Người khuyết tật làm du lịch, tại sao không?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khách du lịch sẽ tham quan xưởng sản xuất, giao lưu, tìm hiểu nghề và mua sắm những sản phẩm do người khuyết tật (NKT) làm ra”.

Đó là giải pháp được bà Đỗ Cẩm Thơ - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Du lịch, Bộ VH, TT&DL đưa ra đề xuất tại Hội thảo Chính sách, giải pháp tín dụng phát triển đào tạo nghề, tạo việc làm và giới thiệu sản phẩm của NKT, hôm nay 12/4.

 Sản phẩm của NKT được giới thiệu tại hội thảo.

Hiện nay, cả nước có khoảng 7,6 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Do tác động của các cuộc chiến tranh, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và nhiều vấn đề xã hội khác, dự báo trong những năm tới, số lượng NKT sẽ tiếp tục gia tăng. Vì thế, công tác trợ giúp cho NKT gặp nhiều thách thức ở phía trước. Trong khi ấy, đời sống của NKT, đặc biệt là NKT thuộc hộ nghèo còn nhiều khó khăn.

Tại hội thảo, đã có những giải pháp được đưa ra để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tạo việc làm cho NKT thì ý tưởng NKT làm du lịch do bà Đỗ Cẩm Thơ trình bày được nhiều đại biểu chú ý do tính khả thi cao.

Thứ nhất bởi, sản phẩm của NKT làm ra rất đa dạng, từ tranh thêu, mỹ nghệ nan tre, quà lưu niệm, thú nhồi bông, thú giấy, hoa giấy, cào cào lá tre… đến những thứ cao cấp như tranh ghép gỗ, tranh sơn dầu, tranh ghép đá quý…

Thứ hai, tuy sức khỏe của NKT thường yếu, việc sản xuất kéo dài hơn người bình thường nhưng họ lại kỹ lưỡng hơn trong công việc, chăm chút cho từng chi tiết để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn du khách.

Theo bà Thơ, để NKT có thể làm du lịch thì rất cần sự quan tâm và đầu tư của các cơ quan và tổ chức xã hội. Đầu tiên là tìm hiểu nhu cầu thị trường và loại sản phẩm, hàng hóa mà khách du lịch cần và ưa thích. Các cơ sở, xưởng sản xuất đón khách du lịch phải được trang trí, chỉnh trang lại đảm bảo ngăn nắp, sạch sẽ, đẹp dễ và thuận tiện cho khách du lịch tham quan, tìm hiểu, giao lưu với lao động NKT.

Để phục vụ khách du lịch, sản phẩm của NKT làm ra được hình thành dưới hai khía cạnh. Thứ nhất, sản phẩm được bày bán tại các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng, trung tâm mua sắm. Thứ hai, sản phẩm cung cấp trải nghiệm, tham quan, mua sắm tại chỗ để hướng đến các đoàn khách du lịch. Xưởng làm việc của NKT cũng là điểm ghé thăm trong tour du lịch chung hoặc tour du lịch chuyên đề về du lịch thiện nguyện, du lịch nhân đạo.

Chia sẻ với phóng viên về ý tưởng này, ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB&XH tin tưởng và kỳ vọng: Mỗi năm nước ta đón trên 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ trên 70 triệu lượt khách nội địa, chỉ cần mỗi lượt khách bỏ ra 100.000 đồng mua sản phẩm của NKT thì đã tiêu thụ được hàng trăm tỷ đồng. Và, cứ nhiều ngày, nhiều tháng như thế, khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm của NKT sẽ là giải pháp thiết thực góp phần tăng cường tạo việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho NKT.

Ông Hồi cũng thừa nhận: “Đúng là chất lượng sản phẩm của NKT nhiều khi có những hạn chế nhất định. Nhưng chúng ta cứ giới thiệu, cứ làm và hoàn thiện dần dần. Hơn nữa, mua sản phẩm cho NKT cũng là trách nhiệm xã hội của khách du lịch, mọi người dân; là hành động cùng chung tay, góp sức với Nhà nước để chăm lo cho NKT”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần