Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Tày, Nùng với Tết Thanh minh

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/3 Âm lịch được gọi là Tết Hàn thực, các gia đình người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng tổ tiên. Tuy nhiên, với đồng bào người Tày, Nùng đây là Tết Thanh minh và là một trong những cái Tết quan trọng.

Lễ tảo mộ của người Tày, Nùng sống ở Cao Bằng
Theo phong tục của đồng bào Tày, Nùng vào ngày Tết Thanh minh tất cả các gia đình đều đi tảo mộ tổ tiên. Trong tiềm thức của người Tày, Nùng, ngày Tết Thanh minh là ngày để con cháu nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, tổ tiên và người đã khuất, cho nên dù sinh sống hay làm ăn ở bất cứ nơi đâu, họ cũng trở về quê để cùng gia đình, người thân thực hiện lễ cúng này.
Mỗi mâm cỗ cúng là của một gia đình, nếu dòng họ nào nhiều con cháu sẽ có rất nhiều mâm cỗ.
Vào ngày này, nếu ở Cao Bằng, chúng ta sẽ thấy ở khắp các sườn đồi, núi, bãi đất (nơi có những khu mộ tập trung) có rất nhiều người, trông như ngày hội. Ngay từ sáng sớm, nhiều gia đình, dòng họ phải “gồng gánh” các đồ lễ đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, như: Thịt gà, lợn, cá chiên, hoa quả, trứng, giấy tiền mã, rượu…, đặc biệt một món không thể thiếu là xôi 2 màu (đỏ, đen), hoặc xôi 5 màu, 7 màu…
Một khu vực cúng tảo mộ ở Cao Bằng.
Các màu của món xôi được làm từ các loại lá rừng hoặc lá cẩm trồng trong vườn nhà. Loại xôi này có mùi rất thơm với đặc trưng mùi cỏ cây không thể lẫn với bất kỳ loại xôi nào khác.
Chính vì các khu mộ của người Tày, Nùng thường được chôn cất ở triền đồi hoặc núi cao nên ngay sau buổi lễ cúng, các gia đình thường ngồi lại để hưởng “lộc” và giao lưu với các dòng họ khác.
Tết Thanh minh cũng là ngày anh chị em, họ hàng gặp gỡ đông đủ nhất vì đây là dịp nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, dòng tộc. Cũng trong ngày này, đối với những ngôi mộ vô chủ nếu nằm gần khu vực có mồ mả của người làng, cũng được những người đi tảo mộ thắp hương và đốt vàng mã.
Người Tày, Nùng sinh sống tại xã Đồng Tiến, Tân Phước (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), vẫn giữ tập tục của dân tộc mình.
Đối với người dân tộc Tày, Nùng sinh sống ở Cao Bằng, ngày Tết Thanh minh đã trở thành tục lệ không thể bỏ qua thì người Tày, Nùng đi xa xứ dù sống ở nơi đâu cũng luôn khắc nhớ. Tại tỉnh Bình Phước, Bình Dương hoặc ở những tỉnh miền Đông Nam bộ cứ vào ngày này người Tày, Nùng đều thực hiện nghi lễ của dân tộc mình, nhưng các món có thể pha trộn theo suy nghĩ người sống ăn thức gì thì người đã khuất cũng phải có thức ăn đó để tỏ lòng kính trọng.
Đặc biệt, nếu nhà nào có dự trữ măng tươi thì nhà đó còn có thêm món đặc sản “mảy nhương” (măng hấp cách thủy với nhân là thịt băm trộn trứng - PV) và đó cũng chính là nét văn hóa đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam…