Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người nông dân với những sáng chế độc đáo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng niềm đam mê và tính mày mò sáng chế, ông Nguyễn Kim Chính ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, Bình Định, đã thành công trong việc cải tiến, sáng chế một số loại sản phẩm máy móc nông nghiệp thông thường.

Các sản phẩm này được nghiên cứu và độ chế lại, nhằm loại bỏ những khuyết điểm vốn có, phát huy tối đa hiệu quả làm việc.

Năm 1998, xuất phát từ nhu cầu thực tế, ông Nguyễn Kim Chính gom tiền mua một máy gặt lúa rải hàng hiệu FUTU1. Loại máy gặt này chỉ gặt được lúa đứng thẳng, hay độ xiên không quá 45 độ, chân ruộng khô cạn... Từ thực tế trải nghiệm, rút tỉa trong công việc, ông Chính nảy sinh những phát chế đầu tiên: chế thêm bộ phận rút nhau (lá lúa khô già - PV), bánh lồng có chân vịt, yên ngồi… Sau nhiều lần cải tiến, máy gặt lúa đã đem lại hiệu quả cao và được người dân biết đến.

 
Ông Chính đang nghiên cứu chế máy tuốt lúa, mía. Ảnh: DUY ĐỨC
Ông Chính đang nghiên cứu chế máy tuốt lúa, mía. Ảnh: DUY ĐỨC
Một lần dự hội chợ sản phẩm nông cơ ngư cụ, ông Chín mua được một chiếc máy cắt cành - hái quả, nhưng sau một thời gian sử dụng, phát hiện máy vẫn còn một số khuyết điểm như: Chỉ cắt được cành nhỏ, cần ngắn, không gấp xếp được lúc di chuyển. Từ thực tế thấy người dân phải cắt thủ công rất chậm lại tốn nhân lực, ông quyết định làm một chiếc máy để giúp bà con đỡ vất vả. Sau nhiều năm không ngừng tìm tòi, niềm vui lại đến với ông lần nữa khi cải tiến thành công "dụng cụ cắt tỉa cành, thu hoạch và bao trái cây Kim Chính" - một sản phẩm với 3 chức năng được sử dụng hết sức hiệu quả.

Ưu điểm của loại máy này là gọn nhẹ, tiện dụng, dễ di chuyển và vận hành bằng tay, toàn thân máy làm bằng ống inox rỗng ruột có trọng lượng 2,5kg, chiều dài 3m, khi không sử dụng có thể xếp gọn theo kiểu cần ăng - ten rất thẩm mỹ lại bền. Lưỡi cắt dạng kéo gắn ở đầu, được làm bằng thép cao cấp, chịu được lực rung, va đập mạnh, chống mòn và chống rỉ sét, có thể dùng từ 3 - 5 năm mới phải mài lại hoặc thay mới. Khi sử dụng có thể kéo dài theo 3 mức: Dài 1,65m, 2,35m và 3m. Nếu đứng dưới đất có thể cắt những cây cao khoảng 4,5m. Lưới kéo hoạt động theo lực cánh tay đòn, được truyền qua hộp dây cáp, chạy dọc bên trong thân máy và nối với cần gạt ở cuối máy. Máy có thể cắt cành có đường kính từ 2,5cm trở xuống. Ở phần đầu kéo cắt của máy, khi cần hái quả thì gắn lưới vợt vào, cắt cuống, quả rơi gọn trong vợt lưới; khi cần bao trái cây, chỉ cần gắn túi bao vào, sau khi túi đã bao được trái, cho cần gạt sử dụng hệ thống cắt để túi bao được gút lại. Giá bán chỉ 500.000 đồng/máy, rất hợp với túi tiền của bà con nông dân, nhất là những nhà vườn.

Đến thời điểm này, ông đã sản xuất và bán ra hơn 50 chiếc "dụng cụ cắt tỉa cành, thu hoạch và bao trái cây Kim Chính", chủ yếu là theo đơn đặt hàng của các tỉnh phía Nam; khi mang đi triển lãm tại các hội chợ, được các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2013, với sản phẩm máy tuốt đậu phụ mới, ông được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao giải "Nhà nông sáng tạo"; lần thứ hai được nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài ra, ông còn nhận nhiều Bằng khen, giấy chứng nhận khác của các bộ, ngành T.Ư và địa phương. Mới đây, trong dịp tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp nông thôn khu vực miền Trung - Tây Nguyên, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận sản phẩm chất lượng và giải thưởng "Trâu vàng đất Việt"; Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm "dụng cụ cắt tỉa cành, thu hoạch và bao trái cây Kim Chính".