Người F0 làm việc trực tuyến có được hưởng lương làm thêm giờ?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Người F0 không triệu chứng làm việc trực tuyến, người F1 làm việc trực tiếp là đề xuất của Bộ Y tế nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều người băn khoăn, khi người F0 làm việc có được trả lương làm thêm giờ; làm sao đảm bảo an toàn khi cho F1 đi làm.

F0 làm việc trực tuyến trong trường hợp rất đặc biệt

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly được tự nguyện làm việc trực tuyến, có thể chăm sóc người mắc Covid-19 tại gia đình, cơ sở điều trị. Người F1 được chuyển sang theo dõi 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm được làm các công việc trực tuyến và trực tiếp. Người F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine đều có thể làm việc trực tiếp và trực tuyến, nếu làm việc trực tiếp thì các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng.

Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly được tự nguyện làm việc trực tuyến. Ảnh: Phạm Hùng.
Bộ Y tế vừa có đề xuất cho người F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly được tự nguyện làm việc trực tuyến. Ảnh: Phạm Hùng.

Nhiều chuyên gia, hiệp hội, chủ sử dụng lao động và NLĐ đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế. Bởi đề xuất của Bộ Y tế cũng một phần đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động trầm trọng ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, DN hiện nay. Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam TS Vũ Minh Tiến cũng đồng ý người F0 không triệu chứng làm việc trực tuyến cũng được nhưng nó không được coi là quy định bắt buộc. Người lao động (NLĐ) F0 sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe, điều kiện thực tế ở gia đình có đáp ứng được không để thỏa thuận, nhận công việc với chủ sử dụng lao động.

“Người F0 rất dễ chuyển từ bình thường, không triệu chứng thành trở nặng và diễn tiến nhanh...dễ có những hậu quả ngoài mong muốn nếu phải làm việc. Những người F0 là đang bị bệnh nên họ cần giữ gìn sức khỏe, ăn uống, vận động phù hợp; cũng như được hưởng đầy đủ quyền khám bệnh, bảo hiểm xã hội,... để đảm bảo sức khỏe lâu dài, chứ không chỉ vì 1 – 2 tuần làm việc trước mắt” – ông Vũ Minh Tiến giải thích.

Về phía các hiệp hội, DN cũng cho rằng, người F0 là nhân viên văn phòng có thể làm việc trực tuyến; còn công nhân với đặc thù công việc sản xuất thì không thể làm việc online. Đối với, những trường hợp NLĐ F1 hoàn toàn có thể làm việc trực tiếp. “Với những người F1 đi làm trực tiếp cần được theo dõi, kiểm soát kỹ để trường hợp sức khỏe bất thường thì test ngay và cho nghỉ ở nhà, để tránh chuyển thành F0 lây lan cho những người khác” – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho hay.

F0 làm việc được hưởng lương theo quy định

Đề xuất của Bộ Y tế là đứng trên góc độ sức khỏe của NLĐ khi là F0 có đủ sức khỏe để làm việc; đây chỉ là điều kiện cần. Từ quan điểm này, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Bảo biểm xã hội TS Phạm Đình Thành cho rằng, quan hệ việc làm có diễn ra hay không lại phụ thuộc vào người sử dụng lao động và NLĐ F0 quyết định và tự thỏa thuận với nhau. Khi đó, NLĐ F0 thấy đủ sức khỏe và có thể làm việc được, đồng thời chủ sử dụng lao động cần thì quan hệ đó được thực hiện. Và chủ sử dụng lao động phải trả lương cho NLĐ như bình thường, mặc dù họ vẫn được hưởng chế độ ốm đau do là F0.

Chủ sử dụng lao động trả lương cho người lao động F0 như bình thường, mặc dù họ vẫn được hưởng chế độ ốm đau do là F0. Ảnh: Phạm Hùng.
Chủ sử dụng lao động trả lương cho người lao động F0 như bình thường, mặc dù họ vẫn được hưởng chế độ ốm đau do là F0. Ảnh: Phạm Hùng.

Với vai trò là đại diện cho người sử dụng lao động, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội TS Hoàng Xuân Hiệp cho rằng, người F0 chỉ được hưởng chế độ ốm đau 7 ngày theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Cho nên, NLĐ F0 làm việc online theo thỏa thuận và được người sử dụng lao động trả lương. DN có thể trả lương cho NLĐ F0 theo thời gian làm việc bình thường. Trường hợp NLĐ làm việc ngoài giờ thì DN trả lương theo đúng quy định làm thêm giờ. TS Hoàng Xuân Hiệp cũng nhấn mạnh đến trường hợp F0 đang làm việc trực tuyến nếu xuất hiện các triệu chứng thì cho họ nghỉ để được nghỉ ngơi và điều trị kịp thời.

Cũng có những ý kiến cho rằng, căn cứ vào thực tế và nguyện vọng của NLĐ, nhu cầu của cơ quan, đơn vị và DN để hai bên thỏa thuận về tiền lương. Nếu F0 làm ngoài khung giờ hành chính thì nhất định DN trả lương làm ngoài giờ. Cũng có thể, DN trả mức tiền lương người F0 làm việc trong khung giờ quy định cao hơn mức bình thường để động viên và giữ chân NLĐ. Tất nhiên, DN cũng phải tính đến kế hoạch hoạt động và khả năng tăng chi phí làm giảm lợi nhuận của họ để có sự cân nhắc hài hòa lợi ích giữa hai bên.

Còn đối với trường hợp thuộc diện F1 làm việc trực tiếp thì tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị để có sự tính toán thực hiện, chứ không phải cứ ào ào cho người F1 đi làm. Vì chủng Omicron lây lan nhanh, người F1 rất dễ trở thành F0 nên các DN phải bố trí cho F1 làm ở khu vực riêng (xưởng riêng), thực hiện 5K. Nếu đơn vị nào không đủ điều kiện cho người F1 làm việc ở xưởng riêng thì phải bố trí dây chuyền riêng, vị trí làm việc riêng và không tiếp xúc với NLĐ làm việc ở khu vực khác.