Người khuyết tật gian nan tìm việc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Nhiều người khuyết tật (NKT) có mong muốn được làm việc nhưng để tìm được công việc phù hợp không dễ bởi điều kiện về sức khỏe, năng lực bản thân. Trong khi đó, không ít các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh không muốn nhận lao động khuyết tật khiến cuộc sống của họ càng thêm khốn khó.

75% người khuyết tật chưa có việc làm

Thông tin từ Hội NKT Hà Nội, 75% NKT ở Thủ đô trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu tìm việc làm vẫn chưa có cơ hội làm việc. Lao động khuyết tật khó tiếp cận việc làm bởi những rào cản thiếu thông tin về tuyển dụng lao động là NKT; khi NKT được nhận tuyển dụng thì lại tự ti, mặc cảm, làm được ít ngày rồi bỏ vì những trở ngại. NKT khó khăn khi tiếp cận nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng cũng làm giảm cơ hội việc làm.

Người khuyết tật nữ ứng tuyển tại Ngày hội việc làm do Hội Người khuyết tật Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức đầu tháng 9 vừa qua. Ảnh: Thủy Trúc
Người khuyết tật nữ ứng tuyển tại Ngày hội việc làm do Hội Người khuyết tật Hà Nội và Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức đầu tháng 9 vừa qua. Ảnh: Thủy Trúc

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại các Phiên giao dịch việc làm lồng ghép có đối tượng NKT, Hội chợ việc làm dành cho thanh niên khuyết tật cho thấy, rất đông NKT mong muốn được tìm công việc phù hợp để có thu nhập, nuôi sống bản thân, hòa nhập cộng đồng cũng như đóng góp xây dựng TP.

Gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạnh bị khiếm thị và Nguyễn Thị Hằng bị yếu cơ tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội, phóng viên càng thấm thía hơn nỗi vất vả, gian truân đi tìm việc làm của NKT.

Không thể phát âm tròn vành rõ chữ, chị Hằng kể về con gái 9 tuổi chưa biết nói, không biết đi, mắt bị mù, không nhai được cơm. Khoản tiền trợ cấp gần 3 triệu đồng mỗi tháng của 2 vợ chồng và con, không đủ tiền mua cháo, bỉm, sữa, chưa kể tiền thuốc men…

“Trước đây, tôi đi làm thêu nhưng tay run, thêu chậm và xấu, thu nhập thấp. Để có tiền trang trải sinh hoạt, chồng đi hát thuê ở bên đường, tôi bê thùng đi xin tiền của khách nhưng công việc không đều… Chúng tôi biết việc hát rong và xin tiền ở bên đường là vi phạm quy định của TP và nguy hiểm đến tính mạng nhưng chưa tìm được công việc nào khác. Bởi vậy, tôi đến Hội chợ việc làm với mong muốn đăng ký làm cộng tác viên bán vé máy bay; còn chồng muốn có phòng trà nào đó tuyển dụng để hát kiếm tiền” - Nguyễn Thị Hằng bộc bạch.

Cũng có những NKT có trình độ, đã nỗ lực vươn lên nhưng rất khó để trụ lại với công việc bởi sức khỏe yếu, khiếm khuyết phần thân thể... Chị Nguyễn Ngọc Ánh (sinh năm 1997) chỉ cao 1,08m đã trải qua vài công ty nhưng mỗi nơi chỉ kéo dài khoảng 2 năm.

Chị chia sẻ, trước đây, khi làm việc ở công ty máy tính, lương tháng hơn 2 triệu đồng (làm 8 tiếng/ngày) nhưng mỗi ngày phải leo lên - xuống 10 tầng cầu thang, người rất mệt…

Chán cảnh đi làm xa, lương không đủ sống, lại phải thuê nhà tới 3 triệu đồng/tháng, chị Ngọc Ánh trở về quê ở huyện Phú Xuyên nhận may lưới nhưng mỗi tháng chỉ được 500.000 - 600.000 đồng. Với trình độ học vấn tốt nghiệp lớp 12, mới đây NKT tí hon Ngọc Ánh tìm đến Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội và tự tin đăng ký học nghề quay video, hy vọng tìm được công việc mới có mức lương đủ sống.

Những doanh nghiệp tạo cơ hội cho người khuyết tật

NKT trong độ tuổi lao động có mong muốn tìm việc làm nhưng nhiều DN lại e dè vì chưa thể tin tưởng vào khả năng của họ. DN cũng không muốn vì nhận ít NKT vào làm việc mà phải cải tạo đường đi, nhà vệ sinh, nơi làm việc…

Để NKT có được công việc nuôi sống bản thân, nhiều năm nay, Hội NKT Hà Nội đã tạo việc làm cho các hội viên thông qua kế hoạch, chương trình, dự án. Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho biết, Hội có nhiều hình thức tạo việc làm đối với NKT, như giúp tiếp cận nguồn vốn vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 2012 - 2017 đã có 2.000 hộ gia đình có NKT được vay 40 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Những thanh niên khuyết tật có trình độ học vấn, được Hội NKT các quận, huyện liên hệ với Trung tâm dạy nghề để đào tạo nghề. Hội NKT các quận, huyện giới thiệu thanh niên khuyết tật vào làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất trên địa bàn. Những NKT ngồi xe lăn có khả năng sử dụng máy tính, điện thoại thông minh được hỗ trợ học nghề bán hàng online.

Tín hiệu đáng mừng là hiện nay có những DN lớn nhận thức được trách nhiệm với xã hội, cộng đồng và nhìn thấy những điểm nổi trội của NKT đã tiếp nhận họ vào làm việc ở những vị trí phù hợp. Bên cạnh đó, những công ty TNHH xã hội, DN xã hội hợp tác xã do chính NKT làm chủ cũng đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cùng cảnh ngộ.

“Công ty CP Hàng không Đà Nẵng nhận cộng tác viên là NKT mở đại lý bán vé máy bay, với số lượng không giới hạn. Chúng tôi đào tạo nghề miễn phí và cung cấp vé máy bay của tất cả các hãng, với giá gốc để NKT ở nhà làm thêm, tăng thu nhập. Ngoài ra, chúng tôi còn tạo điều kiện cho NKT tư vấn cho người đi du học, xuất khẩu lao động để có thu nhập cũng như được mở rộng quan hệ, trang bị kỹ năng” - Tổng Giám đốc Công ty CP Hàng không Đà Nẵng Võ Quang Vũ cho hay.

Với mong muốn mang cơ hội việc làm cho những thanh niên khuyết tật chịu khó làm việc, góp phần thay đổi cuộc sống, Viện Khoa học giáo dục Yoshine Melody đang thực hiện đào tạo thí điểm nghề sửa chữa đàn dành cho NKT. Những NKT học nghề tháng đầu tiên được Viện hỗ trợ 2,5 triệu đồng và bữa ăn trưa 25.000 đồng/ngày. Trường hợp học việc ở tháng thứ 2, 3 được hỗ trợ chi phí 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng, ăn trưa 30.000 đồng/ngày. Viện cam kết đầu ra có việc làm vì đã ký hợp đồng với các viện, đơn vị.

Tuy nhiên, số DN nhận NKT vào làm việc vẫn còn khiêm tốn. Để đồng hành với người yếu thế, tới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục phối hợp với Hội NKT cấp TP, quận, huyện, thị xã và các tổ chức, DN xây dựng những giải pháp hỗ trợ NKT tìm kiếm việc làm.

Một trong những giải pháp là tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT, nhằm giúp đỡ, cổ động những NKT khó khăn có điều kiện học tập, tham gia thị trường lao động, tạo ra thu nhập.

 

Tham mưu chính sách hỗ trợ người khuyết tật

"Thời gian tới, cùng với việc chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề, lao động - việc làm và công tác xã hội, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ NKT học nghề, lập nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi

. Sở cũng sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các cơ sở dạy nghề cho NKT và tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép hướng đến NKT để khẳng định quyền hòa nhập, bình đẳng của họ." - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân

Sửa đổi chính sách pháp luật về người khuyết tật

Luật NKT được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Luật NKT ra đời trước Hiến pháp năm 2013 nên để đảm bảo tính hệ thống của hệ thống chính sách pháp luật về NKT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và Hiến pháp năm 2013 thì sau hơn 10 năm thực hiện Luật NKT cần được xem xét tổng kết đánh giá, sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về NKT.

Để đảm bảo chính sách việc làm cho NKT, cần tăng cường phổ biến, giáo dục các văn bản pháp luật về lao động và NKT cho NKT, cơ quan, tổ chức, DN, người dân; từng bước nâng cao kiến thức pháp luật cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về NKT của cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân; xử lý nghiêm hành vi vi phạm." - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến