Đó là ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức mới đây.
Mua sắm online tăng mạnh
Số liệu của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, thời gian gần đây, số người mua sắm trực tuyến tăng mạnh tăng từ 30,3 triệu người năm 2015 lên 44,8 triệu người năm 2019. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, IT và mỹ phẩm. Cụ thể, mua sắm quần áo 24%, hàng cá nhân 21%, hàng điện tử 18%, vé máy bay, xem phim 17%, nội dung online 19%…
Phân tích nguyên nhân khiến hoạt động mua hàng trực tuyến tăng mạnh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số) Lê Đức Anh cho biết, một trong những nguyên nhân thúc đẩy thay đổi xu hướng tiêu dùng là bởi hiện người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số) vì độ tiện dụng.
Đánh giá về những xu hướng tiêu dùng trong tương lai, Giám đốc khu vực phía Bắc Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà cho biết, Việt Nam đang trong xu hướng kinh tế toàn cầu với dự đoán trong năm 2020, internet sẽ chiếm gần 60% dân số và 33% người tiêu dùng Việt Nam sẽ thanh toán trực tuyến khi mua hàng online.
Nhận định về tương lai số của ngành bán lẻ Việt Nam, TS Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, đây là thời đại bùng nổ về Internet và TMĐT, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt DN vào cuộc đua sinh tử. Nếu không kịp chuyển đổi, DN sẽ không thể phát triển. Thêm vào đó, Covid-19 tạo thêm sức ép buộc các DN bán lẻ phải chuyển đổi cách thức bán hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra còn chậm
Mặc dù sàn giao dịch TMĐT có tốc độ tăng nhanh nhưng thanh toán không dùng tiền mặt hiện lại không tương xứng do người tiêu dùng chưa tin tưởng với giao dịch điện tử. Tại sàn TMĐT Tiki, 1 tháng có khoảng 4,5 - 5 triệu đơn hàng nhưng thanh toán online chỉ chiếm khoảng 40%, 60% số đơn hàng còn lại được thanh toán bằng tiền mặt. Nguyên nhân là do người tiêu dùng vẫn còn lo ngại tình trạng hàng giả, hàng nhái tại các sàn TMĐT chưa được xử lý triệt để, đồng thời lo ngại lộ lọt dữ liệu khi người dùng thanh toán trực tuyến.
Để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh Võ Trí Thành kiến nghị, thời gian tới, cơ quan chức năng cần kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc.
Cùng với đó, xây dựng chế tài bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn TMĐT, bảo vệ các DN TMĐT tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; đồng thời tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và bảo đảm tính tuân thủ pháp luật. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các DN TMĐT tiếp cận nguồn vốn để tham gia chuỗi giá trị liên kết hàng Việt bán trên sàn TMĐT của người Việt.
Ý kiến của các chuyên gia cho thấy, mua sắm online là khuynh hướng được người dân lựa chọn trong tương lai, kéo theo đó thanh toán trực tuyến sẽ nở rộ nếu quyền lợi người tiêu dùng được bảo đảm. Đây là bài toán mà cơ quan quản lý cần giải đáp trong thời gian tới.
"Theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), gần 95% DN ý thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, chỉ có 5,1% trả lời chưa hiểu biết và chưa có hành động liên quan tới chuyển đổi số. Song, có 84% DN thất bại khi chuyển đổi số và việc áp dụng công nghệ mới vào DN thường là thất bại. Điều đó đặt ra vấn đề, nên bắt đầu từ đâu để có hành trình chuyển đổi số an toàn và hiệu quả và làm thế nào để chuyển đổi số thành công." - Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam |