Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Hà Nội lan tỏa kiến thức pháp luật

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những cách làm độc đáo, linh hoạt cũng như gần gũi, người Hà Nội đã và đang cùng nhau lan tỏa kiến thức pháp luật tới từng nơi, từng chỗ, từng ngóc ngách…

“3 cùng” với người dân để lan tỏa kiến thức pháp luật

Anh Vũ Mạnh Cường, công chức Tư pháp xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội chia sẻ về cách ông “3 cùng” với người dân để tuyên truyền, lan tỏa kiến thức pháp luật với bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn. Anh Vũ Mạnh Cường cho rằng, với người dân thiểu số việc tuyên truyền phổ biến pháp luật không thể giống như người Kinh. Với họ, tư duy “phép vua thua lệ làng” còn khá nặng. Người dân có thường lắng nghe và tuân thủ theo những hướng dẫn, chỉ bảo của những người uy tín hoặc trưởng họ…

“Trên địa bàn xã Ba Trại có 5 dòng họ lớn là họ Đinh, Bạch, Quách, Hoàng và họ Bùi, các dòng họ này cư trú trên địa bàn xã rất lâu đời. May mắn, tôi lại là con rể của một trong 5 dòng họ này” – anh Vũ Mạnh Cường cho biết.

Lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với các em học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với các em học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chính bởi là người nhà, nên để lan tỏa pháp luật, khiến những quy định pháp luật đi sâu và thấm vào đời sống của người dân, ông đã tận dụng bố vợ để ăn cùng, “uống cùng” và ngủ cùng những người dân. Với những buổi “3 cùng” như vậy, người trong các tộc họ dần thân thiết, tin tưởng và coi anh như 1 thành viên uy tín. Sau khi lấy được niềm tin của người dân, anh bắt đầu từng bước tuyên truyền cho người dân ở đây. Pháp luật cứ thế len lỏi, lan tỏa vào từng hành động, suy nghĩ của người dân qua những câu chuyện, những thủ thỉ của các cán bộ tư pháp như anh Vũ Mạnh Cường.

Không những thế, để người dân dễ hiểu hơn khi làm những thủ tục hành chính, anh Vũ Mạnh Cường còn sáng tạo, quay video hướng dẫn từng thủ tục đăng lên nhóm của Bộ phận Một cửa UBND xã Ba Trại, giúp người dân thuận lợi trong các thủ tục hành chính.

Còn với ông Trần Như Tiến, sinh năm 1962, Tổ trưởng Tổ dân phố số 6, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, việc lan tỏa cho người dân thực hiện thượng tôn pháp luật qua zalo là một cách làm rất hay, rất thiết thực. Ông cho biết, Tổ dân phố số 6 có khoảng 300 hộ dân với 1.100 nhân khẩu, nếu cả người thuê trọ thì khoảng 350 hộ. Tổ dân phố số 6 vốn là toàn bộ người dân ở làng Lệ Mật xưa. Người dân ở đây vốn chủ yếu làm nông nghiệp và bởi làm nông nghiệp nên họ sống thuần túy, ít xảy ra vấn đề mâu thuẫn lớn…

Bên cạnh đó, người dân làng Lệ Mật luôn chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Đồng thời, an ninh trật tự rất tốt bởi là làng quê nên nhà này trông cho nhà kia, có người lạ đến nhà còn có hàng xóm để ý giúp.

“Nếp sống hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau cũng khiến người ta tự giác nhìn nhau mà sống. Chưa bàn đến việc có vi phạm pháp luật hay không, nhưng cùng với sự bài xích những hành vi chưa chuẩn mực, những ứng xử không đúng với “lệ làng”, từ đó người ta tự uốn nắn. Đó cũng là một cách để lớp chúng tôi bảo nhau nên làm thế nào để bà con nhìn nhau mà sống theo đúng quy định…” – ông Trần Như Tiến chia sẻ. Ông còn cho biết, ngoài ra, Tổ dân phố số 6 lập 2 nhóm zalo, nhóm Tổ dân phố số 6 và nhóm Dân chính được 6 - 7 năm nay, gần như hộ gia đình nào cũng trong nhóm.

Giáo dục việc nhận thức về hậu quả thật

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc lan tỏa và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong người dân thì ở địa phương nào cũng làm, cũng thực hiện. Đối với Hà Nội, cùng với Sở Tư pháp TP Hà Nội, Đoàn Luật sư TP cũng tích cực tham gia công tác này bằng nhiều chuyên đề, nhiều cách nhằm lan tỏa cho người lao động, người yếu thế, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn Hà Nội về pháp luật.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hà, trong tất cả các đối tượng người dân khi thực hiện lan tỏa, cảm xúc nhất đối với các thành viên trong đoàn đó là những buổi tuyên truyền, lan tỏa về pháp luật cho những em học sinh. Đặc biệt, đó là chuyên đề “Luật sư Thủ đô với mô hình phiên tòa giả định trong trường học”.

Để triển khai mô hình này, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã sưu tầm các vụ án có thật từ các luật sư thành viên trong Đoàn Luật sư TP về 5 nhóm lĩnh vực: nhóm tội phạm về an ninh mạng, nhóm tội phạm về bạo lực học đường, nhóm tội phạm về an toàn giao thông, nhóm tội phạm về ma túy và nhóm tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Sau khi có các vụ án, ban tổ chức tiến hành mã hóa, rà soát hồ sơ và điều chỉnh một số nội dung, chi tiết của vụ án cho tương thích với mục đích, nội dung tuyên truyền PBGDPL.

Đồng thời, cập nhật và tiếp nhận thông tin các nhà trường có nhu cầu triển khai công tác tuyên truyền PBGDPL trong nhà trường; liên hệ với nhà trường để năm bắt những vấn đề mà thầy cô và học sinh quan tâm, bức xúc liên quan đến một số hoạt động và phong trào chung của nhà trường; xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền PBGDPL.

Luật sư Nguyễn Văn Hà cũng cho biết, để phiên tòa giả định được diễn ra thân thiện, gần gũi và dễ nắm bắt, Đoàn Luật sư TP đã tổ chức xây dựng kịch bản và phân vai cho các luật sư tham gia diễn đàn. Trong một số trường hợp cụ thể nếu phù hợp và theo nhu cầu, ban tổ chức có thể phân vai cho học sinh tham gia đóng vai trong phiên tòa giả định.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hà, kinh phí tổ chức khoảng 10 – 15 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa do Đoàn Luật sư TP, ban tổ chức huy động từ kinh phí của Đoàn Luật sư TP và sự đóng góp của các luật sư thành viên.

Thời gian qua, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã tổ chức được các buổi tuyên truyền PBGDPL tại các trường THCS, THPT thông qua mô hình “Luật sư Thủ đô với mô hình phiên tòa giả định trong trường học” và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Về hoạt động này, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội, Sở đã phối hợp với Đoàn Luật sư TP tổ chức 10 buổi tuyên truyền cho học sinh tại một số trường như Trường THPT Lê Lợi, Trường THPT Quang Trung, Trường THCS Phúc La (Hà Đông), Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Trường THCS Bồ Đề (Long Biên), Trường THPT Nguyễn Huệ (Bắc Từ Liêm), Làng trẻ em Birla Hà Nội, Trường THPT Nguyễn Trực (Quốc Oai), Trường THCS Vĩnh Ngọc, Trường THCS Thuỵ Lâm (Đông Anh)…những phiên toà giả định thực tế là những buổi tuyên truyền trực tiếp thông qua sự tương tác, chia sẻ giữa những các bên đã mang lại những hiệu quả thiết thực.