Nhiều người dân lại có cảm giác khác với hiện tượng này. Một người lao động nói: “Chúng tôi cảm giác như là bị “xù”, bị “quỵt”... đóng BHXH”. Họ cho biết thêm, ngoài đồng lương ít ỏi, một trong những điều khiến họ an tâm hơn cho cuộc sống là thẻ bảo hiểm y tế và sổ BHXH nhưng bị công ty, cơ quan sử dụng “quên”.
Chúng tôi hồi mới đi làm, chưa hiểu pháp luật lao động, cũng rơi vào tình trạng này. Dù chúng tôi có hợp đồng lao động, nhưng bị chủ sử dụng “quên” đóng bảo hiểm suốt mấy năm, sau đó được lãnh đạo giải thích: “Nghĩ là bộ phận hành chính đã làm rồi”.
Đa số người lao động do không am hiểu luật pháp và do sợ mất việc làm nếu khiến chủ sử dụng lao động tức giận đã chọn cách im lặng khi không được làm chế độ bảo hiểm.
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sáng 23/11, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) dẫn số liệu thống kê cho biết số tiền các đơn vị trốn, chậm đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2022 là khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Cả nước có 198.000 DN, đơn vị chậm đóng BHXH. Người lao động bị chậm đóng BHXH trong năm 2022 đã lên đến 2,6 triệu người, trong đó 2.500 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, phá sản hoặc chủ DN trốn ra nước ngoài (theo báo Vnexpress).
Những con số khủng khiếp và ở một khía cạnh nào đó, đây là sự coi thường cuộc sống cũng như sự đóng góp của người lao động.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, phải coi việc trốn đóng BHXH như là trốn thuế để có biện pháp xử lý mạnh.
Chúng tôi được biết, việc xử lý tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, tính từ năm 2015 đến nay, vẫn chưa có vụ trốn đóng các loại bảo hiểm nào bị truy cứu hình sự.
Thông thường, các DN vin vào lý do làm ăn thua lỗ nên chậm đóng BHXH cho người lao động, chứ họ không “trốn”. Do vậy, việc xử lý còn phải cân nhắc giữa chuyện “trốn” hay “chậm” đóng; nhất là khi DN phá sản thì xử lý vấn đề này lại càng khó.
Nhiều người lao động mong muốn rằng, khi sản xuất - kinh doanh, chủ sử dụng lao động nên ưu tiên cho khoản đóng các loại bảo hiểm; không nên chỉ khi làm ăn thuận lợi thì đóng bảo hiểm đầy đủ, còn khó khăn sẽ giảm khoản nộp này đầu tiên.
Bên cạnh đó, Nhà nước và cơ quan bảo hiểm cũng nên có quỹ dự phòng, nhằm bảo đảm quyền lợi đóng bảo hiểm cho người lao động. Theo đó, Nhà nước có thể ứng quỹ này đóng cho người lao động trước, xử lý thu hồi nợ của DN sau. Có như vậy, người lao động mới có thể an tâm hơn về cuộc sống của mình, an sinh xã hội mới trở thành hiện thực.