Người tiêu dùng lo lắng trước nạn thực phẩm bẩn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt vụ thực phẩm "bẩn" liên tiếp bị phanh phui khiến người dânhoang mang, lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp trong việc kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Điển hình là các vụ chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm bẩn, chủ yếu là thịt gia súc, gia cầm bị bệnh, hàng đông lạnh đã hết hạn sử dụng, thâm đen, bốc mùi hôi thối...

Riêng thời điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, phòng Cảnh sát môi trường-Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý tới 400 trăm vụ thực phẩm bẩn, trong đó có hàng tấn nội tạng động vật nhập khẩu đã hết hạn sử dụng; thịt trâu được ngâm hóa chất để biến thành thịt bò. Hàng chục mẫu rau có chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép...
 Người tiêu dùng khó phân biệt thức ăn sạch hay bẩn. (Ảnh minh họa).
Người tiêu dùng khó phân biệt thức ăn sạch hay bẩn. (Ảnh minh họa).
Các hộ chăn nuôi vì lợi nhuận trước mắt cũng đang đầu độc người tiêu dùng khi sử dụng chất salbutamol tạo nạc cho lợn, cho gà ăn chất vàng ô; sản phẩm rau xanh tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, hoa quả bị nhúng hóa chất ép chín, hay thịt, cá, đồ hộp chứa nhiều chất bảo quản…

Chị Nguyễn Thị Hạnh ở Quận Thanh Xuân, Hà Nội lo lắng: “Thực phẩm để tiêu dùng hàng ngày như lợn, gà thì vẫn phải mua ở chợ, mà các chất có trong thực phẩm cũng không thể kiểm tra được. Chúng tôi rất lo rằng, chăn nuôi có chất tạo nạc, kích thích tăng trưởng, thịt lợn, gà bị bơm nước. Chúng tôi mong sao các cơ quan Nhà nước có chế tài đối với hộ chăn nuôi, hộ trang trại có dùng chất tạo nạc, kích thích thì phải quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm...”.

Trên thực tế hiện nay, hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm mới phát hiện được 30% số hóa chất độc hại trong số hơn 2.000 hóa chất bảo vệ thực phẩm. Nhiều trường hợp rau sạch được bày bán ở các siêu thị có bao bì in tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, nhưng khi kiểm tra lại là rau được thu gom từ các nguồn trôi nổi trên thị trường, đem về đóng gói nhằm đánh lừa người tiêu dùng...

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng Hà Nội cho rằng: “Tỷ lệ người được tiếp xúc với những loại thực phẩm an toàn còn rất ít, đa số là đến các cửa hàng truyền thống, chợ truyền thống, chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ mà cơ quan chức năng rất khó quản lý. Cho nên vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay, chưa kể các khu công nghiệp, nhà trẻ, những nơi có quản lý nhưng vẫn bị ngộ độc thực phẩm.

Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chức năng, những người sản xuất có tâm, những người tham gia dịch vụ bán lẻ phải là người có trách nhiệm với người tiêu dùng Việt Nam...”.

Thực phẩm bẩn chứa nhiều hóa chất độc hại là một trong những tác nhân gây nên bệnh ung thư.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ chết vì ung thư ở Việt Nam là 110 ca/100.000 người. Mỗi năm, cả nước có 94 nghìn người chết trong tổng số 126 nghìn người mắc bệnh ung thư. Trong đó, 35% người bị ung thư là do sử dụng những thực phẩm có chứa chất cấm, chất bảo quản, lâu dần bị tích tụ lại trong cơ thể  và phát triển thành mầm  bệnh.

 Việc sử dụng thực phẩm không an toàn là cái chết được báo trước, nhưng việc quản lý của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều bất cập.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù cơ quan Nhà nước đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn những vấn đề chưa hiệu quả, ví dụ việc quản lý vẫn còn chồng chéo, còn hiện tượng khi xảy ra vấn đề do lý do nào đó vẫn không có người chịu trách nhiệm trực tiếp, đặc biệt là nhanh chóng phản hồi vụ việc.

Theo tôi, việc chúng ta phải làm là rà soát lại toàn bộ văn bản, các khung pháp lý của chúng ta về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vừa phù hợp với các quy định xu hướng của quốc tế cũng như tình trạng vi phạm của Việt Nam, báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm để chúng ta có các quy định, chính sách tốt hơn”.

Người dân vẫn phải loay hoay tự bảo vệ mình bằng cách phân biệt thực phẩm theo kinh nghiệm và thói quen mua sắm. Luật hình sự mới quy định mức xử phạt nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển sử dụng chất cấm, trong đó mức phạt cao nhất là 20 năm tù được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn.