Người thấu hiểu lòng dân

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đường 181 đoạn từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro, huyện Gia Lâm có tổng chiều dài trên 6km, có chủ trương cải tạo nâng cấp từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là tài vận động của các cán bộ dân vận như ông Phương Hữu Ngũ - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận – Tổ dân phố đường 181, phố Keo, xã Kim Sơn, đến nay 100% số hộ dân bị thu hồi đất đã đồng thuận để Ban GPMB kiểm đếm.
 Ông Phương Hữu Ngũ (ảnh nhỏ) và đường 181 đoạn qua xã Kim Sơn. Ảnh: Nam Bắc
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phương Hữu Ngũ (năm nay 71 tuổi) cho biết, từ năm 2007, đường 181 đoạn từ Quốc lộ 5 vào khu công nghiệp Hapro (qua 3 xã Phú Thị và Kim Sơn, huyện Gia Lâm) đã có chủ trương cải tạo nâng cấp với tổng chiều dài hơn 6km, trong đó đoạn qua xã Kim Sơn khoảng 2km. Tuy nhiên, tính đến năm 2010 mới thực hiện được các đoạn không nằm trong khu dân cư; riêng 2 đoạn qua phố Sủi (xã Phú Thị) và 650m nằm trên Tổ dân phố đường 181, phố Keo (xã Kim Sơn) chưa hoàn thành.
Đầu năm 2017, TP Hà Nội có kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện dự án vì đường đã quá xuống cấp, gây ách tắc và nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhưng khi đơn vị chức năng của huyện Gia Lâm họp dân để triển khai thì người dân không đồng thuận, do chưa nắm được giá cả đền bù. Bên cạnh đó, dự án khi khởi động lại thì lại nắn đường vào một bên (không giống như phương án triển khai dự án đã công bố trước đây) nên có tới gần 60 hộ dân bị mất đất, trong đó có 39 hộ bị mất đất ở hoàn toàn...
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cần phải tập trung chỉ đạo, tuyên truyền vận động Nhân dân và phải có biện pháp cụ thể, sát thực tế mới đem lại hiệu quả, ông Ngũ đã cùng tập thể Chi ủy, Chi bộ, Tổ dân vận không ngừng cố gắng với mong muốn đạt kết quả cao nhất. Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", ông dành nhiều thời gian đến từng nhà phân tích, giải thích cho người dân những cái lợi, cái được sau khi mở đường.
Bên cạnh đó, ông tổng hợp những thắc mắc, kiến nghị của người dân để gửi lên cấp trên. Sau đó, huyện Gia Lâm tiếp tục tổ chức họp dân, lúc này người dân đã cơ bản đồng thuận. Đến nay, đã có 159/159 hộ gia đình, đạt 100% trong tổng số hộ gia đình thuộc diện GPMB đã đồng ý ký vào biên bản kiểm đếm, tạo thuận lợi cho tổ công tác của Ban GPMB đo đạc, lập phương án đền bù. Trong đó, trên 80% số hộ đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, 27 hộ đã nhận đất tái định cư, số hộ còn lại do cơ chế chính sách đã được lãnh đạo huyện ủy báo cáo chờ TP giải quyết.
Ông Ngũ tâm sự, kết quả này là cả một quá trình lắng nghe ý kiến của người dân và trình bày với cấp trên. Trong quá trình vận động, cấp ủy luôn làm đúng vai trò tập trung lãnh đạo, giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể. Tổ dân vận đường 181 phố Keo có 12 thành viên, thường xuyên họp, phân công nhiệm vụ và triển khai, rút kinh nghiệm. Để có được kết quả tốt, cán bộ dân vận phải tạo được niềm tin với Nhân dân; biết lắng nghe, phân tích, vận động Nhân dân. Bên cạnh đó, sau khi đã lắng nghe, phân tích, phải biết tiếp thu ý kiến của dân để tổng hợp, báo cáo và trao đổi lại...
Nói về phương pháp dân vận của ông Phương Hữu Ngũ, ông Nguyễn Văn Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối vận xã Kim Sơn đánh giá, ông Ngũ là Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân vận nhiều năm liền đạt tốp đầu, Chi bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.
Tuy tuổi cao nhưng ông Ngũ luôn gương mẫu trong nhiều công việc. Tới nay, công tác dân vận trên địa bàn xã Kim Sơn, đặc biệt tại Tổ dân phố 181, phố Keo rất thành công. Với những thành tích trên, năm 2019, ông Phương Hữu Ngũ đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen. Nhưng điều có ý nghĩa đối với ông hơn cả đó là sự ủng hộ của người dân trong mỗi công việc việc của địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần