ân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”. Đây là dịp để bạn đọc, nhà báo, chuyên gia giao lưu, trao đổi, chia sẻ quan điểm, góc nhìn về thông tin giả, tin không đúng sự thật đã và đang diễn ra trên các trang mạng xã hội, một số phương tiện thông tin đại chúng.
Cẩn trọng với thông tin không kiểm chứng
Ông Trần Minh Hùng – Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng: Tin giả đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp bởi đưa sai sự thật. Hiện nay người đọc rất dễ bị dẫn dắt bởi tin giả. Sự phát triển công nghệ đã tạo điều kiện cho người dùng tiếp xúc với rất nhiều loại thông tin, trong đó có nhiều dạng thông tin giả nhưng còn rất nhiều dạng thông tin chưa kiểm chứng, không biết đúng hay sai dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Ở góc độ là người làm báo, ông Trần Minh Hùng cho rằng, nếu người dùng không xác minh thông tin sẽ bị dẫn dắt bởi thông tin đó, nếu nhà báo lấy mạng xã hội làm nguồn tin tác nghiệp, chắc chắn sẽ bị nguồn tin không kiểm chứng dẫn dắt.
Tọa đàm “Nhà báo và bạn đọc trong cuộc chiến chống tin giả”. Ảnh: Huy Chương |
Đồng tình với quan điểm trên, Nhà báo Lê Thanh Phong (Báo Lao động) chia sẽ rằng: Tin giả là tin sai sự thật, trong tin thật có những thông tin giả. Tin giả xuất phát từ nhiều nguồn như từ Facebook; Tin giả từ trang tin khác; Tin giả liên quan đến chính khách, quan chức; Tin giả từ các tổ chức cơ quan quản lý; Báo chí đưa tin giả; Những nguồn tin đó làm cho độc giả mắc bẫy tin giả.Trong con lốc thông tin hiện nay, nhiều nhà báo mất bình tĩnh, vì bị áp lực thông tin khiến họ lao theo số người tin vào tin giả. Vì vậy, tin giả càng ngày càng có nhiều đất sống.
Ông Phong dẫn chứng thềm rằng, theo Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh: “Tỷ lệ người tin tưởng vào tin giả lên tới 70-80%”.
Trước cơn lốc tin giả như hiện nay, ông Phong đưa ra vai trò và trách nhiệm của báo chí làm người đưa tin, nên chúng ta cần phải đưa tin đúng sự thật, định hướng thông tin; đưa tin đúng sự thật; có trách nhiệm với cộng đồng, định hướng thông tin lành mạnh và trung thực; dập tắt tin giả; xây dựng niềm tin đối với bạn đọc.
Đối với độc giả cũng phải có trách nhiệm trong công cuộc chống tin giả bằng cách kiểm tra qua các nguồn khác; không like, share khi chưa xác định được nguồn tin.
Ông Nguyễn Văn Hà, Khoa Báo chí truyền thông, Đại học Khoa học xã hội và chia sẻ rằng: Bản chất con người là hiếu kỳ, nên nhiều người thích những thông tin giả. Tin giật gân có ma lực, hấp dẫn khiến nhiều phóng viên, biên tập viên không đủ sức cản với tin giả.
Việc sản xuất tin giả gần như trở thành một ngành công nghiệp, hái ra tiền. Khi đã có đồng tiền dẫn giắt thì việc chống lại nó khá gian nan, vất vả. Trên thế giới và các quốc gia hình thành một mặt trận chống tin giả.
Về kỹ thuật công nghệ nhiều nơi họ có những phần mềm lọc tin giả. Đây là những công ty toàn cầu dựa vào những tiêu chí phổ biến, nên có thể nhiều nước khác ngoài phạm vi. Ba năm nay ở châu Âu đã đưa ra chương trình huấn luyện cho giới trẻ tại các trường học để có thể phân biệt, định dạng tin giả.
Báo chí của mình nhiều khi phụ thuộc vào một số nguồn tin, nhưng nhiều khi nó không chính xác. Nên chúng ta luôn luôn phải kiểm chứng. Và việc đấu tranh với tin giả là cả một quá trình và chúng ta cần phải kiên trì đấu tranh", ông Hà cho biết thêm.
Người tung tin giả sẽ bị xử lý nghiêm
Theo Tiến sĩ Tâm lý học Lê Thị Linh Trang: Tin giả, tin không đúng sự thật gây tổn hại uy tín tổ chức, cá nhân, định hình suy nghĩ, thái độ lệch lạc của con người, gây hoang mang, tạo dư luận xấu. Thông tin giả còn làm nhiễu thông tin nội bộ quốc gia, gây bất ổn chính trị, phân chia tôn giáo, sắc tộc, gây kích động bạo lực, thù địch, tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong mỹ tục…
Để khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang cho rằng, cần nâng cao vai trò giáo dục luật pháp, truyền thông cho người dân; tăng cường tuyên truyền, thông tin để người dân hiểu rõ hơn vấn nạn này, giúp họ có khả năng phân biệt được tin thật, tin giả, để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn.
Theo tiến sĩ luật Đinh Thị Thanh Nga, ở hầu hết các quốc gia hiện nay đang đâu đầu với tình trạng tin giả. Chính vì thế, các nước cũng đều đang tập trung xây dựng các quy định ngăn chặn, chống tin giả.
Theo đó, các quy định về tin giả ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn; và các biện pháp chế tài, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin giả cũng ngày càng mạnh và nghiêm khắc hơn. Tin giả không chỉ là những thông tin 100% sai sự thật với động cơ vu khống, bôi nhọ, nói xấu... mà còn có những tin chỉ có một nửa sự thật, một nửa còn lại là bịa đặt với động cơ, mục đích riêng nhằm trục lợi hoặc hạ bệ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, tổ chức khác.
Tiến sĩ Nga cũng cho biết, các quốc gia bên cạnh việc ban hành các đạo luật kiểm soát, kiểm duyệt chặt hơn về thông tin đặc biệt là trên internet, còn đưa ra các khung xử lý nặng hơn. Đơn cử như Singapore, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi đưa tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng là 1 triệu USD, còn mức phạt tù lên đến 10 năm.