Người lớn thờ ơ đến bao giờ?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi được gắn mác "made in Viet Nam" vẫn xuất hiện lèo tèo.

Điều này cũng bởi tại ở nước ta chưa có qui định khung giờ "vàng" dành cho thiếu nhi và qui định tỉ lệ phát sóng chương trình thiếu nhi của nước ngoài so với chương trình thiếu nhi trong nước.

Trẻ phải xem chương trình người lớn

Chị Nguyễn Thanh Huyền (khu tập thể Thanh Xuân) từng chia sẻ về câu chuyện của đứa con trai 4 tuổi: "Chú Đỗ Khang lại không yêu cô Ngọc Hà nữa mà yêu cô Lan Anh" (phim "Cô gái bất đắc dĩ"). Hay chị Đỗ Hồng Điệp sửng sốt khi cô con gái mới hơn 3 tuổi thuộc vanh vách tên cô Tăng Thanh Hà, chú Lương Mạnh Hải… trong "Bỗng dưng muốn khóc" và khi thấy chú Hải không đóng với cô Hà nữa mà đóng với cô Thanh Hằng thì thắc mắc: "Sao chú Hải không yêu cô Hà hả me?" (phim "Ngôi nhà hạnh phúc").

 

Người lớn thờ ơ đến bao giờ? - Ảnh 1
Chương trình Chúc bé ngủ ngon được các em thiếu nhi yêu thích.

Hiện, chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những chương trình truyền hình cho trẻ nhỏ như "Chúc bé ngủ ngon" hay "Đồ Rê Mí". Đối với chương trình "Chúc bé ngủ ngon", các nhân vật Heo mập, Thỏ láu, chị Kính hồng và những câu chuyện trẻ thơ ngộ nghĩnh được các em háo hức chờ đón mỗi tối. Chương trình có được vẻ hồn nhiên cần có cho một chương trình thiếu nhi - một format hay mà "nhà đài" làm cho trẻ. Ngoài ra, chương trình "Đồ Rê Mí" với mục đích ươm mầm tài năng âm nhạc nhí cũng thu hút các em nhỏ. Song chương trình này mới dừng lại ở việc ghi hình và thu âm các em nhỏ ca hát rồi cho trẻ bầu chọn, không hẳn là một chương trình giải trí với ý nghĩa giúp trẻ vừa vui chơi vừa nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, có thể kể thêm chương trình phim hoạt hình nước ngoài ở các kênh VTV2 vào 18 giờ. Đếm đi đếm lại, chương trình dành cho thiếu nhi trên VTV cũng chỉ có thế.

Không có chương trình cho trẻ đúng nghĩa

Hầu hết các chương trình cho trẻ đều mua bản quyền từ nước ngoài. Từ "Chúc bé ngủ ngon", "Con yêu của mẹ"… cho đến các bộ phim được phát trong chương trình phim hoạt hình. Ông Đặng Vũ Thảo, Giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam, cho biết: "Trẻ em Việt Nam quá thiệt thòi. Trung bình hơn một tháng mới được xem một bộ phim hoạt hình "made in Việt Nam". Tốc độ làm phim hoạt hình thì quá khiêm tốn, số phim làm trong 10 năm của chúng tôi chỉ đủ để chiếu trong một năm. Như thế, trẻ em Việt không được xem phim hoạt hình Việt là điều dễ hiểu". Ông Thảo cũng bức xúc về việc trước đây chương trình "Những bông hoa nhỏ" với những hình ảnh, nhạc hiệu từng ăn sâu vào ký ức bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt Nam được phát sóng 19 giờ tối đã vĩnh viễn biến mất.

 

Người lớn thờ ơ đến bao giờ? - Ảnh 2
Chương trình Đồ Rê Mí

Trong khi các nhà quản lý đưa ra việc phải phát sóng bao nhiêu phim Việt thì không có ý kiến nào bắt buộc phải có bao nhiêu phim cho thiếu nhi. Tương tự, điện ảnh Việt Nam có qui định khung sóng giờ "vàng" trên truyền hình để trình chiếu phim Việt cho người lớn song không có giờ "vàng" cho phim thiếu nhi. Thế nên mới có chuyện, cách đây hơn 2 năm, bộ phim hoạt hình Việt Nam "Cậu bé ngoài hành tinh" lại được chiếu vào 11 giờ 30 phút (giờ mà các em nhỏ đang ngủ trưa).

Kinh phí làm phim không có, lợi nhuận từ việc làm phim truyền hình và phim hoạt hình cho trẻ em không cao là các lý do khiến ông Thảo cho rằng các nhà làm phim thờ ơ với thế giới của trẻ em. Tuy nhiên, không thể không lưu tâm đến ý kiến của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khi được hỏi vì sao ông không thử sức làm phim cho trẻ em: "Đây là một thế giới khó khám phá, đề tài nhiều vô cùng nhưng không cảm thấy mình đủ tài để khai thác". Có lẽ, đó là những lý do mà các nhà làm phim Việt vẫn đang thờ ơ với thế giới giải trí của trẻ em. Và đó cũng chính là những lý do khiến trẻ em Việt Nam đành xem phim của người lớn.