Người mắc bệnh tiểu đường không nên làm gì sau khi tập thể dục?

Lan Anh (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập thể dục thường xuyên đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Đặc biệt với người bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh, tập thể dục đóng vai trò quan trọng giúp ổn định sức khỏe.

Dưới đây là một số điều người bệnh tiểu đường không nên làm sau khi tập thể dục để tránh nguy hiểm đến...

Tránh đồ uống lạnh sau khi tập thể dục

Người bệnh thường đổ nhiều mồ hôi, gây cảm giác khô miệng và mất nước sau quá trình tập thể dục. Vì thế, sau khi tập, vừa nóng vừa khát, nhiều người sẽ thích uống ngay một cốc nước lạnh. Tuy nhiên, ở người bị bệnh tiểu đường, thói quen này có thể gây ra tình trạng bị co thắt dạ dày hoặc tiêu chảy và các bệnh đường ruột. Điều này cũng ảnh hưởng khả năng hoạt động của insulin, gây tăng vọt hoặc giảm đột ngột, cũng như không tốt cho sức khỏe tổng thể.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Tuyệt đối không nằm hoặc ngồi sau khi tập thể dục

Với người mắc bệnh tiểu đường, khi cơ thể vừa tập thể dục xong, các cơ quan đang hoạt động ở tốc độ cao mà đột ngột ngồi ngay hoặc nằm xuống có thể khiến máu bị tụ lại. Điều này gây cản trở việc hồi phục năng lượng của cơ thể. Vì thế, có thể xuất hiện các triệu chứng như đau nhức cơ bắp, giảm mạnh lượng máu về tim, ảnh hưởng khả năng hấp thụ insulin gây ra tình trạng gây tăng vọt hoặc giảm đột ngột, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu. 

Sau khi tập thể dục xong, mọi người dù mệt đến mấy thì vẫn nên đi lại chậm rãi khoảng 5 phút, đến khi hơi thở bình ổn mới có thể ngồi xuống nghỉ ngơi.

Tránh ăn ngay sau khi tập thể dục

Mặc dù cơ thể luôn cần cung cấp nhiều chất dinh dưỡng sau quá trình tập luyện để tự phục hồi, tuy nhiên, nên đợi khoảng 30 phút rồi mới ăn uống. Bởi khi đó, hệ tiêu hóa mới sẵn sàng hoạt động trở lại. Nếu bạn vội vàng ăn ngay sau khi vận động mạnh, các cơ quan tiêu hóa sẽ phải chịu gánh nặng tương đối lớn.

Điều này cũng gia tăng nguy cơ đường huyết tăng vọt, gây bất lợi cho việc điều trị bệnh của người bị tiểu đường. Vì trong quá trình hoạt động thể dục, đường huyết của cơ thể bị hạ bớt. Việc ăn ngay khi tập thể dục xong sẽ khiến đường huyết tăng cao rất nhanh. Sự tăng giảm đột ngột này khiến lượng đường trong máu không được ổn định, sẽ khiến cho bệnh tình thêm trầm trọng.

Tập luyện thể dục an toàn cho người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường không nên quá gắng sức, hãy cố gắng lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp với bản thân, việc tập quá nặng sẽ làm tiêu hao năng lượng quá mức gây tụt đường huyết nhanh, đồng thời tăng biến chứng tiểu đường.

Người bệnh nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho việc tập luyện. Thời điểm tập tốt nhất là buổi sáng hoặc chiều. Các bài tập phù hợp nhất với bệnh nhân tiểu đường đó là đi bộ, yoga, thái cực quyền...

Người bệnh trước khi tập luyện cần phải đo chỉ số đường huyết. Tốt nhất, bạn có thể tham khảo ý kiến về chỉ số đường huyết an toàn trong khi tập luyện.

Người bệnh tiểu đường cần chú ý khởi động kỹ trước khi vận động. Đặc biệt là tập yoga và chạy bộ, việc khởi động đúng cách có thể khiến chân tay thích nghi dần với việc vận động và tránh chấn thương cho tay chân khi vận động.

Nếu lượng đường huyết đo được trước bước tập là 70 – 100 mg/dl (3.9 – 5.6 mmol/l), bạn nên ăn một bữa nhẹ. Sau khi tập luyện, cơ thể phải tiêu hao rất nhiều năng lượng. Do vậy, bạn cung cấp lại năng lượng bằng việc ăn uống. Để giữ mức đường huyết ở ngưỡng an toàn, những ai tập luyện trên 60 phút cần có bữa ăn trước và sau khi tập.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên uống nước trước, trong và sau khi tập luyện. Hạ đường huyết sẽ nguy hiểm hơn trong tình trạng cơ thể thiếu nước.

Khi bị hạ đường huyết, bạn nên ngậm một ít kẹo ngọt hoặc một cốc trà gừng cũng có thể giúp ích trong trường hợp này. Do vậy, khi tập luyện, bạn đừng quên mang theo một ít kẹo để ngậm nhé! Ngoài ra, bạn nên tập luyện cùng bạn bè hoặc người thân để có thể giúp đỡ trong trường hợp bị tụt đường huyết.