thế, cơ sở sản xuất của chị Thương còn dành một khoản tiền kha khá để hỗ trợ bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân trong thời gian làm việc tại xưởng.

Xưởng móc vòng của chị Thương không chỉ giúp gia đình chị làm giàu mà còn giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần