Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người “gỡ nút thắt”

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện về người chồng giết vợ do ghen tuông đang làm nóng dư luận. Một lần nữa vấn đề ngăn chặn bạo hành gia đình với phụ nữ lại được nhắc đến. Nhiều chương trình, đề án, giải pháp… đã được triển khai, nhưng thực tế cho thấy, chỉ khi nam giới thay đổi nhận thức mới giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, bạo lực trong gia đình thường do người chồng "khởi xướng". Nguyên nhân sâu xa là do sự tồn tại của tình trạng bất bình đẳng giới và tư tưởng gia trưởng khi người chồng cho rằng mình có quyền "dạy bảo" các thành viên yếu thế trong gia đình bằng vũ lực hoặc lời nói. Ngoài ra bạo lực gia đình còn đến do đủ các nguyên nhân xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như lạm dụng rượu bia, nghiện ma túy, ngoại tình, ghen tuông, thiếu hiểu biết pháp luật, kinh tế khó khăn và kể cả kinh tế khá giả…
 Ảnh minh họa.
Trong một cuộc trò chuyện về bạo lực gia đình, một người phụ nữ kể lại nỗi khổ của mình trong những ngày liên tục bị chồng đánh. Ngày nối đêm, đêm nối ngày, cuộc sống của chị trôi đi trong ngôi nhà lạnh lẽo. Chồng chị có thể đánh chị vì bất cứ lý do gì, có khi chỉ vì những điều rất nhỏ nhặt trong cuộc sống. Nhưng đáng buồn hơn, không chỉ đánh vợ, chồng chị còn mang cả những con giận dữ vô cớ trút lên những đứa con. Nhiều khi chỉ vì con làm đổ cốc sữa, anh cũng nổi điên, mặt hầm hầm quát: "Ăn uống thế à. Ông đập cho mẹ con mày một nhát bây giờ", rồi vớ được dép, cán chổi là anh phát vào mông con. Lúc đó dường như anh không quan tâm đến ánh mắt sợ hãi của mẹ con chị, anh chỉ biết đánh, đánh thật nhiều, thật đau. Cuộc sống của gia đình chị cứ thế chìm trong bất hạnh tưởng như không có lối để thoát ra nếu không xảy ra một “biến cố” lớn. Đó là cái ngày anh vô tình chứng kiến cảnh một người vợ gục ngã dưới bàn tay bạo lực của chồng, anh như chợt tỉnh ra. Anh chợt hiểu vì sao vợ con luôn “né tránh” anh và anh có cảm giác mình đang đánh mất dần tình yêu của những người thân.

Chính người chồng từng thẳng tay trút lên vợ con những trận đòn ấy đã thú thực: “Tôi cũng không hiểu vì sao luôn đánh vợ con trong tâm trạng giận dữ, cáu gắt, không điều khiển được hành vi của mình, không biết mình đánh vợ con đau như thế nào”. Thế rồi nhờ sự giúp sức của những người bạn, anh tham gia vào các "lớp học làm chồng", các câu lạc bộ người chồng đảm… Từ những kiến thức bổ ích trong các chủ đề sinh hoạt, anh đã học được cách trở thành những người chồng, người cha đúng nghĩa, dần dần đã có sự thay đổi trong tư duy và cách ứng xử trong gia đình, với vợ con. Anh cũng như những nam giới từng là người gây ra bạo lực trong gia đình đã học được những kinh nghiệm hay trong cách giải quyết vấn đề, cách kiềm chế cơn nóng giận nhằm không để bạo lực xảy ra. Và từ sự đổi thay của người chồng ấy, cuộc sống của chị đã có nhiều điều đổi khác. Trong cuộc trò chuyện với những người bạn, chồng chị đã quả quyết: “Đánh vợ là dại”.

Giờ đây, anh rất yêu thương, chăm sóc, sẻ chia việc nhà với chị như để bù đắp lại những tháng năm trước đây. Anh bảo: “Giờ mình quyết tâm sửa bằng được cái tính cục cằn, lỗ mãng khi xưa và việc đó cũng không đến mức quá khó nếu mình tự tiết chế được hành vi của mình, bình tĩnh để nhìn nhận cái đúng cái sai. Đánh vợ con, không bao giờ mang lại hạnh phúc hay sự thoải mái cho bản thân mình cả, bằng chứng là trước đây sau mỗi lần trút bạo lực xuống vợ con, bản thân mình cũng thấy rất mệt mỏi và nặng nề”. Thực tế, bạo lực gia đình chỉ có thể làm xói mòn đạo đức của bản thân mỗi người, của xã hội và còn ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai, đó chính là nguy cơ gây tan vỡ gia đình. “Đấy là chưa kể nhỡ tay, vợ bị làm sao thì áy náy cả đời", như lời anh đã chia sẻ.

Từ câu chuyện ấy cho thấy, nếu nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nam giới trong xây dựng hạnh phúc gia đình thay đổi, sẽ không còn cảnh những người phụ nữ bất hạnh vì bị chồng đánh, không còn những câu chuyện làm sửng sốt dư luận bởi bạo hành. Nhiều chương trình, hoạt động, dự án đã được thực hiện hướng đến phụ nữ, giúp phụ nữ vượt qua hoàn cảnh, nỗi sợ, dám đấu tranh và không cam chịu bạo lực vì cho rằng họ là nạn nhân và cần được hỗ trợ, giúp đỡ… Tuy nhiên, cũng chính thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng, nếu những người đàn ông không “mở lòng” để thay đổi, sẽ khó có được những câu chuyện đáng nhớ như trên. Bởi người buộc nút phải là người gỡ nút và nam giới mới là người “gỡ nút thắt” ấy để ngăn bạo lực gia đình, nếu chỉ phụ nữ nỗ lực thôi, sẽ khó mà giải quyết được tận gốc vấn đề.