Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người thi hành công vụ gây thiệt hại: Ngoài bồi thường, phải kỷ luật nghiêm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những bất cập sau hơn 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là tỷ lệ hoàn trả của người thi hành công vụ rất thấp.

Một trong những bất cập sau hơn 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là tỷ lệ hoàn trả của người thi hành công vụ rất thấp. Do vậy, tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra trong xây dựng Luật sửa đổi.

Theo báo cáo tổng kết 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) do Bộ Tư pháp thực hiện, tính từ khi Luật có hiệu lực (1/1/2010) đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%) với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng. Còn lại 54 vụ việc vẫn đang tiếp tục giải quyết.
Bộ Tài chính cấp 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn
Bộ Tài chính cấp 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Đặc biệt, 6 năm qua chỉ có 22 vụ việc được xem xét trách nhiệm hoàn trả của cán bộ thực thi sai công vụ, với tổng số tiền gần 677 triệu đồng. Theo nhận định của Bộ Tư pháp, Luật hiện hành chưa đề cao trách nhiệm của người thi hành công vụ. Cụ thể, quy định của Luật TNBTCNN về trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật còn chưa rõ ràng.

Đồng thời, Luật cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của người ra quyết định hoàn trả, xử lý kỷ luật dẫn đến việc xem xét trách nhiệm hoàn trả, xem xét kỷ luật đối với người thi hành công vụ chưa được thực hiện thống nhất. Bên cạnh đó, quy định mức hoàn trả của công chức có hành vi trái pháp luật chưa bảo đảm tính răn đe, nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Dự thảo Luật TNBTCNN sửa đổi đang được Bộ Tư pháp xây dựng quy định chặt chẽ, tăng mức hoàn trả và quy định cụ thể trách nhiệm kỷ luật để tăng cường trách nhiệm của người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật nhằm bảo đảm tính răn đe nhưng cũng không được làm tác động tiêu cực đến hoạt động công vụ. Việc quyết định mức hoàn trả dựa trên: Mức độ lỗi; mức độ thiệt hại đã gây ra. Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định về miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp cụ thể.

Bên cạnh đó, việc xem xét, xử lý kỷ luật dựa trên: tính chất, mức độ vi phạm, quá trình công tác; mức độ lỗi; số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Đồng thời, ngoài việc bị áp dụng các hình thức kỷ luật, công chức có lỗi gây ra thiệt hại mà do năng lực, chuyên môn còn hạn chế, thì còn có thể bị buộc đào tạo lại, bồi dưỡng thêm.

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN cho rằng, với mức lương của công chức thấp như hiện nay việc hoàn trả là rất khó. Đó là chưa kể nhiều vụ không chỉ một mình công chức gây thiệt hại mà còn do nhiều người khác. Do đó, nên kết hợp cả biện pháp xem xét trách nhiệm hành chính (kỷ luật, buộc thôi việc...) và mức hoàn trả về vật chất thì chỉ nên ở mức ”vừa phải”. Chung nhận định, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể nói thêm ”bồi thường như vụ ông Huỳnh Văn Nén thì không chỉ một người mà có khi cả họ cũng không hoàn trả nổi”. Tuy nhiên ”không hoàn trả đồng nào cũng không được” do vậy phải tính toán ở mức hợp lý để đảm bảo tính khả thi.

Vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết đa số các ý kiến cho rằng, cần phải tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ và xem xét các hình thức kỷ luật nghiêm minh đối với người thi hành công vụ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới bảo đảm tính răn đe trong thực thi công vụ.  

Một số ý kiến cho rằng, cần giữ mức hoàn trả như quy định hiện hành nhưng phải tăng trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có lỗi trong việc gây ra thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để tránh tác động tiêu cực đến ý thức của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ.

Có ý kiến cho rằng, cần có quy định miễn trừ trách nhiệm hoàn trả đối với chức danh thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự.

Bộ Tư pháp đồng tình với ý kiến thứ nhất và cho rằng việc xem xét miễn trừ trách nhiệm hoàn trả đối với chức danh thẩm phán trong hoạt động tố tụng hình sự là không có cơ sở pháp lý.