Vượt qua rào cản, bước ra từ bóng tối
Cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu” được đề ra từ Đại hội đại biểu Hội người mù TP Hà Nội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2003-2008. Trong đó, “2 vượt”: Vượt khó, vượt cản; “4 rèn”: Rèn kỹ năng, rèn thể lực, rèn trí lực, rèn phong cách; “5 phấn đấu”: Phấn đấu có tri thức, có đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, có đời sống tinh thần ngày càng phong phú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có cuộc sống bình đẳng và hòa nhập cộng đồng.
Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, để triển khai hiệu quả cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu” trong cán bộ, hội viên, Hội người mù quận đã nghiên cứu kĩ lưỡng, vận dụng sáng tạo các tiêu chí của cuộc vận động, đảm bảo “đúng” và “trúng” với nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, được hội viên nhiệt tình hưởng ứng.
Sau 20 năm triển khai cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”, đã có trên 80% cán bộ hội viên hăng hái tham gia, mỗi người đều tự giác, chủ động đề ra các mục tiêu rèn luyện theo từng tiêu chí cụ thể của cuộc vận động. Trong đó, ở mỗi tiêu chí lại xuất hiện những điển hình có tác dụng thúc đẩy và nêu gương với hội viên để cuộc vận động ngày càng phát triển cả chiều sâu và bề rộng.
Đã có nhiều hội viên dũng cảm vượt qua rào cản để bước ra từ bóng tối, hòa nhập với cộng đồng trong việc học tập, tìm kiếm việc làm, tạo ra thu nhập, xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện quyền làm mẹ… Nhiều cán bộ, hội viên đã hăng hái tham gia các khóa đào tạo do Hội người mù Việt Nam và Hội người mù TP Hà Nội tổ chức. Đông đảo hội viên đã hăng hái tham gia luyện tập và thi đấu thể thao, đạt thành tích cao ở các giải thể thao trong và ngoài nước.
Lan toả các tấm gương tiêu biểu
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu” do Hội người mù quận Thanh Xuân tổ chức ngày 24/3, tất cả những người tham dự hội nghị đều thán phục trước tài năng chơi đàn bầu của hội viên Trần Quốc Hoàn và biểu diễn nhảy múa của hội viên Phạm Ngọc Dung.
Mặc dù là người khiếm thị, nhưng Trần Quốc Hoàn (sinh năm 1981) đã chinh phục 2 trường đại học: Nhạc viện Hà Nội (Khoa Âm nhạc truyền thống, chuyên ngành đàn bầu) và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội (Khoa Báo chí). Với bao năm cố gắng rèn luyện và không ngừng phấn đấu để vượt lên chính mình, cuộc đời đã ban tặng cho anh một món quà vô giá, đó chính là một gia đình hạnh phúc với người vợ hiền hiện đang là giáo viên của trường Nguyễn Đình Chiểu và hai cô con gái thông minh, đáng yêu.
Tham gia Hội người mù quận Thanh Xuân suốt 20 năm qua, anh Trần Quốc Hoàn tâm sự, ở ngôi nhà thứ 2, anh đã được gặp nhiều tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tiếp thêm cho anh nghị lực phấn đấu. Là hội viên lâu năm, anh đã mang những khả năng cá nhân của mình đóng góp cho các phong trào, các hoạt động chung của hội: Hoạt động văn nghệ, hoạt động hội viên trẻ, các cuộc thi viết, tham gia ban kiểm tra của hội. Anh cũng chủ động học tiếng Anh, làm việc cho một công ty nước ngoài, qua đó khẳng định được giá trị của bản thân, đóng góp công sức cho gia đình và tổ chức hội.
Trong khi đó, với Phạm Ngọc Dung (sinh năm 1985), thể thao đã trở thành niềm đam mê của cô. Phạm Ngọc Dung từng giành được huy chương bạc bộ môn điền kinh nội dung chạy 200m tại hội thi thể thao dành cho người khuyết tật tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; đồng thời là một vũ công giành nhiều Huy chương Vàng trong các cuộc thi dành cho người khiếm thị Thủ đô. Hồi tháng 10/2022, Phạm Ngọc Dung còn dành được danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi “Tài sắc Thanh Xuân”, do Hội Người mù quận Thanh Xuân phối hợp với Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức.
Có lẽ điều kì diệu nhất khi tham gia Hội đã mang lại cho Phạm Ngọc Dung, đó là một tình yêu đẹp, một mái ấm gia đình. Trong một buổi sinh hoạt, giao lưu với Hội người mù quận Hoàn Kiếm, Ngọc Dung đã gặp và quen anh Hoàng Văn Lý (sinh năm 1982) - một người đồng tật với mình. Niềm hạnh phúc nhân lên gấp bội bởi tổ ấm bé nhỏ có thêm hai thành viên là hai cô con gái xinh xắn, khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi, biết yêu thương giúp đỡ bố mẹ. Trong khi Ngọc Dung là hội viên tài năng của Hội Người mù quận Thanh Xuân, thì chồng cô, Hoàng Văn Lý - Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm, cũng rất nổi danh trong giới người khiếm thị, với đam mê làm báo.
Gắn mục tiêu của cuộc vận động với các phong trào thi đua
Theo Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành, có thể khẳng định, nhờ triển khai tốt và sâu rộng các cuộc vận động, trọng tâm là cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”, người khiếm thị quận Thanh Xuân đã có cơ hội tự hoàn thiện bản thân, tăng thêm năng lực tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội của địa phương. Đời sống của người khiếm thị không ngừng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm, đến nay không có hội viên thuộc diện hộ nghèo.
Ngoài ra, phần lớn cán bộ, hội viên đã tự ứng dụng công nghệ trong việc tham gia giao thông, trong công tác, học tập, sinh hoạt. Đại đa số hội viên trẻ luôn tích cực giữ vai trò xung kích đi đầu trong các hoạt động như học tập tin học, chuyên môn, ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, học nghề, phát triển kinh tế của bản thân và còn chung sức giải quyết việc làm cho nhiều bạn đồng tật.
“Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội người mù quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “2 vượt, 4 rèn, 5 phấn đấu”, gắn các mục tiêu của cuộc vận động với các phong trào thi đua; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo để triển khai hiệu quả cuộc vận động…” - Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân chia sẻ.