Người lao động lo lắng cho tương lai hưu trí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, áp lực công việc nhiều khiến những...

Kinhtedothi - Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, áp lực công việc nhiều khiến những người trẻ tuổi không có thời gian, tài chính chăm sóc cha mẹ già. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội thảo "Tương lai hưu trí: Từ thách thức đến cơ hội" do Prudential và Viện Lão hóa toàn cầu tổ chức chiều 8/9 tại Hà Nội.

Thách thức già hóa dân số

Theo kết quả khảo sát về thái độ và kỳ vọng vào tương lai hưu trí khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam, hầu hết người dân đang lo lắng về an sinh hưu trí của họ. Tại 10 nước được khảo sát, nhiều người lao động (NLĐ) lo sẽ không đủ tiền sinh sống khi về hưu (50% người Trung Quốc và 95% người Việt Nam). Chính vì vậy, họ đang nỗ lực cải thiện kế hoạch hưu trí cá nhân, trong khi các Chính phủ và ngành dịch vụ tài chính cũng ứng phó với kế hoạch nâng dần chất lượng an sinh hưu trí và thu hẹp khoảng cách so với các quốc gia phát triển.
 Người dân làm thủ tục nhận lương hưu tại phường Trung Tự, quận Đống Đa.        Ảnh: Hải Linh
Người dân làm thủ tục nhận lương hưu tại phường Trung Tự, quận Đống Đa. Ảnh: Hải Linh
Kết quả khảo sát tại Việt Nam cho thấy, NLĐ rất quan tâm đến việc làm gì để đối phó với an sinh hưu trí trong tương lai. Hiện chỉ có 1/5 số NLĐ Việt Nam hy vọng sẽ có thu nhập từ tài sản chính khi nghỉ hưu, vì thế, các khoản tiết kiệm cá nhân sẽ không thể bù đắp cho con số còn lại. Trong khi đó chỉ 10% tin con cái trưởng thành hoặc những thành viên trong gia đình là chỗ dựa thu nhập khi nghỉ hưu của họ. Vì thế, những người hiện đang đi làm sau này khi về hưu sẽ không thể dựa vào gia đình nhiều như những người hiện đã nghỉ hưu.

Điều này sẽ diễn ra khi già hóa dân số đang là thách thức đối với Việt Nam. Tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang dẫn đầu châu Á và nhanh nhất thế giới. "Nếu như các nước 30 đến 40 năm mới già hóa dân số thì Việt Nam theo dự báo chỉ trên 15 năm. Già hóa dân số khiến gánh nặng chăm sóc người tuổi già rất cao, đặc biệt Việt Nam thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình từ năm 1983. Những người 30 tuổi của thời kỳ ấy (1983) nay đã 60 tuổi chỉ có 2 con, vậy 2 con có nuôi dưỡng được 4 bố mẹ già (bố mẹ đẻ + bố mẹ vợ/chồng)? Bây giờ, sức ép của các bạn trẻ là phải lao động cật lực, làm hết việc mới được về, thì lấy thời gian đâu chăm sóc bố mẹ? Đấy là một gánh nặng" - ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam dẫn chứng.

Giải pháp công tư

Không những già hóa dân số nhanh, tuổi thọ khỏe mạnh của Việt Nam còn chưa cao. Trung bình mỗi người cao tuổi phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống; 95% người cao tuổi có bệnh, trung bình mỗi người mắc 2,69 bệnh. Trong khi đó, mức độ đóng BHXH hiện nay là thu của 10 triệu người để trả lương hưu cho 2,3 triệu người. Thường những người về hưu được hưởng lương cao, tới  70 - 75% so với mức lương cao đó. Mà đa số những người đóng bảo hiểm có lương thấp, do đó dự báo từ năm 2032, Việt Nam có nguy cơ vỡ quỹ BHXH.

Để giúp người cao tuổi Việt Nam bớt khó khăn, TS Richard Jackson - Chủ tịch Viện Lão hóa toàn cầu cho rằng: "Người về hưu Việt Nam cũng như các nước Đông Á đang ở một thời điểm khó khăn. NLĐ cũng đang lo lắng về tương lai hưu trí và muốn được cải thiện. Các giải pháp công tư phối hợp ở đây là rất cần thiết". Để khắc phục vấn đề lương hưu cho người về hưu, theo TS Richard Jackson, Việt Nam cần tăng cường hơn quỹ BHXH để mở rộng phạm vi bảo hiểm của quỹ này cho các lực lượng lao động hiện nay. Chính phủ Việt Nam cần đưa ra một hệ thống bảo hiểm tự nguyện để DN cũng như NLĐ đóng góp ở mức độ linh hoạt hơn và để tăng phạm vi bảo hiểm cho NLĐ. Bên cạnh đó cũng cần nâng tuổi về hưu cho NLĐ.

Hiện nay lão hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh và sự hỗ trợ của gia đình cho người già đang giảm, nên cần có các công cụ khác về tài chính để đảm bảo tỷ lệ tiết kiệm cho người già cao hơn. Cải thiện nguồn quỹ bảo hiểm là vấn đề lâu dài, song trước mắt, Chính phủ Việt Nam nên có biện pháp để một mặt khuyến khích các DN có mức đóng góp tự nguyện nhiều hơn cho hệ thống hưu trí.

Đối với những người cao tuổi ở vùng nông thôn gặp khó khăn về tài chính, hiện Chính phủ đang thực hiện chính sách trợ cấp cho người từ 80 tuổi trở lên một phần nhỏ, thì có thể nhân rộng ra. Nhưng để tuổi già được sống thảnh thơi, cũng như Trung Quốc, người Việt Nam ở nông thôn khi còn trẻ thì ra thành thị làm việc, còn người già ở lại thì nên có những tổ chức cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau.