Người leo ngược

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mồ côi, sống với bà ngoại lưng còng, số phận chất lên lưng Hoàng biết bao nhọc nhằn. Bà quen gọi Hoàng là cu Tõn. Ba tuổi, mất mẹ, bố bỏ đi biệt xứ, hoàn cảnh dạy Tõn khả năng thích ứng tuyệt vời. Ăn uống đơn sơ dưa, cà nhưng cậu bé nhanh như con sóc.

Tõn câu cá giỏi ngay từ 5 lên 10 tuổi và trèo cây như con khỉ. Mười ba tuổi, cậu chuyên được thuê trèo cây hái nhãn mỗi mùa. Trong và ngoài thôn ai hái bưởi, na, cau,  dừa hay bất cứ việc gì liên quan đến trèo leo mà không với được thì nhờ Tõn. Tiền công được chút ít nhưng cộng thêm những xâu cá kiếm được, với rau cỏ trong góc vườn nhỏ đủ hai bà cháu cải thiện qua ngày. Và cũng không hiểu lấy dũng khí đâu ra, cậu tập leo ngược, chân bám vào cây trước tay và đẩy phía sau, đầu chúi xuống dưới.
Minh họa: Hoài Văn
Minh họa: Hoài Văn
Lúc đầu khó lắm nhưng cậu có cảm giác mình sẽ làm được. Thật sự đã làm được và dần dần thấy cơ thể nhẹ bẫng mỗi khi leo lên cây. Cậu giấu tiệt chuyện tập luyện vì sợ bọn trẻ  sẽ cho cậu là kẻ kỳ quái. Đến năm 14 tuổi, Tõn leo ngược thuần thục và dễ dàng hơn người ta leo bình thường. Cậu cũng thích thú với trò này. Một lần, bà Ất cùng xóm nhờ hái hai buồng cau, Tõn chống hai tay xuống đất và hai chân đưa lên, bấm vào thân cau rồi cứ thế đu người lên. Ông, bà Ất há hốc mồm. Một người hàng xóm thấy lạ chạy đến ồ lên, bọn trẻ từ đâu cũng lao ra xem.

Sau khi hái xong hai buồng cau, Tõn được bà Ất trả công một ngàn đồng. Nó nắm chặt nhét vội vào túi, nhặt chiếc cần câu dựa ở bờ rào rồi chạy về. Bọn trẻ con chạy theo hô: "Thằng quỷ, thằng ma, thằng ngoài hành tinh, tại sao nó trèo lên cây như thế. Ô, ô…". Tõn ân hận vì đã thể hiện khả năng của mình cho mọi người thấy. Bởi từ hôm đó, làng trên, xóm dưới đâu đâu cũng bàn tán chuyện một thằng nhóc có khả năng trèo cây kỳ lạ. Khi đi câu cá, hoặc tát giòn, bọn trẻ cùng trang lứa cũng tìm cách gây sự, ném đất, đá chỗ Tõn đứng. Có lần, Tõn ngồi nghỉ tránh nắng, đến hơn chục đứa lâu nhâu đến đá đổ giỏ cá của Tõn. Cậu tức lắm nhưng không làm gì nổi vì chúng quá đông. Chúng còn giẫm lên những con cá nằm tóe tung trên cỏ, cười ha hả rồi đi.

*

Người làng bắt Tõn phải biểu diễn trò leo cây ngược trước sự chứng kiến của già, trẻ, gái, trai, nếu không sẽ đuổi hai bà cháu khỏi làng. Họ lấy quyền gì làm điều đó chứ? Nhưng họ đã làm. Họ bắt cậu trèo lên cây cau cao nhất làng, thẳng tắp. Một sự đánh đố.

Tõn miễn cưỡng làm, trước mặt họ. Nhanh như một cái chớp mắt, mông cậu đã chạm vào buồng cau. Không một tiếng vỗ tay, không một lời chúc mừng. Người lớn dần bỏ đi, đi hết, chỉ còn bọn trẻ. Chúng chế giễu: "Thằng kỳ dị, thằng ma, thằng quỷ. Sao nó làm được trò này, chắc là ma nhập vào rồi". Sau sự kiện này, đi đến đâu Tõn cũng bị xua đuổi, chế giễu.

Vào một buổi sáng nọ, nhiều đứa trẻ trong làng cỡ tuổi Tõn, một số lớn, hoặc bé hơn có một cục sưng tướng ở đầu. Có đứa tóe máu. Hóa ra, bọn chúng bí mật… tập leo ngược để được giống thằng Tõn. Chúng làm điều đó một cách bí mật, không đứa nào nói với đứa nào. Thằng Phác, hơn Tõn vài tuổi chuyên cầm đầu bọn trẻ đánh nhau với trẻ xã bên, chuyên bát nạt Tõn cũng bí mật đến bảo Tõn dạy cho vài chiêu. Tõn bảo Phác: "Anh không leo được đâu". Phác hỏi: "Tại sao mày leo được? Mày phải dạy tao, nếu không tao bảo bọn trẻ đánh mày hộc cơm". Tõn tiếp: "Anh có đánh chết em cũng không chỉ cho anh leo được". Phác bĩu môi: "Thế thì đúng rồi, mày bị ma nhập vào nên nó giúp mày. Chứ nếu không phải, thì mày phải dạy được tao. Mày nói tao nghe tại sao mày lại leo được như thế".

Tõn không biết giải thích thế nào. Đúng là do cậu luyện tập mà thành. Nhưng cậu không tin người khác sẽ tập thành công. Bình thường cậu leo bằng tay đã vượt trội tất cả rồi. Điều này khiến thằng Phác vô cùng tức giận. Nó thề sẽ xử Tõn.

Người lớn không biết lũ trẻ muốn học leo ngược, bởi họ thấy chúng rất ghét thằng Tõn. Hỏi vì sao sưng đầu, đứa nào cũng trả lời bị va vào chỗ này, chỗ kia. Những ông bố, bà mẹ nói chuyện với nhau, biết được không chỉ con mình sưng u đầu, mà nhiều đứa khác cùng bị. Hỏi thì chỉ nhận được những lời chối quanh co. Nhưng một số cụ già tinh ý hiểu chuyện gì đã xảy ra. 

Vụ thu hoạch nhãn mới lại đến. Người quen vẫn gọi Tõn đến hái hộ. Tõn leo ngược, họ bảo phải trèo lên cây bình thường như bao người khác. Nhưng Tõn đã không thể leo thuận, không thể nào dùng tay bám trước vào thân cây. Bao giờ cậu cũng phải chống tay xuống đất, dùng chân bấm vào thân, cho đến khi gặp các cành, cậu mới ngồi dậy và dùng tay đu từ cành này sang cành khác. Còn người làng khư khư giữ quan điểm: không thể để cho thằng ma nhập đó hái quả, cấm tiệt. Người làng nói thế, người này nói với người kia. Tõn thất nghiệp. Ai đó rỉ tai đến bà ngoại Tõn. Bà về bảo cháu bà cứ leo như NGƯỜI vẫn leo, chứ leo như thế, người ta sợ ma nó ám vào quả, làm sao ăn. Bà ngoại về nói với cháu. Tõn thưa: "Cháu không leo thuận được nữa, không biết vì sao lại thế, bà ạ". Bà thở dài, ra mái hiên ngồi đếm sao. Gió thổi lồng lộng.

Không được thuê hái quả, Tõn đi câu nhiều hơn. Cá kiếm được bà mang ra chợ cóc ngã tư làng bán kiếm đồng. Bà xót tóc Tõn bị cháy sém vì nắng. Mùa cây trái lúc líu quả, nhiều cây cao của người dân mà thang không với tới, đều bị dân dùng sào dài đập cho quả rụng. Quả thì rụng, nát, quả thì vừa nát, vừa cố đậu trên cành. Tõn đi đường nhìn thấy, tiếc, cậu leo lên mót. Người ta thà bỏ đi cho thối, cho khô quắt chứ không chịu để cho Tõn ăn mót. Họ lấy sào chọc cậu. Tõn đau, nhảy từ cành này sang cành kia, chuồn thẳng.

*

Người ta đánh tiếng tới bà ngoại Tõn. Bà đã già nua tội nghiệp quá, còn nhận được tin sốc tố cáo cháu trai ăn trộm quả, bị người ta đâm cho trầy lưng. Họ dọa nếu không dạy được cháu, chỉ bắt được một lần nữa là làng sẽ đuổi. Bà thấy lưng cháu trầy thật. Tõn nói: "Cháu chỉ mót quả người ta không lấy được thôi, cháu không hái trộm". Bà phóm phém: "Cháu đừng dính dáng gì đến họ nữa, nếu không thì bà cháu ta chẳng được sống yên đâu".Nhìn cháu bà thương quá, nước mắt trào ra. Nó không mồ côi mồ cút thì đâu đến nỗi. Mà người ta cũng tệ, thằng bé có khả năng gì thì kệ nó, sao phải ghét nó làm chi. Quả trên cành quá cao, không với được thì cho nó mót, vứt bỏ cũng phí, mà người ta cũng xua đuổi. Mà đâu chỉ người ta đuổi, ác độc với thằng bé lúc này. Khi trước, Tõn là thằng sáng kiến ra con diều bay cao nhất, vừa to, vừa đẹp. Trẻ con trong làng ghen ghét nó, người lớn cũng bắt nó phải dạy cho bọn trẻ con họ làm cho bằng được. Nhưng chẳng đứa nào đủ tài so diều với Tõn. Rồi Tõn bị cấm, không được thả diều ở bất cứ đâu. Bầu trời xanh chỉ dành cho những đứa trẻ trong làng. Nhưng chúng treo lên đó toàn những chú diều vừa nhỏ, vừa yếu, nhìn mà thấy nực cười.

Có lúc bà ngoại thầm trách, sao mày không ngu đi hả Tõn ơi! Mày cứ làm được những điều bọn trẻ xứ này không làm được, để đến nỗi bị chúng bảo ma nhập. Nhưng rồi bà nghĩ lại, thấy cháu mình dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ. Nó cần no đủ những tiếng cười trong các trò chơi bổ ích ở tuổi đó, làm sao bảo nó đừng được.

Một ngày kia, có hai vị khách lạ đến làng. Họ hỏi thằng nhóc leo ngược. Người ta không muốn chỉ, không muốn ai đến tìm thằng Tõn. Phải vất vả lắm hai vị khách mới tìm thấy bà lão và Tõn đang rào lại tường rào cây bị chó phá. Trong hai vị khách, người trẻ hơn là nhà báo. Tõn hỏi: "Sao anh biết em?". Nhà báo nói: "Một lần đi làm phóng sự, thấy bọn trẻ chăn trâu nói về em". Vị khách lớn tuổi hơn cũng từng là nhà báo, nay tìm Tõn muốn cậu về thành phố tham gia đoàn xiếc. Khả năng của Tõn sẽ giúp cậu đổi đời. Hai bà cháu không muốn xa nhau. Khách phải thuyết phục mãi mới được. Khách biếu bà ngoại lụa và quần áo, hẹn ngày đến đón Tõn ra phố.

Tin đó lan ra cả làng. Người ta đồn bà ngoại được biếu cục tiền lớn, bằng một gia đình vùng nông thôn nghèo này làm ruộng cả chục năm. Họ đưa con đến xin Tõn dạy con họ leo cây ngược. Những thằng thanh niên choai choai vẫn đe nẹt Tõn cũng đến tỏ vẻ bắt tay thân thiện. Cậu thấy khó hiểu. Chẳng lẽ người ta cũng muốn con họ bị "ma nhập" hay sao?

Đúng ngày hẹn, khách đến đón Tõn ra phố học làm diễn viên xiếc chuyên nghiệp. Bà ngoại vừa mừng, vừa lo. Vậy là cháu có tương lai, cháu có thể kiếm ra tiền, nhưng bà sẽ phải chịu cảnh cô quạnh. Tõn đi, bà cũng nhận được tiền "ứng trước" của Tõn, đủ tằn tiện sống trong một năm. Nhưng bà thấy bên hiên gió thổi trống hoác. Láng giềng đến thân thiện, thuyết phục bà bảo nếu Tõn về thăm, bà nói giúp dạy cho con họ vài ngón để được thoát ra khỏi làng. Bà ngoại chỉ cười, biết làm sao được, biết thằng Tõn có chịu dạy, mà lũ trẻ kia có thể tiếp thu hay không.

*

Đi nửa năm thì Tõn về. Cậu tiến bộ nhiều và học rất nhanh những gì người ngoài phố dạy, kết hợp sự dẻo dai và khả năng bản thân, cậu trở thành diễn viên giỏi. Mái tóc cháy sém đã đen trở lại, quần áo bảnh bao, đi giày thể thao, bà ngoại nhìn còn không nhận ra. Tõn ôm bà, lòng rưng rưng khó tả vì thấy chỉ sau nửa năm, mắt bà đờ đẫn hẳn, mái tóc cũng xác xơ và gầy hơn rất nhiều. Cậu thưa: "Bà ơi, cháu đã được các bác, các chú đồng ý, sẽ có chỗ để bà cháu mình cùng được ở với nhau. Họ hiểu hoàn cảnh của mình bà ạ, họ tốt lắm. Bà đi với cháu nhé."

Hai bà cháu còn đang tâm sự, thì chẳng biết cơn gió nào đưa người bố vô trách nhiệm, bỏ rơi Tõn về đây. Gã nựng con, nhưng Tõn dứt khoát không nhận. Người làng biết cậu về,  kéo nhau đến nhờ cậu dạy bọn trẻ con trong làng leo cây. Bọn trẻ muốn có khả năng leo như Tõn, được người ta đưa đi làm diễn viên. Nhà, sân và ngõ chẳng còn chỗ cho dân đứng thuyết phục hai bà cháu. Không được, một người hô lên sẽ đuổi cả hai bà cháu ra khỏi làng. Tất cả những người có mặt cũng đồng thanh: "Phải đuổi, phải đuổi".

 Tõn không hề tỏ ra nao núng. Cậu tuyên bố:

- Các ông bà, các bác và các anh đã coi cháu như thằng ma nhập, chê bai đủ điều. Nay mọi người cũng muốn con cháu mình bị ma nhập hay sao? Cháu sẽ đưa bà cháu đi khỏi cái làng này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần