Người trẻ muốn tự tử: Những nguyên nhân không ai ngờ tới

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ ở tuổi vị thành niên, có nguy cơ của hành vi tự sát bị ảnh hưởng qua những mặt về tinh thần, các rối loạn liên quan đến não bộ, tiền sử gia đình hay các yếu tố tâm lý xã hội, môi trường ảnh hưởng.

Những con số không thể xem nhẹ

Theo số liệu của điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam lần thứ 2 (do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO tổ chức năm 2000) trên 10.000 thanh thiếu niên, thực hiện tại 63 tỉnh thành có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử. 

Theo thống kê khác của Trung tâm phòng chống khủng khoảng tâm lý (PCP), ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 – 24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao hơn cả, và tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống. Các số liệu trên như một hồi chuông báo động về nạn tự tử ở vị thành niên hiện nay và vấn đề không thể xem nhẹ.

Tự tử ở người trẻ tuổi là vấn đề không thể xem nhẹ.
Tự tử ở người trẻ tuổi là vấn đề không thể xem nhẹ.

Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam gần đây, tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%. Tuy đây chưa phải là nghiên cứu diện rộng mà chỉ trên nhóm nhỏ, điểm nhỏ, nhưng điều đáng nói là phần lớn nguyên nhân dẫn đến tự tử thường do hội chứng trầm cảm. Trẻ em, vị thành niên bị trầm cảm thường gặp trong các trường hợp gia đình có vấn đề như bố mẹ ly hôn, bản thân trẻ gặp khó khăn, thất bại trong tình yêu, quan hệ bạn bè, học tập, bị lạm dụng tình dục... Ngoài ra, các căn bệnh tâm thần như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý dẫn đến tự sát ở tuổi vị thành niên.

Theo báo cáo của Quĩ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hàng năm, trên thế giới có trên 800.000 người chết vì tự tử, và con số toan tự tử còn cao hơn thế. Các nước thu nhập thấp và trung bình (LMICS) đặc biệt có nguy cơ về tự tử chiếm 75% số vụ tự tử trên toàn cầu năm 2012, trong đó các nước thu nhập thấp và trung bình ở khu vực Đông Nam Á chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 40% tổng số vụ tự tử (WHO, 2016). Mặc dù xảy ra ở tất cả độ tuổi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với nhóm tuổi từ 15 đến 29 trên thế giới trong năm 2012 (sau tai nạn giao thông). Cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Khi so sánh với khu vực Đông Nam Á cũng như Tây Thái Bình Dương, tỷ lệ tự tử ở Việt Nam thấp, (5 vụ trên 100.000 người) (2012), và giảm so với năm 2000 (5,7 vụ). Tỷ lệ trẻ vị thành niên tự tử ở Việt Nam cũng tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Cho dù tỷ lệ thấp như thế, quan ngại ngày càng tăng rằng tự tử ở Việt Nam bắt đầu có chiều hướng gia tăng và cần phải có những hành động thích hợp để đối phó với vấn đề này.

Nguyên nhân dẫn đến ý định và hành vi tự tử

Ngày nay, xã hội hiện đại cũng đem đến những nguy cơ khác như sự tràn lan của các video độc hại trên youtube hướng dẫn treo cổ, cắt tay, tự tử theo những cách thức đặc biệt khiến nhiều trẻ xem và học theo. Trẻ có thể bị dẫn dắt khi vô tình tham gia các nhóm kín trên mạng và bị nhiễm những suy nghĩ lệch lạc về cái chết. Đáng lo ngại hơn nữa là thực trạng sử dụng nghiện chất ở trẻ vị thành niên, thanh niên. Ma túy có thể dẫn tới ảo giác, hoang tưởng và dẫn tới những hành vi tự hủy hoại.

Hiện nay các nghiên cứu đã cho thấy nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở trẻ vị thành niên là lo âu, trầm cảm. Lo âu, trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên (giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn). Đây là độ tuổi rất nhạy cảm trước những tác động của môi trường, xã hội do những thay đổi về tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Lịch học quá dày gồm học chính khóa, học thêm đã chiếm hầu hết thời gian làm cho trẻ cảm thấy luôn căng thẳng và mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ dễ rơi vào tình trạng “sốc tâm lý” và nghĩ đến chuyện tiêu cực thậm chí kết thúc cuộc đời sau những thất bại trong học tập, thi cử. Hiện nay, trên thực tế ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều. 

Ngoài ra, mâu thuẫn trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử. Những mối quan hệ bất hòa, mẫu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội nhưng không được chia sẻ có thể khiến cho trẻ không tìm ra được những giải pháp để giải quyết. Trẻ dễ có những suy nghĩ tiêu cực, mất kiểm soát dẫn đến hành vi tự sát và xem việc tự sát như là một cách để giúp giải thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống.

Trong khi đó, báo cáo của UNICEF chỉ rõ, thời gian qua xuất hiện bằng chứng về tỷ lệ tự tử trong nhóm thanh thiếu niên có thể tăng (ví dụ: theo báo cáo của Bộ Y Tế và các tổ chức khác năm 2010), do đó tìm hiểu thấu đáo nguyên nhân và những yếu tố thúc đẩy hành vi này là cần thiết. Theo những người trả lời phỏng vấn, nguyên nhân của việc hình thành ý nghĩ tự tử và hành vi tự tử, chủ yếu ảnh hưởng đến các em gái, bao gồm: thất bại trong chuyện tình cảm, chẳng hạn như bị bỏ rơi – thường là bị bạn trai bỏ rơi; các vấn đề ở trường từ việc bị bắt nạt, trêu chọc đến việc bị điểm kém – những vấn đề này ảnh hưởng đến cả các em trai và gái; các vấn đề trong gia đình bao gồm bị cha mẹ mắng, thiếu sự giao tiếp giữa con cái và cha mẹ, cha mẹ không đồng tình (chủ yếu) với các em gái về lựa chọn người chồng tương lai, mâu thuẫn giữa cha và mẹ, người cha có hành vi bạo lực, áp lực về kinh tế, cha mẹ nghiện ngập; tảo hôn đối với các em gái, dẫn đến việc các em phải nghỉ học và mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng; và việc không thể hoặc ngại chia sẻ cảm xúc.

Đối với các em trai, nguyên nhân cũng gồm thất bại trong việc đáp ứng những kỳ vọng của xã hội về vai trò và hành vi chuẩn mực của một người nam giới, trong đó có khả năng làm người trụ cột trong hộ gia đình. Tất cả những điều này dẫn đến cảm xúc buồn bã, chán nản, thất vọng ở những người trẻ tuổi, từ đó khiến họ tìm đến cái chết và có những người đã thực sự kết thúc cuộc sống của mình.

Theo đánh giá của chuyên gia, ở Việt Nam vẫn còn thiếu các cơ sở tư vấn tâm lý trẻ vị thành niên sẵn có, tại các trường học hoặc bố trí ở từng khu vực, cộng đồng dân cư. Các hình thức tư vấn trực tuyến với mục đích ngăn ngừa tự sát cho trẻ vị thành niên, người trẻ cũng còn thiếu. Nhiều bậc cha mẹ chưa có nhận thức đúng về trầm cảm và tự sát để có thể có ứng xử thích hợp. Vì vậy, phụ huynh nên đưa con đi khám chuyên khoa tâm thần ngay khi nghi ngờ trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Bởi trẻ có thể khó khăn khi chia sẻ với bố mẹ nhưng với các chuyên gia lại dễ dàng hơn nhiều.