Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lính Cụ Hồ chỉ đường cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đêm nhạc Trịnh, tưởng nhớ người con tài hoa của đất Thần Kinh sau 15 năm đi vào cõi vĩnh hằng, hàng vạn người ở Festival Huế 2016 say theo những nốt nhạc phiêu bồng bên dòng Hương…

Còn tôi thì lại lẩn thẩn nhớ đến anh “lính Việt Cộng” năm xưa, người đã vô tình khai sáng cho Trịnh Công Sơn về con đường nghệ thuật mà ông đang trăn trở…

Câu hỏi lớn về bước ngoặt trong sáng tác của họ Trịnh

Đường Trịnh Công Sơn tại Huế xuất phát từ chân cầu Gia Hội, cạnh đầu đường Chi Lăng, chạy dọc bờ sông Hương đến vị trí giao nhau với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chiều dài con đường mang tên Trịnh Công Sơn là 600m, chiều rộng 11m, nằm cạnh công viên Trịnh Công Sơn.

Khu vực này là nơi tổ chức Đêm nhạc Trịnh kỷ niệm 15 năm ngày mất của ông (chương trình trong khuôn khổ của Festival Huế 2016). Đêm nhạc hấp dẫn bởi những bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được thể hiện bởi những nghệ sỹ nổi tiếng từ 3 miền được khán giả yêu thích như ca sỹ Thanh Lam, Trần Thu Hà, Quang Dũng, Đức Tuấn, Tùng Dương, Trịnh Vĩnh Trinh, Thanh Bùi, Tịnh Uyên, Minh Uyên, nghệ sỹ kèn Saxophonne Trần Mạnh Tuấn, nhạc sỹ Hoài Sa…
Những cuộc tranh cãi về thân phận Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không còn có ý nghĩa gì trước thành quả vĩ đại mà âm nhạc của ông mang lại.
Trịnh Công Sơn đã để lại di sản “Nối vòng tay lớn” quý giá hơn cả gia tài nghệ thuật đồ sộ của ông.
Để có được một Trịnh Công Sơn với những đóng góp xứng đáng được chọn để vinh danh và tưởng nhớ trong Fesstival Huế lần này, đã có vô vàn những giai thoại về bước ngoặt và sự trưởng thành trong sáng tác của Trịnh (Trước và sau năm Tết Mậu Thân năm 1968).

Thời kỳ trước năm 1968, Trịnh Công Sơn có nhiều ca khúc phản chiến, lên án cả hai miền Nam - Bắc trong cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra. Năm 1967, nhạc Trịnh lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập Ca khúc da vàng (Ca khúc "Ngủ đi con" trong tập này nhận được giải đĩa bạch kim của Nhật với 2 triệu đĩa hát được bán).

Sang đến năm 1968, với ca khúc “Hát cho người nằm xuống”, Trịnh Công Sơn chính thức xác lập cho mình con đường nghệ thuật mới, con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi đến cuối đời. Cũng trong năm 1968, ông cho ra tiếp tập nhạc Kinh Việt Nam.

Từ năm 1970 tới 1972 ông tự ấn hành được hai tập nhạc phản chiến là “Ta phải thấy mặt trời” và “Phụ khúc da vàng”. Hướng sáng tác của thời kỳ lao động nghệ thuật rực rỡ này có thay đổi cực kỳ quan trọng, thay vì lên án cả hai bên trong cuộc chiến, trong sáng tác của Trịnh Công Sơn đã rất rõ ràng trong quan điểm: Hãy đứng về bên chính nghĩa để nhanh kết thúc chiến tranh, có được hòa bình lâu bền.

Lời bài hát “Ta phải thấy Hoà bình” (trong tập Ta phải thấy mặt trời)

Hỡi anh em thân yêu cùng khắp

Đứng lên!

Bước chân ta đi trong hồn nước bập bùng

Triệu trái tim người rộn ràng chờ

Triệu bước chân người cứ mãi tiến  lên…

Sự thay đổi ấy chính là lý do để Trịnh Công Sơn trưa ngày 30/4/ 1975 được đứng lên phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh Sài Gòn, sau lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh: "Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta... Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam này... Chính phủ Cách mạng lâm thời đến đây với thái độ hòa giải, tốt đẹp. Chúng ta không có lý do gì để sợ hãi mà ra đi cả. Đây là cơ hội duy nhất và đẹp đẽ nhất để đất nước Việt Nam được thống nhất và độc lập".

Quanh bước ngoặt lớn của Trịnh Công Sơn này, đã có vô vàn những giả thuyết, đồn đại bí hiểm. Theo thời gian, những đồn đại về bước ngoặt sáng tác này thậm chí đã trở thành công cụ để nhiều người tự đánh bóng tên tuổi mình với vai trò nhân chứng, hoặc kể cả sắm vai “người khai sáng” cho Trịnh Công Sơn (nhất là sau khi nhạc sĩ họ Trịnh đi vào cõi vĩnh hằng).

Tuy nhiên, điều đặc biệt buồn cười là những cuộc tranh cãi như vậy diễn ra bất tận mà những người tham gia không ai thèm “đếm xỉa” đến lý do Trịnh Công Sơn đã nói rộng rãi, tại chính thời điểm bước ngoặt lớn ấy diễn ra. Người khai sáng cho Trịnh là một anh bộ đội Cụ Hồ tại thời điểm lịch sử đầu năm Mậu Thân 1968. Chắc chắn ca khúc “Hát cho người nằm xuống” nổi tiếng của Trịnh Công Sơn ít nhiều liên quan đến người lính Cụ Hồ này.

Vì “tiếng bom nổ ở miền Bắc”

Tôi không thích nhạc Trịnh Công Sơn nhưng tôi nể trọng Trịnh vì sự đóng góp của ông cho cuộc đời. Vì thế tôi không bị sa vào những huyền hoặc của nốt thăng, nốt giáng… tôi tìm đến câu trả lời cho câu hỏi lớn về sáng tác của Trịnh Công Sơn bằng sự thản nhiên. Dăm năm trước, có cuộc “bút chiến”, “khẩu chiến”… được coi là “hoành tráng” nhất của giới văn nghệ sau 1975 “Trịnh Công Sơn bên ni (Ngụy)? Bên tê (Cộng sản nằm vùng)? Hay bên nớ (Tình báo ngoại quốc)?” . Lúc tôi theo các bậc đàn anh vô Huế chơi là lúc cuộc tranh luận đang hồi gay cấn nhất với sự tham gia của Họa sĩ Trịnh Cung (bạn thân của Trịnh Công Sơn).
Những cuộc tranh cãi về thân phận Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không còn có ý nghĩa gì trước thành quả vĩ đại mà âm nhạc của ông ông mang lại.
Những cuộc tranh cãi về thân phận Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không còn có ý nghĩa gì trước thành quả vĩ đại mà âm nhạc của ông mang lại.
Trong một cuộc bia rượu mướt mải bên dòng Hương, nhìn đám nghệ sĩ mặt đỏ tía tai, râu ria đen, trắng… đủ cả đang làm công tác “Quật mồ họ Trịnh” tôi ngao ngán vô cùng. Với tôi thì cụ Vũ Bằng dù có thuộc loại “phản bội, dinh tê” hay sau đó (năm 2000) được rửa oan, được Bộ Quốc phòng xác nhận là chiến sĩ quân báo, được thưởng huân chương thì tôi vẫn cứ thấy tập ký “Thương nhớ mười hai” hay như thường và vẫn thấy tác phẩm “Bốn mươi năm nói láo” của ông giúp ích cho lớp nhà báo hậu sinh vô cùng…Tranh cãi danh phận mà làm gì?

Vì thế, khi thấy một ông lão ăn mặc nom tồi tàn nhất đám văn nghệ sĩ ấy nhỏ nhẹ “Tranh cãi chi lạ rứa?” rồi rời cuộc tranh luận, tôi lẳng lặng bám theo. Bắt quen tôi mới thực sự ngỡ ngàng vì biết đó là nhà thơ Lê Văn Ngăn khét tiếng với bài thơ nổi tiếng  “vừa bên ni, vừa bên nớ”…

Trong lịch sử thơ văn cận đại, nhà thơ Lê Văn Ngăn và bài thơ “Sóng vẫn đập vào eo biển” là trường hợp duy nhất được cả hai bên chiến tuyến Nam - Bắc Việt Nam trân trọng. Năm 1972, lúc nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng bài thơ của mình, anh lính tiếp vụ người Huế (lính hậu cần) của ngụy quyền là Lê Văn Ngăn sung sướng đến bàng hoàng khi biết mình bị những người bên kia chiến tuyến… “đạo thơ”.

 Đến tận bây giờ, ông cũng không hiểu sao bài thơ của mình sau khi đọc trên Đài phát thành Sài Gòn, rồi lại ra đến miền Bắc và lên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam?

Ngay khi mới ra đời, bài thơ ấy được những người yêu nước cả hai miền thấy trong đó như có cả nỗi lòng của mình:

Tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu Long Biên…./Cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc/Dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động.

Có một điều hiếm người biết, từ trước khi bài thơ lừng danh kia ra đời rất lâu thì trong lòng Lê Văn Ngăn đã rất nể trọng những anh lính Việt Cộng dù ông chưa một lần giáp mặt. Việc này bắt nguồn từ một câu chuyện kể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh mà ông luôn coi là bậc đàn anh đáng kính.

Năm 1968, Huế giải phóng được hơn 20 ngày, trong những ngày “Việt Cộng tràn vào đất Thần Kinh”, giới văn nhân, nghệ sĩ, trí thức nhiều người bỏ vô Sài Gòn nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn ở lại, sau này nhạc sĩ kể lại: “Các toa (bạn – tiếng Pháp) cứ sợ Việt Cộng làm chi? Moa (tôi) thấy họ tốt mà. Lúc xảy ra biến cố, Nguyễn Cao Kỳ cho moa một chiếc trực thăng và một phi công thường trực ở sân bay Phú Bài, có “động” là moa có thể vô Sài Gòn liền. Nhưng moa không đi vì moa thấy nể mấy anh lính Việt Cộng”.

Có chuyện ấy bởi Huế sau khi giải phóng tạm thời, những anh lính miền Bắc ngày ngày lo dọn đường sá, đào hầm tránh bom dọc các con đường. Trước cửa nhà Trịnh Công Sơn (Đường Nguyễn Trường Tộ) cũng có một tiểu đội lính miền Bắc với những anh lính trẻ măng, nhiều lần nhạc sĩ mời họ vô nhà uống cà phê thì họ đều từ chối, mang nước ra mời họ cũng không nghe…

Sau nhiều lần như vậy, coi kỳ quá Trịnh Công Sơn mới nói: “Tui là nghệ sĩ thôi mà chớ có phải người của chế độ cũ đâu. Anh em sao quá nghi kị vậy?” thì một anh lính trẻ măng cười bảo “Dạ! Bọn em có nghi kị gì đâu ạ? Chúng em là bộ đội Cụ Hồ, có quy định không được đụng đến cây kim sợi chỉ của nhân dân”.

Bao giờ kết thúc câu chuyện, nhạc sĩ họ Trịnh cũng đều hít hà, chặc lưỡi: “Các toa coi có dễ thương không? Có đáng nể không?”. Chính sự nể phục này cũng là một sự “giác ngộ” của Trịnh Công Sơn khi nhìn nhận về bản chất cuộc chiến và quy luật cuộc chiến đang diễn ra. Ý tưởng “Hay bên buông súng và trao hoa cho nhau trong hòa bình” thật tuyệt vời nhưng sẽ chẳng bao giờ diễn ra được cả. Và ông đã chọn cho mình phía mà ông tin tưởng sẽ đem lại cho nhân dân điều tốt đẹp, hoặc chí ít là “không đụng đến cây kim sợi chỉ của nhân dân”.

Chính thi sĩ Lê Văn Ngăn và nhiều văn nghệ sĩ ở Huế cũng bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những gì Trịnh Công Sơn thể hiện hồi đó. Vì vậy mới có vần thơ “Cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc - Dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động” được cả hai miền trân trọng của nhà thơ Lê Văn Ngăn. Ở đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại con đường và công viên mang tên ông trong dịp Festival, mang chuyện của cố nhà thơ Lê Văn Ngăn kể ra hỏi thì nhiều người đều biết và nhớ bởi Trịnh Công Sơn thường xuyên kể chuyện về mấy anh lính Cụ Hồ không dám đụng đến cây kim, sợi chỉ của nhân dân “coi có dễ thương không? Có đáng nể không?” tại những đêm nhạc cho sinh viên ở Huế. Ông Nguyễn Như Trị, con trai cụ Lê Thị Dinh, cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn còn sống kể “Ảnh khen bộ đội Cụ Hồ thiệt tình. Sinh viên lúc đó nghe anh Sơn kể vậy đều có tình cảm ngay với mấy người ngoài Bắc Việt. Đến lúc chuẩn bị thống nhất năm 1975, tổng hội sinh viên Huế đã gần như là một tổ chức của chính quyền cách mạng rồi”….

Trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Festival, chắc có nhiều người cũng lẩn thẩn tự hỏi người lính Cụ Hồ mà Trịnh Công Sơn kể là ai? Còn sống đã nằm xuống? Hay chỉ là một người mà Trịnh Công Sơn “sáng tác” ra, để qua đó nói ra chí hướng của mình?

Câu hỏi ấy giờ cũng chẳng cần trả lời nữa. Dù câu trả lời là gì thì Trịnh Công Sơn cũng vẫn là một tượng đài trong lòng những người dân Huế, người dân Việt Nam, kể cả những người bàng quan với nốt thăng, nốt giáng ma mị của ông – Những nốt thăng, nốt giáng tuyệt phẩm hướng nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam biết “Nối vòng tay lớn” để đối đầu với nguy nan, sóng gió của đất nước.

Thành kính nhờ làn gió sông Hương mang lời cảm tạ của Huế đến với nhạc sĩ họ Trịnh ở phía bên kia trời.