Hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí, bố trí việc làm ngay
Khi sinh ra, Đỗ Thị Ngọc (sinh năm 1985) đã bị thiểu năng trí tuệ. Bố mẹ cho Ngọc tới trường 10 năm, cố gắng học đến lớp 5 thì phải nghỉ vì khó tiếp nhận kiến thức. Từ đó, Ngọc quanh quẩn ở nhà phụ giúp bố mẹ trông nhà, nấu ăn, quét dọn. Thế rồi, thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và Hội NKT Hà Nội cùng phối hợp tổ chức, Ngọc biết đến Công ty TNHH Xã hội 3/12 (địa chỉ: Phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận NKT để đào tạo nghề may cờ và bố trí việc làm.
Trong không gian của ngôi nhà cổ cũng là xưởng may cờ của Công ty TNHH Xã hội 3/12, Đỗ Thị Ngọc phấn khởi khoe: Chú Khôi giao em làm công việc gấp các lá cờ, đếm cờ, cho cờ vào bao và được chỉ dẫn may đường thẳng. Chúng em được bao bữa trưa nhưng do nhà gần đây nên em thường về ăn với mẹ; tất cả tiền hỗ trợ học nghề, em đưa mẹ giữ. Từ ngày làm, em thấy người khỏe ra, quen nhiều bạn.
Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 Nguyễn Kim Khôi cho biết, tại “Hội chợ việc làm dành cho thanh niên khuyết tật Hà Nội” do Hội NKT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 8 - 9/9, ông đã tuyển được 3 NKT vào làm may. Có bạn đã học nghề may nhưng sử dụng máy may còn kém nên được đào tạo thêm. Bạn chưa biết sử dụng máy may thì chỉ dẫn và đến nay làm được sản phẩm. Đến nay, sau hơn 1 tháng, những NKT được tuyển dụng đều đang học nghề và làm ra sản phẩm.
Giám đốc HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) Đinh Thị Quỳnh Nga tuyển được 6 thanh niên khuyết tật và hiện đang được hỗ trợ đào tạo nghề may và đan xâu hạt gỗ. Chị Trần Thị Thuần - Giám đốc HTX Tâm Ngọc (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) tuyển được 5 thanh niên khuyết tật trí não và vận động; cả 5 người đang học nghề miễn phí và được hỗ trợ ăn uống hằng ngày, bố trí chỗ ở. Viện Khoa học Giáo dục Yoshine Melody chọn được hơn 10 thanh niên khuyết tật để đào tạo nghề sửa chữa đàn. “Ngày 14/10, chúng tôi dẫn các thanh niên khuyết tật sang Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trải nghiệm sửa chữa đàn. Ngoài việc học nghề miễn phí, các bạn được hỗ trợ ăn trưa + chi phí đào tạo 3,5 – 4 triệu đồng/tháng” – Giám đốc Đào tạo Viện Khoa học Giáo dục Yoshine Melody Nguyễn Văn Bính cho hay.
Mong muốn tham gia nhiều phiên giao dịch việc làm
“Hội chợ việc làm dành cho thanh niên khuyết tật Hà Nội” đã thu hút trên 500 lượt lao động là NKT tham gia và đã mang đến những kết quả. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành thông tin: Có 25 DN tuyển dụng, tuyển sinh 889 lao động là NKT. Đã có 533 lao động là NKT được tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp, phổ biến chính sách pháp luật và cung cấp thông tin thị trường lao động; 235 lao động là NKT tham gia phỏng vấn tuyển dụng; 58 lao động khuyết tật được tuyển dụng tại phiên; 81 lao động là NKT được tư vấn tuyển sinh và đăng ký học nghề. Ngoài ra, lao động là NKT được chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm việc làm và trụ việc thành công... “Tại Hội chợ việc làm, các bạn khuyết tật được tiếp cận DN, HTX nên rất phấn khởi, vui vẻ. Đây là cơ hội mới mà từ trước đến giờ có thể một số bạn chưa được tiếp cận thì lần này đã biết nắm bắt cơ hội và có việc làm ổn định” – Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Nguyễn Hồng Hà nhận định.
Hầu hết các DN, hợp tác xã tham gia “Hội chợ việc làm dành cho thanh niên khuyết tật Hà Nội” đều khẳng định hoạt động này có ý nghĩa hết sức thiết thực. Giám đốc Công ty TNHH Xã hội 3/12 Nguyễn Kim Khôi cho hay: “Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đều tham gia các phiên giao dịch việc làm. Hôm Hội chợ việc làm, tôi mang danh thiếp để phát cho mọi người và trực tiếp giới thiệu hoạt động của công ty để NKT tật hiểu rõ và mạnh dạn tiếp cận đăng ký học nghề và làm việc”. Theo Giám đốc HTX Tâm Ngọc Trần Thị Thuần, Hội chợ việc làm và các phiên giao dịch việc làm là cơ hội để mình được trao đổi trực tiếp với NKT cũng như biết được khả năng, tâm tư nguyện vọng của họ để ra quyết định có nhận đào tạo nghề và bố trí việc làm hay không.
Chủ các DN, hợp tác xã cho biết đang có nhu cầu tuyển nhiều NKT. Vì thế mọi người mong muốn tới đây Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Hội NKT Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm tới tận quận, huyện, thị xã và mở rộng đối tượng NKT tham gia để tạo cơ hội cho nhiều người khiếm khuyết một phần cơ thể được học nghề, tạo việc làm và hòa nhập cuộc sống.
Việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người lao động nói chung và NKT nói riêng, bởi nó giúp mang lại thu nhập và ổn định đời sống. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề, lao động - việc làm và công tác xã hội; tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép hướng đến đối tượng NKT để khẳng định quyền hòa nhập và bình đẳng của NKT…