Người thay đổi Ấn Độ và thế giới

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2024 là năm quan trọng của Ấn Độ với cuộc bầu cử Quốc hội đã tới gần, dự kiến diễn ra từ ngày 19/4 đến đầu tháng 6. Trong đó, Thủ tướng Narendra Modi đang hướng tới nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Đây là lúc nhìn lại chân dung Narendra Modi...

“Phong cách Modi”

“Chạm thử vào áo của tôi đi”, ông Narendra Modi mở lời trong cuộc phỏng vấn tại dinh thự hồi tháng 3, khiến nhóm phóng viên có phần giật mình.“Cứ chạm đi”, ông Modi trong chiếc áo cao cổ màu xanh lam nhạt, lặp lại trước sự ngần ngừ của những vị khách, “Nó làm từ vật liệu tái chế". Đến đây thì các phóng viên mới thích thú hiểu ra, trong sự hào hứng của vị Thủ tướng Ấn Độ.

Đến năm 2075, kinh tế Ấn Độ được dự đoán vượt qua Mỹ, lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Như vậy Ấn Độ sẽ trở thành một trong những quốc gia phát thải carbon lớn nhất. Việc thúc giục sử dụng đồ tái chế nằm trong một loạt chính sách ông Modi đưa ra nhằm giúp Ấn Độ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi phát biểu với báo chí ở New Delhi vào ngày 31/1/2024. Ảnh:Reuters
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sau khi phát biểu với báo chí ở New Delhi vào ngày 31/1/2024. Ảnh:Reuters

Câu chuyện chiếc áo và khoảnh khắc này thấm đẫm “phong cách Modi” khi pha trộn giữa sự đổi mới, truyền thống, thông điệp và ẩn chứa một số tranh cãi. Chiếc áo Nehru truyền thống cổ cao vốn là biểu tượng cho niềm tự hào dân tộc của Ấn Độ, được Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru ưa chuộng.

Không giống như người tiền nhiệm Nehru vốn chuộng màu be và màu xám, ông Modi thường mặc phiên bản sửa đổi của chiếc áo truyền thống này với màu sắc rực rỡ. Các nhà bán lẻ Ấn Độ bắt đầu phát triển sản phẩm “Chiếc áo Modi” để tận dụng thương hiệu cá nhân của Thủ tướng. Vào năm 2018, khi cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đăng tweet cảm ơn về món quà "Chiếc áo Modi" được thiết kế thay vì “Chiếc áo Nehru” - cuộc tranh cãi gần như đã làm bùng nổ dư luận Ấn Độ.

Nhà kinh tế học Joan Robinson của Cambridge nhận định: “Dù bạn nói chính xác điều gì về Ấn Độ thì điều ngược lại cũng đúng”. Ông Modi, giống như đất nước mà ông lãnh đạo, đầy rẫy những mâu thuẫn. Là người không ngừng hiện đại hóa, ông Modi vẫn trân trọng quá khứ.

Thủ tướng Ấn Độ có thể tự hào chia sẻ về thanh toán kỹ thuật số, công nghệ xanh và vai trò của mình trong nghi lễ cổ xưa kéo dài 11 ngày về một vị thần Hindu đáng kính.

Thủ tướng Ấn Độ cũng thu hút người dân bằng những lần ông xuất hiện để thu thập rác thải trên bãi biển hoặc đường phố. Hiếm hoi trong số các lãnh đạo cường quốc, ông Modi nhận được lời tốt đẹp từ cả hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Vladimir Putin và có mối quan hệ nồng ấm với cả Mỹ và Nga.

Chiến lược truyền cảm hứng có 1 - 0 - 2

Ông Modi cho biết, ông truyền năng lượng tích cực vào chương trình phát thanh hằng tháng Mann Ki Baat (Những cuộc nói chuyện từ trái tim) với 230 triệu người nghe thường xuyên, theo một khảo sát cho biết. Chương trình phát thanh là một trong nhiều phương thức để người dân Ấn Độ có thể tiếp cận, trao đổi với Thủ tướng.

Đối với các nhà quan sát phương Tây, chiến thuật truyền tải thông điệp của ông Modi có thể được xem như “vở kịch” chính trị, lãng phí nguồn lực công. Điều họ bỏ lỡ là tác động mang tính cách mạng mà phương thức này đem tới trong một xã hội có thứ bậc được hình thành bởi các cấu trúc đẳng cấp hàng thiên niên kỷ, hàng thế kỷ bóc lột thuộc địa và hàng thập kỷ Nehru - Gandhi - thời đại các nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn là thành viên của một tầng lớp tinh hoa được giáo dục ở phương Tây.

Ông Modi coi mọi giao tiếp với người dân Ấn Độ là con đường hai chiều. “Người lãnh đạo phải có khả năng kết nối với cơ sở và nhận được những phản hồi chưa được tinh lọc" - Thủ tướng Ấn Độ nói với Newsweek.

Ấn Độ đã thực hiện chiến dịch xóa đói giảm nghèo lớn nhất thế giới trong 10 năm qua và đã đưa 250 triệu người thoát nghèo. Ông Modi, vị chính trị gia xuất thân trong hoàn cảnh cơ hàn, đã đi khắp đất nước trong nhiều năm với tư cách là nhà tổ chức cộng đồng theo đạo Hindu. Thủ tướng cho biết đã dành ít nhất một đêm ở mỗi quận trong số khoảng 80% quận hành chính của Ấn Độ.

Theo một cuộc khảo sát IPSOS công bố vào tháng 3, người tiêu dùng thành thị ở Ấn Độ là những người lạc quan nhất thế giới. IPSOS cho biết điểm chỉ số quốc gia là 72, cao hơn bất kỳ nền kinh tế nào trong số 28 nền kinh tế khác được khảo sát, “cho thấy người tiêu dùng tin tưởng vào nền kinh tế, việc làm, tài chính cá nhân và đầu tư, hiện tại và tương lai”.

Dấu ấn Ấn Độ

Trong thập kỷ qua, ông Modi đã chuyển đổi cơ sở hạ tầng của Ấn Độ, xây dựng đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay và mạng lưới kỹ thuật số với tốc độ đáng kinh ngạc. Một quốc gia từng nổi tiếng với ổ gà, tắc nghẽn, nhà ga đổ nát, giờ đây đang cạnh tranh với những quốc gia có hệ thống giao thông hàng đầu. Các cảng của Ấn Độ hoạt động hiệu quả sánh ngang của Mỹ hoặc Singapore với thời gian quay vòng tàu chưa đầy một ngày. New Delhi dự kiến xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Anh.

Dưới thời Thủ tướng Modi, năng lực sản xuất của quốc gia đông dân nhất thế giới đã phát triển vượt trội. Goldman Sachs trích dẫn những khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng này trong dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ của Ấn Độ trong nửa thế kỷ.

Theo đó, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2075, Trung Quốc gấp ba lần, trong khi kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng gấp 15 lần. Ấn Độ đã thực hiện chiến dịch xóa đói giảm nghèo lớn nhất thế giới trong 10 năm qua và đã đưa 250 triệu người thoát nghèo.

Đến năm 2075, kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa Ấn Độ là một trong những quốc gia có tiềm năng phát thải carbon lớn nhất trên thế giới và những lựa chọn của nước này về tương lai có thể ảnh hưởng lớn tới số phận của hành tinh.

Ông Modi từng cho rằng không có mâu thuẫn giữa việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và cam kết chống biến đổi khí hậu, đồng thời đưa ra một danh sách sáng kiến, đầu tư với mục tiêu giúp Ấn Độ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

McKinsey ước tính, với những khoản đầu tư này, lượng khí thải carbon theo đầu người của Ấn Độ sẽ đạt đỉnh điểm khoảng 2,7 tấn vào những năm 2030. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi lượng khí thải carbon trung bình của Ấn Độ ở mức lớn nhất trong một thập kỷ tới, vẫn chỉ tương đương 1/3 lượng carbon do Trung Quốc thải ra ngày nay và 1/5 của Mỹ.

Ấn Độ đang ngày càng khẳng định vai trò trên thế giới. Washington coi New Delhi là đối trọng quan trọng với Trung Quốc ở các nước đang phát triển. Cộng đồng người Ấn bao phủ toàn cầu, góp phần tái định hình Thung lũng Silicon. Giờ đây, những ý tưởng, đổi mới và tham vọng của Ấn Độ đã sẵn sàng để đem lại đột phá không chỉ trong công nghệ mà còn mọi lĩnh vực, từ tài chính, chống đói nghèo cho đến khoa học vũ trụ.

Nền kinh tế Ấn Độ có nhiều tiềm năng để lạc quan trong thời gian tới. Những kỳ tích kinh tế của châu Á đã được xây dựng xung quanh điểm mấu chốt về nhân khẩu học khi dân số trong độ tuổi lao động đạt đến mức mà những người phụ thuộc - người về hưu và trẻ em - chiếm tỷ trọng nhỏ hơn cả trong dân số. Nhật Bản đạt đến đỉnh điểm này vào năm 1964. Trung Quốc vào năm 1994. Đối với Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, thời điểm có tỷ lệ phụ thuộc thấp lịch sử dự kiến đạt vào năm 2030 và kéo dài ít nhất 25 năm.

Những thành tựu của ông Narendra Modi khiến vị Thủ tướng này dường như trở thành một nhân vật không thể thiếu trong sự tất yếu của Ấn Độ.