Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lính Thủ đô hào hoa lãng mạn mà hiên ngang khí phách

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiếc áo trấn thủ, mũ nan thời kháng chiến chống Pháp được tái hiện, gợi lại hình ảnh anh chiến sĩ Vệ quốc quân.

Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội hân hoan đón chào những người con chiến thắng trở về. (ẢNH: QĐND)
Ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội hân hoan đón chào những người con chiến thắng trở về. (ẢNH: QĐND)

 Điều này nhắc tôi nhớ đến “Tây Tiến” của Quang Dũng, bài thơ đã khắc hoạ thành công hình ảnh những người lính Thủ đô hào hoa lãng mạn, hiên ngang khí phách.

Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê quán tại huyện Đan Phượng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, là người nghệ sĩ đa tài với hồn thơ phóng khoáng và lãng mạn. Trong đó, bài thơ “Tây Tiến”, được đánh giá là một kiệt tác của nhà thơ Quang Dũng, xuất hiện trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được coi là khúc tráng ca về người lính Cụ Hồ.

Tây Tiến là một đơn vị quân đội, thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ vùng biên cương Tây Bắc Việt Nam. Trong hoàn cảnh gian khổ, sống giữa núi rừng heo hút, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề, nhưng các chiến sĩ Tây Tiến, phần đông là các chàng trai Hà Nội, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, trong đó có cả những học sinh, sinh viên (Quang Dũng thuộc vào số này), vẫn lạc quan, anh dũng chiến đấu.

Từng sống và chiến đấu trong đoàn quân ấy, Quang Dũng có cơ hội thấu hiểu những gì mà bản thân và đồng đội đã trải qua. Từ đó, những trang thơ Tây Tiến đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ hài hòa giữa vẻ đẹp hào hùng mà cũng rất hào hoa. Chất lãng mạn được thể hiện chủ yếu cảm hứng hướng tới cái cao cả, sẵn sàng xả thân, hy sinh tất cả cho lý tưởng chung của cộng đồng, của toàn dân tộc.

Việc khắc họa vẻ đẹp người lính Tây Tiến trong câu thơ “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” đã kết tinh được vẻ đẹp lí tưởng yêu nước của những chàng trai Hà Nội, mang chút ngang tàng, ngạo nghễ, tự nguyện xếp bút nghiên ra chiến trường, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, cùng chung lý tưởng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Với lý tưởng cao đẹp, người lính Tây Tiến được tiếp thêm sức mạnh để có ý chí, quyết tâm và nghị lực đối mặt, vượt lên mọi thử thách.

Cuộc hành quân lên Tây Bắc quả là một thách thức với người lính nhất là những người lính xuất thân từ lớp thanh niên, trí thức Hà Nội. Vậy mà, những người lính ấy không hề nản chí, chùn bước. Nhờ có nghị lực, ý chí phi thường, vẻ đẹp hào hùng của người lính càng tỏa sáng, ngời lên khi đối mặt với cái chết - thử thách nghiệt ngã nhất.

Thông qua bài thơ, Quang Dũng không chỉ thể hiện vẻ đẹp hào hùng của người chiến sĩ cách mạng mà còn giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp hào hoa của hình tượng người lính Tây Tiến. Vẻ đẹp ấy được khắc họa tập trung trong tương quan với khung cảnh Tây Bắc nên thơ, thi vị huyền ảo.

Bên cạnh đó, những câu thơ viết về nỗi nhớ, niềm thương của những chàng trai đôi mươi ra trận nhưng tâm hồn lãng mạn luôn dành cho thiếu nữ Hà thành đã làm cho vẻ đẹp hào hoa nơi tâm hồn những người lính Tây Tiến được thăng hoa, với khí phách:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm.”

Thông qua hình ảnh của những chiến sĩ trẻ, gắn với đặc trưng của những người lính Thủ đô hào hoa-lãng mạn, hiên ngang-khí phách, bài thơ “Tây Tiến” đã khắc họa thành công hình tượng người chiến sĩ Vệ quốc thời kì đầu chống Pháp, là sự kết tinh vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Và cũng chính những người lính Thủ đô hào hoa lãng mạn mà hiên ngang khí phách ấy, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lấy năm châu, chấn động địa cầu” để có ngày được trở về giải phóng Thủ đô trong vòng tay yêu thương và sự mong nhớ của Nhân dân Hà Nội.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), nhớ đến vẻ đẹp được khắc họa trong hình tượng người lính Tây Tiến, nhắc mỗi chúng ta thêm hiểu và tự hào về khí phách, tâm thế của thế hệ thanh niên yêu nước nói chung và thanh niên Thủ đô riêng, đã “bền gan, sắc trí” cùng đồng bào Tây Bắc và Nhân dân cả nước vượt qua mọi gian khổ, hi sinh, quyết đấu tranh giành lại độc lập của dân tộc cho quê hương, đất nước!