Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tận tâm với công việc

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 10 năm gắn bó cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với vai trò là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Kim quản lý, bà Đỗ Thị Phượng đã không quản ngại khó khăn, tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

 Bà Đỗ Thị Phượng (ngoài cùng bên trái) có nhiều đóng góp trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội

Đến xã Phú Kim, huyện Thạch Thất (TP Hà Nội), hỏi bà Đỗ Thị Phượng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nội Thôn, người dân ai cũng biết và yêu quý. Với tấm lòng nhiệt huyết, hết lòng vì người nghèo. Gần 10 năm gắn bó với NHCSXH, bà Đỗ Thị Phượng đã không quản ngại khó khăn, tận tụy với công việc, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.

Xã Phú Kim trước đây là một vùng quê thuần nông. Nơi đây, người dân gắn bó với ruộng vườn quanh năm. Ngoài kế sinh nhai là sản phẩm thu hoạch từ nông nghiệp, người dân đã làm thêm bao nghề phụ khác như làm mộc, nghề may… nhưng cuộc sống vẫn khó khăn chật vật. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách, các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi bò, trồng cây ăn quả, làm mộc, may mặc… Đến nay, cuộc sống nơi đây đã đổi thay từng ngày. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng giảm. 

 Bà Phượng hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả

Nội Thôn là một thôn lớn của xã Phú Kim, người dân nơi đây rất cần cù, chịu khó và nhanh nhạy với cơ chế thị trường. Năm 2010, bà Phượng là người được 100% các tổ viên trong tổ tin tưởng, tín nhiệm bầu là tổ trưởng, đại diện cho Tổ tiết kiệm vay vốn của thôn ký hợp đồng ủy nhiệm với NHCSXH huyện Thạch Thất.

Mới buổi ban đầu còn bỡ ngỡ về nghiệp vụ, được sự tận tình hướng dẫn của cán bộ NHCSXH và được tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do NHCSXH tổ chức hàng năm, bà đã làm quen dần và nắm bắt nghiệp vụ rất nhanh.

Bà thường xuyên nghiên cứu và nắm chắc các quy trình nghiệp vụ của NHCSXH, đảm bảo bình xét cho vay đúng quy trình, đúng đối tượng, thường xuyên theo dõi và hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhờ đó tổ viên của tổ từ buổi ban đầu chỉ có hơn 20 tổ viên với dư nợ 700 triệu đồng, đến nay tăng lên 50 hội viên với dư nợ 2,5 tỷ đồng; bình quân dư nợ 50 triệu đồng/1 tổ viên.

Ngoài làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, bà còn hướng dẫn tổ viên trong cách làm ăn. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo cho tổ viên trong tổ có công ăn việc làm ổn định, nhiều người đã xóa được đói nghèo, nhiều người vươn lên làm giàu, con em họ có tiền trang trải học hành đỗ đạt.

Bà đã nhiều đêm trăn trở làm sao vốn về được với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thôn, nhưng khó khăn hơn nữa đồng vốn mang lại hiệu quả cho tổ viên và làm sao để thu nợ đến hạn, thu lãi hàng tháng đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt điều trăn trở nhất hiện nay, là vận động tổ viên tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm hàng tháng với mức tiết kiệm tăng dần, tạo cho hộ vay tiết kiệm trong chi tiêu, dành dụm tiền để trả nợ tiền vay.

Đến nay tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn của bà Phượng đến tháng trả lãi đạt 100%, nợ đến hạn thu được 100%, không có nợ quá hạn, 100% tổ viên gửi tiền gửi định kỳ hàng tháng, mỗi tháng 50.000 đồng, số dư tiền gửi tổ viên hiện lên đến 83 triệu đồng. Kết quả xếp loại hàng tháng, tổ Tiết kiệm và vay vốn do bà Phượng làm tổ trưởng luôn xếp loại tốt.

Sự nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác với mong muốn giúp bà con trong thôn thoát nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, bà Đỗ Thị Phượng trở thành tấm gương điển hình tiêu biểu được Tổng Giám đốc NHCSXH tuyên dương, khen thưởng vì có nhiều đóng góp trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2015 - 2020.