Người thầy giữ vai trò cốt yếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển cách dạy học từ tiếp cận nội dung sang năng lực học sinh (HS) là cần thiết và cấp thiết. Nhưng khi chương trình và sách giáo khoa chưa được thay đổi, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên (GV) chưa được cập nhật thông tin đầy đủ, khiến việc thực hiện nảy sinh nhiều bất cập.

Nhiều trở ngại

Tại hội thảo "Dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS" sáng 13/12, cả các chuyên gia, cán bộ quản lý lẫn GV đều thừa nhận, có nhiều trở ngại khi dạy học theo hướng tiếp cận năng lực HS. Trước hết là khó khăn trong chuyển đổi nội dung kiến thức từ sách giáo khoa hiện hành sang bài giảng hướng đến mục tiêu năng lực. GV lúng túng khi soạn giáo án, từ xác định mục đích, yêu cầu đến tổ chức dạy học, áp dụng các phương pháp, phương tiện dạy phù hợp. 

 
Giờ ngoại ngữ của cô và trò trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. 	Ảnh: Phạm Hùng
Giờ ngoại ngữ của cô và trò trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Ba khó khăn lớn mà bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ - Thể dục, Trường THPT Việt Đức đưa ra là quan điểm chung của nhiều GV khi tổ chức dạy học theo hướng này. Thứ nhất, là trở ngại về cơ sở vật chất. Bàn ghế nặng nên HS khó di chuyển mỗi khi thay đổi hình thức hoạt động nhóm sang mô hình cả lớp. Sĩ số HS/lớp quá đông (40 - 50 em) gây khó khi khích lệ hoạt động nhóm. Thứ hai, phần lớn GV chưa đa dạng hóa các kiểu đánh giá làm cho các hoạt động nhàm chán, khó phát triển năng lực tư duy sáng tạo… Thứ ba, HS chưa mạnh dạn tham gia vào các hoạt động nhóm, nhất là các em có học lực trung bình và yếu. Tuy rằng các phương tiện dạy học được sử dụng hợp lý hơn, nhưng vẫn nặng về thầy khai thác cho trò nắm kiến thức. Đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên, việc dạy học theo định hướng này lại càng gian nan, bởi trình độ HS yếu, ý thức kỷ luật không cao. Trong khi đó, phần lớn GV chỉ hiểu dạy học theo hướng phát triển năng lực HS là phải đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng công nghệ thông tin chứ chưa nắm được cách dạy.

Cần thay đổi phương pháp dạy

Chương trình dạy học định hướng năng lực HS chú trọng tổ chức hoạt động dạy học và chất lượng đầu ra. Ưu điểm của chương trình này là tạo điều kiện quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định, nhấn mạnh năng lực vận dụng của HS. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý và GV vẫn băn khoăn: Chương trình giáo dục hiện hành có phát huy được năng lực HS? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định tính ưu việt của chương trình, song cũng thừa nhận, việc thực hiện chưa được suôn sẻ, bởi đang có tình trạng học nhóm lại chuyển thành họp nhóm, GV đọc cho HS chép. 

Nói về chương trình phát huy năng lực HS, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho hay: Do được điều chỉnh nội dung và thời gian nên các trường có điều kiện áp dụng nhiều hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tiên tiến; trong đó, yêu cầu HS vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Chẳng hạn, phương pháp "Bàn tay nặn bột"; hoạt động nghiên cứu khoa học của HS THCS và THPT; giáo dục thông qua di sản; mô hình trường học gắn với sản xuất, kinh doanh tại địa phương; dạy học dựa trên dự án; tổ chức nhiều cuộc thi nhằm phát huy ý tưởng mới và rèn luyện năng lực sáng tạo, phong cách làm việc khoa học của HS. 

Từ mô hình ba vòng tròn phát triển nhân cách, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ, để dạy và tạo năng lực cá nhân cho HS thông qua các môn khoa học, người thầy cần thay đổi phương pháp dạy. Muốn vậy, GV phải được tập huấn kỹ về các phương pháp đổi mới dạy học (dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án…). GV cũng phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, theo trải nghiệm sáng tạo của phương pháp dạy kỹ năng sống để mỗi tiết học sôi động như chính cuộc sống. Cách kiểm tra đánh giá các môn học cũng nên gắn với kết quả thực hành. Và một điều căn bản, để tạo động lực cho GV đổi mới cách dạy, không thể không bồi dưỡng, đãi ngộ cho những GV bộ môn có đủ trình độ.
 
"Để hoạt động dạy học theo hướng phát triển năng lực đạt hiệu quả, ngay từ bây giờ phải đưa thực tế vào giảng dạy để HS có thể tập đánh giá, phân tích; áp dụng phương pháp dạy học dùng sơ đồ tư duy, cho HS làm việc theo nhóm, làm đề tài nghiên cứu." - PGS.TS Vũ Dương Thụy -Nguyên Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục