Người tiêu dùng ưa chuộng dùng phablet hơn máy tính bảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói về độ phổ biến, Apple vẫn giữ vị trí đi đầu trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính bảng, nhưng khoảng cách đang dần thu hẹp lại.

Theo dữ liệu sơ bộ từ công ty nghiên cứu và phân tích IDC, trong quý 2/2014, thị trường máy tính bảng toàn cầu đã có mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ, tức là khoảng hơn 49 triệu thiết bị đã được vận chuyển. 

Tuy nhiên số liệu cũng cho thấy tốc độ phát triển của thị trường này đang có dấu hiệu chững lại.

“Như chúng tôi đã nhận định vào quý trước, thị trường vẫn đang bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của điện thoại thông minh màn hình lớn (phablet) và vòng đời sản phẩm dài hơn dự kiến,” Jean Philippe Bouchard, giám đốc nghiên cứu IDC về mảng máy tính bảng cho biết.

“Một lý do khác là bởi sự thích ứng thương mại chậm chạp của các loại máy tính bảng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin rằng lượng cầu thương mại lớn hơn cho máy tính bảng trong nửa cuối năm 2014 sẽ giúp cho thị trường phát triển, và trên thị trường sẽ xuất hiện thêm nhiều dịch vụ do các doanh nghiệp cụ thể cung cấp, như thương vụ giữa Apple và IBM, ” Jean Philippe Bouchard cho biết thêm.
(Nguồn: designbolts.com)
(Nguồn: designbolts.com)
Nói về độ phổ biến, Apple vẫn giữ vị trí đi đầu trong ngành công nghiệp sản xuất máy tính bảng, nhưng khoảng cách đang dần thu hẹp lại. Chỉ có hơn 13 triệu chiếc iPad được bán ra trong vòng ba tháng qua, mang lại cho công ty này gần 27% thị phần. Samsung đứng ở vị trí thứ hai, với doanh số 8,5 triệu máy tính bảng, đánh dấu mức thị phần hơn 17% dành cho Samsung. 

Tuy nhiên, kẻ thắng lớn lại là Lenovo, khi chứng kiến thị phần của mình tăng tới 3,3% và trở thành cái tên thứ ba trong danh sách những nhãn hiệu máy tính bảng phổ biến nhất trên toàn cầu - rất giống với những gì công ty này đã làm được ở thị trường điện thoại thông minh.

Jitesh Ubrani, nhà phân tích nghiên cứu thuộc bộ phận theo dõi máy tính bảng toàn cầu theo quý của IDC, cho biết: “Cho tới gần đây, Apple, và sau đó là Samsung, vẫn còn đang độc chiếm thị trường, gần như không bị tác động gì bởi các đối thủ cạnh tranh khác. Giờ đây chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng của các đối thủ yếu hơn và sự điều chỉnh cân bằng thị phần giữa các đối thủ, trong bối cảnh thị trường đang bước vào một thời kỳ mới.”

Năm nay được nhiều chuyên gia dự đoán là một phần của giai đoạn chuyển mình của thị trường máy tính bảng, khi các công ty bắt đầu quay trở lại tập trung vào các sản phẩm có màn hình lớn từ 9 tới 10 inch nhằm cạnh tranh với các loại điện thoại thông minh và điện thoại thông minh màn hình lớn.

Apple được dự đoán sẽ cho ra mắt mẫu iPad ‘pro’ với màn hình 12 inch vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015 cũng vì lý do nói trên. Đồng thời, hãng này cũng tăng kích thước màn hình của thế hệ iPhone tiếp theo lên một cách đáng kể nhằm cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, trong khi Apple vẫn đang duy trì vị trí nhãn hiệu máy tính bảng phổ biến nhất của mình và sẽ tiếp tục giữ danh hiệu này ít nhất cho đến năm 2015 nếu thế hệ iPad tiếp theo thực sự được như lời đồn, thì Apple lại không thể duy trì được danh hiệu hệ điều hành phổ biến nhất. Không khác gì ở thị trường điện thoại thông minh, Android cuối cùng cũng đã vượt mặt iOS để trở thành hệ điều hành phổ biến nhất trên máy tính bảng.

Theo số liệu do Strategy Analytics công bố trong tuần này, các máy tính bảng chạy hệ điều hành Android chiếm tới 70% số lượng thiết bị được bán ra trong quý 2/2014.

“Android tiếp tục vững tiến nhờ vào số lượng nhà sản xuất lớn, với các thiết bị có kích thước màn hình và mức giá đa dạng,” nhà nghiên cứu Peter King thuộc Strategy Analytics cho biết.