Người dựng lễ đài trong ngày tuyên bố Độc lập

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta đã được xem tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng trên lễ đài ở vườn hoa Ba Đình đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Vậy ai là người đã thiết kế và tổ chức dựng lễ đài trong ngày lịch sử đó?
Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 (ảnh tư liệu).
Lễ đài nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 (ảnh tư liệu).
Ngày ấy, chưa có tên quảng trường mà gọi là vườn hoa Ba Đình. Đây là khoảng đất rộng phía Tây thành Thăng Long xưa. Chỉ có nơi đó mới đủ rộng để tập hợp được đông đảo đồng bào đến dự. Do vậy, Ban tổ chức ngày lễ Độc lập đã quyết định dựng lễ đài ở bồn cỏ tròn nằm giữa vườn hoa. Ông Nguyễn Hữu Đang và ông Trần Quốc Hương ở Hội Văn hóa Cứu quốc đã giao việc này cho ông Phạm Văn Khoa - cán bộ Việt Minh (sau này là một đạo diễn điện ảnh tài ba). Ông Khoa tìm đến một hội viên là kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Quỳnh nêu vấn đề. Ông Quỳnh (năm 2000 tròn 80 tuổi) nhớ lại như sau:

"Sáng ngày 1/9/1945, anh Phạm Văn Khoa đến truyền đạt yêu cầu của cấp trên là cần làm một lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, có thể giản dị nhưng phải trang nghiêm để ngày mai (2/9) Cụ Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn Độc lập và Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân đồng bào. Thực tình, lúc đó tôi rất lo vì thời gian quá gấp. Tôi đạp xe lên đó, đo, ngắm, xác định luôn khuôn khổ thích hợp của lễ đài rồi về vẽ kiểu. Tôi chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh (cho nhanh) và bọc lụa xung quanh trên vàng dưới đỏ để tạo dáng mỹ thuật vừa nhanh vừa dễ làm. Đến giữa trưa, tôi vẽ được ba kiểu, cấp trên chọn một kiểu giản dị nhất và thế là bắt đầu thi công ngay. Lãnh đạo TP Hà Nội điều cho chúng tôi hai xe tải của Tòa Đốc lý cũ vào việc chuyên chở vật liệu. Đồng bào Hà Nội nhiệt tình cho mượn gỗ và lụa vì ai cũng muốn đóng góp phần mình cho cách mạng. Lụa cần bao nhiêu cứ lấy, gỗ cần bao nhiêu cứ khuân, nếu cần cứ cắt xẻ. Chúng tôi mời ông Quyến thợ mộc ở phố Hàng Hành và khoảng mười tay thợ nữa tới cùng làm. Các việc khuân vác, bọc khung dựng cột nhờ tới mấy chục anh em ở Hội Truyền bá quốc ngữ. Công việc diễn ra khẩn trương và sôi nổi. Các bộ phận phối hợp với nhau rất ăn ý, nhịp nhàng. Khoảng 3 giờ sáng ngày 2/9 công việc đã hoàn tất, kịp bàn giao để bộ phận khác mắc loa và đặt micrô (về sau được biết bộ phận này do ông Nguyễn Dực, con trai cụ Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách). Việc trang trí lễ đài và viết khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng: Việt - Nga - Anh được giao cho nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông Phạm Văn Khoa và các thành viên khác ở nhóm văn hóa cứu quốc. Như vậy, cả một đêm trắng đã qua đi nhanh chóng. Lúc này tôi mới có thời gian ngắm lại toàn bộ lễ đài từ xa trong một bố cục tổng thể. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa vườn hoa Ba Đình. Hai bên lễ đài là hai lư hương lớn bằng gỗ càng làm nổi bật khu lễ đài.

Đúng 14 giờ ngày 2/9/1645,  Bác Hồ và các thành viên Chính phủ lâm thời bước lên bậc thang lễ đài, các anh em nghiêm trang đứng chào, nắm tay phải đưa lên ngang vai. Lúc này, các tổ chức quần chúng đã tập trung rất đông trước lễ đài. Băng cờ, khẩu hiệu bay rợp trời. Khói trầm hương tỏa ngát càng làm cho buổi lễ trở nên thiêng liêng, trang trọng hơn. Riêng tôi, đứng trong lòng lễ đài cũng là đứng dưới chân Bác để vừa quan sát các điểm chịu lực của kết cấu khung gỗ, vừa lắng nghe lời Bác. Cho tới tận ngày nay, chưa bao giờ tôi thấy bàng hoàng xúc động và hạnh phúc tràn đầy như những giờ phút chiều hôm đó.

Cũng xin nói thêm là trong khi thi công, chúng tôi hết sức tiết kiệm nguyên vật liệu; tránh cắt xẻ nên sau đó khi dỡ ra đưa trả lại cho các gia chủ thì gỗ và nhất là các súc lụa còn khá nguyên vẹn...".

KTS Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15/5/1920, quê ở làng Ngọc Lập, xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, trong một gia đình Nho học.

Năm 18 tuổi, ông thi đỗ vào cả hai khoa Mỹ thuật và Kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (nay là Trường Đại học Mỹ thuật ở 42 phố Yết Kiêu Hà Nội).

Năm 1943, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật, ông làm việc tại Văn phòng thiết kế của kiến trúc sư Võ Đức Diên.

Tháng 8/1945, Ngô Huy Quỳnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1946, cùng gia đình lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Sau chiến thắng Biên giới cuối năm 1950, ông được Đảng cử ra nước ngoài học tập. Năm 1955, ông về nước được giao nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu quy hoạch xây dựng và cải tạo thủ đô Hà Nội. Khu nhà ở Kim Liên, công viên Thống Nhất ghi dấu ấn đầu tiên trong quy hoạch thiết kế dân dụng Việt Nam có sự đóng góp của ông.

Năm 1956, khóa Kiến trúc sư đầu tiên do ông đề xướng, hướng dẫn, phản biện; góp phần đào tạo nhiều thế hệ cao học, nghiên cứu sinh. Ông là tác giả nhiều tập sách nghiên cứu, lý luận, giáo trình giảng dạy về kiến trúc. Ông đã viết hàng trăm bài báo về kiến trúc in trên tạp chí trong nước và nước ngoài.

KTS Ngô Huy Quỳnh là một trong những người cuối cùng của thế hệ kiến trúc sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông được phong Giáo sư đợt I năm 1984, được giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật với cụm tác phẩm: Lịch sử kiến trúc Việt Nam. Ông qua đời năm 2003.

Sinh thời, ông từng giữ các chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc thời tiền khởi nghĩa, Ủy viên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch đô thị nông thôn, Bí thư Đảng đoàn Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa X, cố vấn của Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.