Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lao động được dùng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền tiêu dùng?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hỗ trợ người lao động, đồng thời giảm thiểu rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền tiêu dùng ngắn hạn.

Đây là kiến nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Ban IV). Trong báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ LĐTB&XH cho biết: Để hỗ trợ người lao động, đồng thời giảm thiểu rút bảo hiểm xã hội một lần, Ban IV kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, Bảo hiểm xã hôi Việt Nam cùng các cơ quan nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc làm việc bấp bênh.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền tiêu dùng ngắn hạn. Ảnh minh họa.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiền tiêu dùng ngắn hạn. Ảnh minh họa.

Bộ LĐTB&XH cho rằng, đây là nội dung liên quan đến chính sách tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do bị ngừng việc, mất viêc. Do vậy, Bộ LĐTB&XH tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng, cho vay phù hợp nhằm hỗ trợ người lao động trong bối cảnh bị ngừng việc, mất việc để phòng, ngừa tín dụng đen, nhất là tín dụng đen trong công nhân, người lao động.

Trước đó, Ban IV đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả khảo sát tình hình người lao động và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn. Kết quả khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023 cho thấy, thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi những biến động kinh tế gần đây.

Trong tổng số 8.343 người lao động tham gia khảo sát trên cả nước có 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Các ngành Kinh doanh bất động sản, Xây dựng và Du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%. TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.

Về nguyên nhân không có việc làm, có 32,4% người lao động không có việc cho biết họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh. Trong khi có 27,1% đưa ra nguyên nhân do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.

Theo Ban IV, xu hướng số lượng người lao động bị mất việc tại các DN không những không giảm đi mà tăng lên, diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023 và dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023. Kết quả khảo sát tình hình DN mới đây của Ban IV, trong số các DN dự kiến còn hoạt động năm 2023, có đến 71,3% DN dự kiến sẽ phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.

Có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân là do không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% lại là vì lý do lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội. Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội một lần cho biết không muốn đóng lại.