Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người mẹ nhảy múa... với con

Phương Cát
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị nhìn đứa con trai của mình say sưa bên đàn piano, đôi bàn tay như nhảy múa… mà lòng dâng trào lòng yêu thương và tự hào. Không ai có thể biết rằng gần 20 năm, chị và đứa con đã song hành với nhau để vượt qua nỗi khó khăn, trở ngại mang tên “tự kỷ”.

Gia đình chị thuộc dạng bình thường như bao gia đình khác. Anh và chị đều là nhân viên nhà nước. Chị đi dạy, anh làm ở một ban ngành thuộc thành phố. Chỉ sau vài năm lấy nhau, họ có đứa con trai đầu lòng. Chuyện không có gì đáng nói cho đến khi họ có đứa con trai thứ hai. Đứa bé bụ bẫm, mạnh khỏe nhưng chậm biết nói. Chị cứ ngờ ngợ có chuyện gì đó bất ổn. Sau này, mãi đến khi bé đã qua 2 tuổi, rồi 3 tuổi… mà vẫn không biết nói và có những cử chỉ khác thường, anh chị cho nó đi khám mới biết nó mắc chứng tự kỷ. Có một thời quan niệm, tự kỷ là chứng bệnh tâm thần. Tuy nhiên, quan niệm mới về tự kỷ khác đi rất nhiều và xã hội phải chấp nhận một dạng phát triển khác lạ những người bình thường, chứ hoàn toàn không phải là bệnh. Chị và anh xác định, con mình có một đời sống khác lạ và không cố bắt nó phải giống mình.
Người mẹ nhảy múa... với con - Ảnh 1
 Ảnh minh họa.
Con lớn lên hơn một chút, chị đi tìm đến trường cho con, nơi có triết lý lấy tình thương làm trọng tâm. Bên cạnh đó, anh chị xác định không đi tìm một phương pháp “thần thánh” nào đó để đứa con mình, một đứa bé tự kỷ, trở thành một người bình thường như bao đứa trẻ khác. Anh thì xác định: Trước hết phải giúp cho con mình khỏe mạnh, sau đó dựa trên nền tảng này đứa trẻ sẽ phát triển theo cách riêng của nó. Chị và anh ngoài việc chăm lo cho con đầy đủ dinh dưỡng còn chú trọng việc giúp nó rèn luyện thể lực. Đứa bé được mẹ dẫn đi bơi ở một hồ bơi gần nhà. Quả nhiên, nó tỏ ra có năng khiếu bơi lội. Khi xuống nước, nó trở nên nhanh nhẹn và hoạt bát hẳn lên, khác với vẻ lầm lì ít nói thường ngày.

 

Đã nhiều năm nay, chị xin nghỉ việc để chăm sóc gia đình, đặc biệt là để chăm sóc đứa bé tự kỷ của mình. Chị luôn luôn theo sát con, từ lúc nó thức dậy, ngồi chơi rồi đi ra phố. Chị luôn sợ đứa nhỏ gặp chuyện chẳng lành. Nhất là khi con ra phố, chị sợ nó gặp kẻ xấu lừa đảo hoặc hành hạ.

 

Nhưng nỗi khổ nhất đối với chị là đứa con không hề biết nói, nó chỉ ú ớ khi cần điều gì đó. Thế rồi, một lần chị bật nhạc và nắm tay con dìu đi, cùng nhảy múa với nó. Bỗng nhiên, đứa bé thốt lên: “Mẹ”! Chị sững lại, lắng nghe. Đứa bé lặp lại: “Mẹ, mẹ” dù âm thanh không thực rõ. Chị trào nước mắt.

 

Từ đó, đứa bé nói được những từ đơn giản, như “mẹ”, “bà”… Dần dần nó nói thêm được nhiều từ hơn, những câu ngắn, đơn giản. Đây là bước ngoặt của cuộc đời của nó. Cũng từ đó, chị thường khiêu vũ cùng con, người mẹ dẫn đứa con thấp nhỏ xoay xoay theo điệu nhạc.

 

Anh chị dần dần phát hiện những điều thú vị từ đứa con tự kỷ của mình. Đứa bé có thể được coi là thiên tài xếp tranh lego. Bức tranh 1.000 miếng ghép, thế mà chỉ trong nháy mắt là nó xếp xong. Khi xếp tranh, nó dường quên tất cả mọi thứ xung quanh để tập trung ghép.

 

Đứa bé có năng khiếu đặc biệt trong học và chơi đàn. Khi đến dạy đàn cho nó, thầy giáo kinh ngạc khi nó tiếp thu bài học rất nhanh. Thầy chỉ cần đánh mẫu vài lượt là nó làm theo được ngay. Chỉ sau vài tháng học, đứa bé đã có thể chơi được những bản nhạc tương đối khó. Nó giờ đã tự tin chơi nhạc đệm hát cho bạn trong trường, hoặc biểu diễn tài năng cho khách đến nhà thưởng thức. Đứa bé khác với anh trai của nó là rất vâng lời cha mẹ (đứa anh ít làm việc nhà hơn), đặc biệt là nó rất thích phụ mẹ làm việc nhà. Nó tự giác lau nhà, rửa bát rồi chăm sóc cây cối trên sân thượng. Nó có vẻ như hiểu rằng, nó đã đến tuổi đỡ đần cho người mẹ đã bỏ ra nhiều năm tháng vất vả vì chăm sóc nó.

 

Có nó, chị và anh cũng như gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn. Chuyện gì liên quan đến con cũng bàn bạc nhau. Mỗi lần đi đâu, họ đều cố gắng thu xếp đi cùng với nhau. Đứa bé như giúp anh chị hiểu hơn về niềm tin yêu cuộc sống.

 

Mới đây, khi đứa con, giờ đã là một thanh niên, ngồi chơi bản nhạc Mariage d’ amour (Hôn nhân tình yêu), chị ngồi xa xa ngắm nhìn nó lòng tràn ngập yêu thương và tự hào, chị dường như không còn một chút gợn gì về chuyện con mình là đứa bé tự kỷ nữa. Nó đã lớn lên trong tình yêu của chị, của gia đình, với người mẹ ôm con trong lòng, nắm tay dìu dắt và nhảy múa cùng nó.