Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lao động nên hiểu rõ mình

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông Vũ Đức Thắng -Trưởng phòng Tư vấn lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, người lao động (NLĐ) ảo tưởng về bản thân, không quyết tâm xin việc, thiếu kỹ năng sống và xã hội là nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp.

Ông Vũ Đức Thắng cho biết, để tạo cơ hội cho NLĐ tìm việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hỗ trợ bằng cách tư vấn tập trung, kể cả đến các trường đại học hoặc cho từng cá nhân hiểu cơ bản mục tiêu khi đi xin việc. Cụ thể có 3 nội dung: Đánh giá bản thân và nhìn nhận thị trường lao động để biết mình đang ở đâu, lĩnh vực lựa chọn, mức lương phù hợp; Nguyên tắc về cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, tìm hiểu DN cũng như lựa chọn phương pháp giao tiếp trong lần gặp đầu tiên; Trang bị pháp luật, quy định hiện hành về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của NLĐ khi tham gia lao động. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Để cuộc phỏng vấn thành công và được tuyển dụng, đầu tiên NLĐ phải tự tin, biết được khả năng của mình và chứng minh cho DN thấy. Tiếp đến, NLĐ phải tìm hiểu những thông tin hoạt động của DN càng nhiều càng tốt, để hình dung ra được môi trường gắn bó với mình trong quá trình làm việc. Điều quan trọng nhất là phải hiểu DN ấy hoạt động trong lĩnh vực nào. Trong hồ sơ xin việc, ngoài Sơ yếu lý lịch có đóng dấu địa phương, Giấy khám sức khỏe, Bản sao Giấy khai sinh, Văn bằng chứng chỉ thì nên đáp ứng thêm yêu cầu quy định của đơn vị tuyển dụng. Ví dụ: Mang theo bản gốc văn bằng để đối chiếu. Đơn xin việc được ví như lời chào đầu tiên của NLĐ gửi đến DN. NLĐ có thể lên mạng tải mẫu đơn về hoặc viết tay, và quan trọng là phải nêu được đúng mục đích nộp hồ sơ xin việc vào vị trí nào để DN sắp xếp. “Trước khi đến gặp DN để trả lời phỏng vấn, NLĐ phải tập nói mình là ai, mình cần gì và mình có gì. Các bạn cũng nên cẩn trọng về thời gian, địa điểm, trang phục, tác phong – phụ kiện để làm nên thành công trong quá trình phỏng vấn. NLĐ cũng phải chuẩn bị ít nhất từ 1 – 3 câu hỏi thông minh dành cho nhà tuyển dụng” - ông Thắng lưu ý. Tuy không có quy chuẩn về trang phục khi phỏng vấn, nhưng thông qua bộ đồng phục của DN, NLĐ lựa chọn cho mình bộ đồ phù hợp. Ví dụ, NLĐ nữ muốn tuyển vào vị trí lễ tân thì lựa chọn áo dài, dự tuyển vào vị trí công nhân nên chọn áo thun, quần jean và giầy thể thao…