Người khuyết tật tiếp cận công nghệ số để chuyển mình
Kinhtedothi – Ngày 18/4, Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức hội nghị “Kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4” với chủ đề “Phong trào người khuyết tật Việt Nam”.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật Hà Nội Đoàn Thị Ngọc Lan cho biết, chương trình hưởng ứng với chủ đề “Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến người khuyết tật” do Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát động là chủ đề mang tính thời sự và cấp thiết, thể hiện tư duy đổi mới, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng người khuyết tật trong thời kỳ chuyển đổi số toàn diện của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người khuyết tật Hà Nội Đoàn Thị Ngọc Lan phát biểu tại hội nghị.
Chủ đề năm nay càng trở nên đặc biệt quan trọng khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh yêu cầu phát triển công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), xem đây là đột phá chiến lược của quốc gia. Công nghệ số và AI không chỉ là xu hướng phát triển mà còn là cơ hội quý báu để người khuyết tật tiếp cận tri thức, nâng cao năng lực, hòa nhập xã hội và làm chủ cuộc sống.
Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các tổ chức xã hội và cộng đồng DN từ T.Ư đến địa phương, người khuyết tật Việt Nam nói chung và TP Hà Nội nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Theo đó, hàng ngàn hội viên được đào tạo nghề, có việc làm ổn định. Nhiều người khuyết tật đã mạnh dạn khởi nghiệp, làm chủ DN, sáng tạo công nghệ để phục vụ chính cộng đồng mình.

Đại diện Công ty Colas Rail Việt Nam tặng quà cho hội viên Hội Người khuyết tật Hà Nội. Ảnh: Thảo Hương
Cùng với đó, các hoạt động vận động chính sách, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người khuyết tật được triển khai động bộ và hiệu quả. Các sáng kiến hỗ trợ tiếp cận công nghệ, hạ tầng đô thị, giáo dục, y tế... đang ngày càng phát huy hiệu quả rõ nét.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số đã chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của người khuyết tật. Từ những lớp học tin học cơ bản, đến các khóa đào tạo lập trình, thiết kế đồ họa, vận hành sàn thương mại điện tử... người khuyết tật đang chuyển mình, trở thành lực lượng sáng tạo, đóng góp thiết thực vào nền kinh tế số quốc gia.
Tuy nhiên, hành trình tiếp cận công nghệ của người khuyết tật vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Đó là thiết bị công nghệ hỗ trợ còn khan hiếm và chi phí cao; nội dung số chưa thân thiện, chưa phù hợp với đa dạng dạng tật. Trong khi đó, kỹ năng công nghệ của người khuyết tật vẫn cần được nâng cao.
Theo bà Đoàn Thị Ngọc Lan, công nghệ số mở ra cánh cửa rộng lớn để người khuyết tật tiếp cận giáo dục, việc làm, y tế, giao thông và nhiều lĩnh vực khác. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp người khiếm thị đọc sách, người khiếm thính giao tiếp dễ dàng, người khuyết tật vận động có thể làm việc từ xa, không gặp rào cản địa lý.

Các đại biểu và hội viên người khuyết tật tham dự tọa đàm Phong trào người khuyết tật Việt Nam: Khẳng định – Kế thừa – Vươn xa. Ảnh: Thảo Hương
Nhưng để công nghệ trở thành công cụ hữu ích thì trách nhiệm không chỉ thuộc về Nhà nước, DN hay tổ chức xã hội mà chính mỗi cá nhân người khuyết tật cần chủ động học hỏi, thích nghi, tận dụng nền tảng trực tuyến để nâng cao kỹ năng, mở rộng tri thức và tham gia sâu hơn vào đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa – xã hội. Mỗi tổ chức Hội Người khuyết tật phải trở thành cầu nối mạnh mẽ, giúp hội viên tiếp cận và ứng dụng công nghệ số hiệu quả. Đồng thời, thúc đẩy xây dựng một môi trường số dễ tiếp cận, thân thiện và bình đẳng cho tất cả mọi người.
Cùng trong chương trình hội nghị, Hội Người khuyết tật Hà Nội đã tổ chức tọa đàm Phong trào người khuyết tật Việt Nam: Khẳng định – Kế thừa – Vươn xa. Thông qua chương trình, Hội Người khuyết tật Hà Nội mong muốn tiếp tục là cầu nối giữa cộng đồng người khuyết tật và các bên liên quan trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng, hòa nhập, sáng tạo vì một xã hội không rào cản.

Quảng Ninh: hơn 4,4 tỷ đồng ủng hộ Quỹ Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh năm 2025
Kinhtedothi - Ngày 16/4, tại TP Hạ Long đã diễn ra cuộc phát động “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh năm 2025”. Tại chương trình, đã có 130 đơn vị, doanh nghiệp, tổ, nhóm từ thiện và nhà hảo tâm đăng ký ủng hộ với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.

Hà Nội: Trao quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng
Kinhtedothi-Lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP Hà Nội cùng đại diện quận Hai Bà Trưng đã trao tặng 100 suất quà cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP, với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Trường PTCS Xã Đàn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam
Kinhtedothi - Ngày 17/4, Trường PTCS Xã Đàn (quận Đống Đa) - ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính tổ chức chương trình "Ngày hội văn hóa - thể thao năm 2025" chào mừng 27 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam.