Trước đó, vào trưa ngày 17/7, bà T. (ở thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), làm nghề bán thịt lợn, nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0365.708...; Đối tượng tự xưng là Trung tá Nguyễn Văn Dũng, cán bộ Công an quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội). Theo đó, "Trung tá" nói rõ tên tuổi, năm sinh, số căn cước công dân và khẳng định đang giữ lệnh bắt, truy nã bà T.
"Trung tá Dũng" nói lý do bà đang vay tại ngân hàng ở TP Hà Nội số tiền 48,6 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn có tiền gửi tại ngân hàng là tiền bất chính thu lợi từ đường dây buôn bán ma túy.
Khi bà T thắc mắc với “Trung tá Dũng” là không hề vay mượn, không vi phạm pháp luật thì sao lại có lệnh truy nã. Và người phụ nữ còn khẩn khoản đề nghị "Trung tá Dũng" về nhà để điều tra, xác minh.
Bỏ qua sự phân trần của bà T, "Trung tá Dũng" tuyên bố chiều cùng ngày sẽ có đội công tác về tận nhà bắt tạm giam bà; và đe bà T. đừng có ý định trốn vì xung quanh nhà bà hiện có nhiều cán bộ công an mật phục. "Trung tá" Dũng yêu cầu bà T. khóa cửa, không tiếp xúc với ai và phải làm theo mọi chỉ dẫn của anh ta. Sau đó, "Trung tá" Dũng cùng các "cộng sự" gọi điện, áp đảo tinh thần khiến bà T. càng hoang mang, lo sợ và răm rắp làm theo những gì các đối tượng yêu cầu.
Đỉnh điểm của sự việc khi qua ứng dụng Zalo, bà T chứng kiến nhiều người mặc quần áo công an, Viện kiểm sát… đang ngồi họp với vẻ mặt nghiêm trọng.
Đến ngày 18/7, bà T. được hướng dẫn mở tài khoản điện tử (Internet banking) tại một ngân hàng chi nhánh huyện Việt Yên; đồng thời rút tiền ở sổ tiết kiệm để nạp vào tài khoản này nhằm so sánh, đối chứng.
Để bà T tin tưởng, đối tượng hẹn trong 24 giờ đồng hồ sẽ hoàn trả lại đúng số tiền đã gửi, thậm chí đền bù số tiền lãi. Nghe lời đối tượng lừa đảo, bà T rút hết tiền tiết kiệm nạp vào tài khoản Internet banking, tổng số 3,05 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình này đều bị "Trung tá Dũng" thúc ép, theo dõi qua điện thoại.
Liên tiếp sau đó nhóm đối tượng yêu cầu bà T quay, chụp tin nhắn mật khẩu, mã OTP cho chúng. Với dữ liệu này, nhóm lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền từ tài khoản Nguyễn Thị T đến nhiều tài khoản ngân hàng. Sau 13 lệnh chuyển tiền với các mã trị giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, số tiền 3,05 tỷ đồng mà bà T tích cóp nhiều năm đã biến mất.
Sự việc được lộ tẩy khi đến chiều tối cùng ngày, bà T hỏi một cán bộ ngân hàng kiểm tra giúp số tiền trong tài khoản, thì mới vỡ lẽ mình đã bị lừa đảo...
Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi và có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như bức xúc trong Nhân dân.
Trước tình hình này, lực lượng công an toàn quốc đã triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Qua đó, nắm được thủ đoạn, phương thức phạm tội của các đối tượng chủ yếu bằng việc gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại để đánh vào tâm lý nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Bộ Công an khuyến cáo người dân chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền tới người thân, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn nêu trên để tránh trở thành nạn nhân. Ngoài ra, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.