Bản lĩnh người lính
Ông Nguyễn Huy Kỳ sinh năm 1940, hiện làm nghề bốc thuốc đông y. Lúc còn nhỏ, ông học cấp 1, cấp 2 tại tỉnh Hà Tây (cũ), sau đó, ông đi thoát ly rồi làm công nhân ở công ty kiến trúc tỉnh Phú Thọ. Ban ngày đi làm, buổi tối ông đi học bổ túc văn hóa tại trường cấp 3 Hùng Vương từ năm 1961 đến năm 1966. Khi giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, trong đó có tỉnh Phú Thọ, nhà trường và cơ quan phải sơ tán; kể từ đây, ông phải tạm thời dừng việc học nên chưa có bằng cấp 3 (cấp THPT).
Năm 1968, ông Nguyễn Huy Kỳ đăng ký nhập ngũ. Năm 1969, ông sang chiến đấu tại mặt trận Lào đầy khốc liệt. Những tháng ngày đối mặt với lửa đạn mưa bom, người chiến sỹ ấy có 2 lần bị thương nhưng vẫn kiên trung ở lại. Đến năm 1973, ông bị trúng bom, mất một chân, tỷ lệ thương tật 41% nên được đưa trở lại Việt Nam rồi ra Bắc điều trị. Sau tháng ngày dài điều trị, ông được lắp chân giả; đồng thời được Nhà nước công nhận là thương binh hạng 3/4.
Năm 1979, do sức khỏe yếu, ông xin nghỉ mất sức và đi học nghề đông y gia truyền, hành nghề bốc thuốc phục vụ Nhân dân. Hiện ông là Chủ tịch Hội Đông y phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân Hà Nội nhiệm kì 2016-2021.
Tấm lòng và sự nhanh nhạy của ông Kỳ cùng niềm say mê với nghề bốc thuốc là động lực thôi thúc ông về việc mở cơ sở khám chữa bệnh đông y cho riêng mình. Tuy nhiên, theo quy định, ông phải có chứng chỉ về đông y và có Bằng tốt nghiệp THPT là điều kiện bắt buộc.
Đã không ít lần ông suy ngẫm nghiêm túc về việc đi học, đi thi nhưng công việc bận rộn, thời gian trôi đi mà cứ lần lữa chưa thực hiện được nguyện ước. Cuối năm 2019, ông quyết tâm đăng ký vào Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, tiếp tục chặng đường đèn sách đầy cực nhọc. Kể từ đó, nắng cũng như mưa, ông Kỳ đều đặn đến lớp và rất cầu thị trong học tập. Chiếc xe máy 3 bánh hàng ngày vẫn lăn trên đường để chở hy vọng của người thương binh về một ngày cầm tấm Bằng tốt nghiệp.
Ông Kỳ nhớ lại: "Tuổi cao đi học có nhiều cái vất vả không nói hết. Mắt nhòe mờ, chân tay chậm chạp, tư duy cũng không nhanh nhạy để tiếp thu bài ngay nên chỗ nào chưa hiểu, tôi lại dành thời gian cuối giờ hỏi lại thầy cô giáo. Ở giai đoạn ôn thi nước rút, tôi ở trường từ sáng đến chiều với lịch học chính và học phụ đạo. Căng thẳng vì học, sức khỏe có phần bị ảnh hưởng nhưng tôi đã nỗ lực, cố gắng từng ngày để việc học được hoàn thành theo ý nguyện".
Những ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp năm 2022, ông không cậy nhờ con cháu mà tự dậy lúc 4 giờ sáng để đến điểm thi cho kịp giờ. Đi giữa những học sinh trẻ khỏe là cụ già tự chạy xe 3 bánh đến điểm thi, chống gậy đi từng bước chậm rãi vào phòng thi. Hình ảnh ấy đã để lại ấn tượng đẹp với nhiều cán bộ coi thi và thí sinh.
Trái ngọt của tinh thần học tập suốt đời
0g ngày 24/7, như các thí sinh khác, ông Nguyễn Xuân Kỳ cũng hồi hộp khi tra cứu điểm thi. Và ông vui mừng, nhẹ nhõm khi biết điểm các bài thi của mình. Theo đó, Toán ông được 3,6 điểm; Ngữ văn được 4,75 điểm; Lịch sử 7,5 điểm và Địa lý 6,5 điểm. Ông được cộng với 0,25 điểm ưu tiên thí sinh thuộc đối tượng có tuổi đời từ 35 tuổi trở lên và là học viên giáo dục thường xuyên có chứng chỉ Tin học loại A (cộng thêm 1 điểm khuyến khích) và đã thừa điểm xét tốt nghiệp THPT năm nay. Với ông, đây là kết quả xứng đáng với bao nỗ lực, công sức và quyết tâm mình đã bỏ ra.
Tham dự buổi lễ biểu dương, khen thưởng những tấm gương học tập suốt đời, ông Nguyễn Huy Kỳ đã nhận được nhiều quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành Trung ương và Hà Nội. Ông cho hay, ngay khi nhận bằng tốt nghiệp, ông sẽ nộp hồ sơ theo học Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác. “Từ nhà đến trường khoảng 4-5km, lại tiếp tục hành trình tự đi với chiếc xe ba bánh. Tôi sẽ quyết tâm có bằng trung cấp để mở cơ sở của riêng mình”- ông Kỳ chia sẻ.
Bà Tô Thị Trà Ly, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân đánh giá: "Trong quá trình học tại trung tâm, ông Kỳ chăm chỉ, luôn đi học đầy đủ, đúng giờ. Ngoài ra, ông rất khiêm nhường, có tinh thần học hỏi. Trong 3 năm học tại Trung tâm, năm học nào ông cũng đạt danh hiệu Học sinh tiên tiến”.
Còn theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, ở tuổi cao nhưng vẫn nỗ lực học tập và đăng ký dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT như ông Nguyễn Huy Kỳ là tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều người, trong đó có người trẻ về tinh thần hiếu học, học tập suốt đời".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ
Sáng 27/7, tại Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao tặng Bằng khen cho ông Nguyễn Huy Kỳ để ghi nhận, khen ngợi, biểu dương ý chí học tập, tinh thần học tập của ông.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Với một thanh niên 18, 20 tuổi, việc đi học, đi thi đã là áp lực; ở tuổi của ông Kỳ đi học lại, chương trình khác, kiến thức khác càng là thách thức lớn, trong đó có cả thách thức về tâm lý. Tuy nhiên, ông đã vượt qua nhiều thử thách; thử thách lớn nhất là vượt qua chính bản thân mình, đây là điều đáng trân trọng, biểu dương và khích lệ.
"Ông Nguyễn Huy Kỳ chính là một trong những tấm gương cho việc học tập không ngừng, học tập suốt đời, học cái mình cần, học cho mình, học một cách thực chất. Đó là tinh thần mà ngành Giáo dục đang phấn đấu, đang gây dựng, đang cổ vũ. Bằng khen hôm nay trao cho ông cũng là gửi gắm đến với các em học sinh, với những ai có nhu cầu học tập, nhu cầu phát triển bản thân nhưng còn e ngại”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.