Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Hà Nội và những đồng điệu cùng phố phường

KTS. Trần Huy Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lịch sử của thành phố do chính cư dân thành phố ấy làm nên và cũng chính họ xây dựng tương lai cho thành phố.

Hà Nội là một điển hình sinh động cho “quy luật” đầy trải nghiệm thời gian ấy khi để trí nhớ chạy dọc theo sự lớn lên của tuyến đường sắt khởi hành từ ga Gia Lâm mang theo những đồng điệu tuyệt vời của người Hà Nội và phố phường Hà Nội.

Từ làng ra phố

Cụ Trần người làng Định Công vang danh bốn phương với nghề đậu bạc, nhưng nhà cụ lại làm gò đồng. Năm 1902, khi cầu Long Biên khánh thành thì Nhà máy Xe lửa Gia Lâm tuyển thợ, cụ Trần ghi tên làm công nhân và được nhận ngay. Có tay nghề tài khéo lại nhanh nhẹn, chăm chỉ, cụ Trần được cử đi theo bảo trì các đoàn tàu. Lương thợ không nhiều, nhưng cũng đủ sống và mua được miếng đất xây nhà ở giữa làng Định Công.

Cụ bà vốn sinh ra trong một gia đình buôn bán ở Hà Nội, nên khi đường sắt Hà Nội - Lào Cai mới khai thông đã mở ra cơ hội giao thương giữa miền xuôi có vải vóc, hàng xén, đồ kim khí và miền ngược có lâm thổ sản… Thế là, các bà chạy chợ bán buôn xuôi ngược, thương lái là những khách hàng tiềm năng của đường sắt.

Cầu Long Biên, cây cầu gắn với một phần lịch sử của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Cầu Long Biên, cây cầu gắn với một phần lịch sử của Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Cụ Trần và cụ bà gặp nhau trên hành trình vượt khó đã chọn thị xã trung du nằm giữa miền xuôi và miền ngược làm nơi lập nghiệp. Các cụ mở cửa hàng buôn bán đồ đồng và lâm thổ sản giữa phố Vĩnh Yên. Tuyến đường sắt Hà Nội - Vĩnh Yên - Lào Cai kết nối, lưu thông người và hàng hóa.

Chia tay lũy tre làng, các cụ tham gia vào ngành công nghiệp tân tiến và giới doanh thương năng động. Và rồi, song hành với phát triển đường sắt là công nghệ điện tín/bưu điện góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền tại Việt Nam. Các cụ không chỉ sử dụng lợi thế dịch vụ này để phát triển kinh tế gia đình, mà còn nhìn vào đó để hướng nghiệp cho con cháu sau này.

Ông Bảng - con trai duy nhất nhà cụ Trần được đi học chữ Tây tại Vĩnh Yên và gửi về Hà Nội học trường Thăng Long để thi đỗ Tú tài. Năm 1941, cụ Trần thu xếp để ông Bảng được vào làm việc tại Bưu điện Hà Nội, rồi cả nhà cùng về Hà Nội sinh sống. Ông Bảng là thành viên Tổng hội Viên chức nên tham gia mít tinh tại Nhà hát Lớn - cuộc mít tinh mà sau này trở thành cuộc tuần hành cướp chính quyền về tay Nhân dân (19/8/1945).

Sáng sớm ngày 2/9/1945, cả nhà cụ Trần tới Quảng trường Ba Đình để nghe Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa...

Cây cầu sắt và những làng nghề, phố nghề mới quanh Hà Nội

Cầu Long Biên khởi công năm 1889. Ban đầu, 40 kỹ sư, đốc công người Pháp hướng dẫn gần 3.000 công nhân Trung Quốc thi công, nhưng rồi những người thợ Việt Nam khéo léo và quen với gió sương, đặc biệt là yêu mảnh đất Kinh kỳ Kẻ Chợ đã sớm thay thế họ. Hàng trăm thợ rèn làng Hòe Thị (Từ Liêm) đã trở thành những thợ sắt xây cầu. Cầu hoàn thành thì phố Lò Rèn cũng sầm uất, bán lan can hoa sắt tinh xảo, lắp trên các phố mới.

Nhiều người nhận gia công sắt thép khắp các xứ Đông Dương mà trở nên giàu có, mở mang ra phố Sinh Từ, Cửa Nam, Khâm Thiên, Sơn Tây, Ô Đông Mác… Những phố Hàng bắt đầu như vậy, những người hàng phố đầu tiên là như thế...

Các sĩ phu Bắc Hà vốn trọng chữ nghĩa, quý sự thanh tao, một ngày đầu thế kỷ 20, đứng dưới chân cầu Long Biên chứng kiến công trình kỳ vĩ và họ thực sự choáng ngợp. Một bộ phận tiên phong đã can đảm gạt đi cái cao đạo cổ lỗ để dấn thân học hỏi những điều mới mẻ xuất hiện từ phương Tây - phong trào Đông Du ra đời với hoài bão “Chấn dân khí, hưng dân trí, hóa dân cường”. Làn sóng yêu nước, giành độc lập tự do, tự lực tự cường cũng được nhen nhóm.

Tính ra, trong 55 năm (1881 - 1936) có 2.600km đường sắt xây dựng tại Việt Nam, vận hành trôi chảy nhờ có ngành điện tín, thông tin đồng hành. Tàu chạy tới đâu, thông tin tín hiệu các ga thông suốt tới đó. Đặc biệt, tàu cao tốc (ô tô ray) chạy từ Hà Nội tới Hải Phòng hết 1,5 tiếng (95 - 102km/h). Ngoài các kỹ sư người Pháp, toàn bộ nhân viên Việt Nam vận hành thông thạo hệ thống này. Hàng ngàn công nhân đường sắt có tay nghề cao làm việc tại các trạm bảo hành, Nhà máy xe lửa Hà Nội, Vinh, Dĩ An.

Kết nối hôm nay

Dọc theo tuyến đường sắt năm xưa, biết bao nhiêu công trình đã hiện hình trong cuộc sống đô thành, chở theo những chuyển động của đất và người Hà Nội theo dòng lịch sử. Cùng thời với cầu Long Biên, người Hà Nội còn chứng kiến sự ra đời của Ga Hàng Cỏ (nay là Ga Hà Nội) năm 1902. Các tuyến đường sắt khởi hành từ Hà Nội bắt đầu từ đây, tỏa đi khắp dải đất hình chữ S. Nhà máy xe lửa Gia Lâm và ga Gia Lâm vẫn nguyên vẹn trên hành trình của các tuyến đường sắt đi về phía Bắc, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của đô thị Hà Nội cùng những thế hệ trưởng thành cùng phố phường Hà thành.

Đi qua bao thăng trầm lịch sử cho đến hôm nay, ga Hà Nội hôm nay vẫn là đầu mối giao thông quan trọng của Thủ đô, đi đến các tỉnh, thành trong cả nước. Nhà ga có 5 đường ray, được chia thành khu A và khu B. Khu A phục vụ các chuyến tàu Thống Nhất đi đến các tỉnh thành phía Nam, còn khu B phục vụ các chuyến tàu địa phương đi các tỉnh thành phía Bắc. Ga Gia Lâm vẫn đong đầy ký ức với vóc dáng năm nào và những xình xịch tàu vào ga 18 chuyến mỗi ngày…

Đáng nói hơn là trong lòng người Hà Nội hôm nay, những nơi ấy vẫn là ký ức ngọt ngào, đáng trân trọng. Thế nên, ga Gia Lâm, ga Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… đã trở thành một phần linh hồn của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Ga Hà Nội đã trở thành một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hóa, một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô…

Và bước sang thập niên thứ hai của thế kỷ 21, khi những tiếng “leng keng” vẫn còn trong ký ức ngọt ngào của nhiều người Hà Nội, TP bắt đầu hình thành những tuyến đường sắt đô thị. Sau hơn một thập niên xây dựng, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên Cát Linh - Hà Đông đã đi vào vận hành, khai thác. Và sắp tới đây là tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ tô điểm thêm vào bức tranh tổng thể của mạch máu giao thông đô thị trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô. Với tố chất mạnh mẽ, ưu việt, đường sắt đô thị sẽ trở thành xương sống của mạng lưới vận tải công cộng Hà Nội.

Mỗi chuyến tàu có thể chở hàng nghìn người, đi trên cao hoặc đi ngầm. Khác với vẻ đẹp trầm lắng của tàu điện mặt đất, tàu điện trên cao và tàu điện ngầm lại mang vẻ đẹp hiện đại đến cho TP. Không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, mạng lưới đường sắt đô thị còn được kỳ vọng sẽ là mạch nối những trục không gian văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, góp phần nâng tầm vị thế đô thị trung tâm của Việt Nam và khu vực.

Các không gian nhà ga đường sắt đô thị Hà Nội được thiết kế xây dựng hiện đại, hứa hẹn cũng sẽ là những không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, không gian trưng bày hiện vật, hình ảnh về văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, trở thành những điểm nhấn của Thủ đô thời hội nhập và phát triển...

Vậy là, dọc theo tuyến đường sắt năm xưa bước vào thế kỷ 21 hôm nay, Việt Nam đã khởi động và đang từng ngày thực hiện giấc mơ đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị trị giá hơn trăm tỷ USD. Nhìn lại những người Hà Nội đồng điệu tuyệt vời với những đổi thay nơi phố phường Hà Nội ngày ấy, để tin rằng, sự đồng điệu ấy sẽ còn tiếp diễn trong thời đương đại này.

Chắc chắn người dân và DN Việt sẽ có thêm cơ hội phát triển công kỹ nghệ, thương mại. Chắc chắn thế hệ trẻ Hà Nội hôm nay sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia rèn luyện và thành đạt, giỏi giang trong công cuộc hiện đại hóa đường sắt Việt Nam như thế hệ đi trước đã vượt khó để tới đích.