Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người trẻ thổi hồn vào những bức tường "vô hồn" thành phong cảnh quê hương

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những mảng tường vô hồn tại các cơ quan hay trường học, thông qua bàn tay của sinh viên mỹ thuật hoặc những “thợ vẽ", mảng tường bỗng trở thành những bức tranh phong cảnh làng quê, những cánh đồng hoa đẹp mê hồn.

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều nhóm bạn trẻ được mời đi “trang điểm” cho những bức tường vô hồn của các đơn vị, cơ quan hay khu phố.

Nhóm sinh viên của Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sài Gòn do sinh viên Lê Hà Vân Anh làm trưởng nhóm với hơn 12 sinh viên năm thứ 2 và 3, thường đi tô điểm những bức tường vào ngày thứ bảy, chủ nhật theo yêu cầu của các địa phương.

Con đường làng trong bức tranh cánh đồng hoa đang được hoàn thiện.
Con đường làng trong bức tranh cánh đồng hoa đang được hoàn thiện.

Sinh viên Lê Hà Vân Anh cho biết, trước khi vẽ, chúng tôi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm. Đơn cử phân công bạn Đỗ Hồng Thanh Tâm phác thảo nét cơ bản của những bức tranh, sau đó các thành viên còn lại cứ theo những nét phác thảo để vẽ thành những bức tranh đồng ruộng hoặc cánh đồng hoa ở làng quê, hay những cánh rừng, đồi núi, dòng suối, con sông…  

Sinh viên Đỗ Hồng Thanh Tâm chia sẻ, trước khi vẽ bức tranh nào đó, chúng tôi vào mạng tải bức tranh giống như ý tưởng của đơn vị nhờ vẽ, sau đó thống nhất rồi bắt đầu vẽ.

Để vẽ cánh đồng hoa, đồng cỏ hay rừng núi, Thanh Tâm dùng phấn phác thảo con đường làng, những mái nhà, ngọn núi, rừng cây. Khi đường nét phác thảo thành hình, các thành viên của nhóm bắt tay vào vẽ… trong 3-4 buổi cho ra nhiều bức tranh tường rất đẹp.

Để hoàn thành một bức tranh, mỗi thành viên của nhóm thực hiện theo nhiệm vụ của mình. 
Để hoàn thành một bức tranh, mỗi thành viên của nhóm thực hiện theo nhiệm vụ của mình. 

“Tất cả các thành viên đều làm việc tự nguyện, chúng tôi đã vẽ tranh trên tường rất nhiều, không thể nhớ hết. Ở mỗi bức tường sau khi được khoác lên chiếc áo mới là phong cảnh làng quê ở vùng nông thôn, đều được đơn vị nhờ vẽ và người dân địa phương khen ngợi. Đó chính là sự động viên cho chúng tôi”.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Ban MTTQ Việt Nam khu phố 3 (phường 1, quận 6) cho biết, trong khu phố có một số bức tường tại chung cư 123 Bình Tây, mỗi năm đều được quét sơn màu vàng hoặc xanh. Mặc dù sau khi được sơn, bức tường trở nên sạch sẽ nhưng vô hồn, vì vậy Ban điều hành khu phố đi xin sơn, chi thêm gần 2 triệu đồng, thuê thợ vẽ cảnh khu phố ngay trên bức tường. Từ khi thợ vẽ thổi hồn vào những mảng tường chung cư, người dân ai cũng khen vì quá đẹp mắt.

Bức tranh trên một bức tường của chung cư 123 Bình Tây (phường 1, quận 6). 
Bức tranh trên một bức tường của chung cư 123 Bình Tây (phường 1, quận 6). 

Thầy Đỗ Xuân Tịnh - Quyền Trưởng khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sài Gòn cho biết, sinh viên của khoa tham gia vẽ tranh trên tường đã hơn 10 năm nay. Hoạt động nghệ thuật của sinh viên đối với cộng đồng là tự nguyện, vẽ miễn phí.

Địa phương nào có nhu cầu tô điểm những bức tường vô hồn thành những bức tranh tái hiện cảnh mộc mạc của làng quê, hay những thắng cảnh nổi tiếng của đất nước, thì họ gửi công văn đến trường. Khi đấy, khoa sẽ phân công sinh viên xuống địa phương có yêu cầu để vẽ. Kinh phí mua nguyên vật liệu (màu, dầu, cọ…) để vẽ tranh tường do địa phương chi trả.

Phong cảnh thơ mộng của làng quê đã thay thế những bức tường vô hồn. 
Phong cảnh thơ mộng của làng quê đã thay thế những bức tường vô hồn. 
Cánh đồng hoa và đồng cỏ được thể hiện bởi các bạn sinh viên.
Cánh đồng hoa và đồng cỏ được thể hiện bởi các bạn sinh viên.

Nghệ thuật vẽ tranh trên tường theo tiếng Anh là graffiti. Còn theo thầy Đỗ Xuân Tịnh, graffiti là một trào lưu, trường phái xuất phát từ những người da màu tại New York (Mỹ), họ dùng bình xịt sơn để xịt lên tường một cách nhanh gọn theo ngẫu hứng. Có những chỗ người ta cho xịt thì được, có những nơi không cho xịt thì họ xịt trộm rồi bỏ chạy.

Đối với hoạt động nghệ thuật vẽ tranh trên tường của các em sinh viên Trường Đại học Sài Gòn lại khác vì được phép vẽ. Graffiti có thể hiểu đây là nghệ thuật đường phố và có nhiều trường phái, những người chuyên nghiệp thì họ thể hiện khác, những người phá phách lại khác.

Trên thế giới đã có những người nổi tiếng với những bức vẽ trên tường có giá lên tới hàng triệu USD và được người ta đập cả bức tường để đưa vào bảo tàng. Tuy nhiên có những người trẻ không có kiến thức mỹ thuật nhưng thích hùa theo graffiti, còn kiểu “nổi loạn” lại là chuyện khác, cho nên có 2 mặt tích cực và tiêu cực.

"Để nói graffiti là tác phẩm hay không cũng khó, vì phải có yếu tố nghệ thuật trong đó, còn những nét nguệch ngoạc không phải tác phẩm. Ví dụ, có người cầm cây thước quẹt vào hàng rào B40 cũng tạo ra âm thanh, nhưng không thể gọi là nhạc. Tuy nhiên, có người cầm cây thước quẹt vào hàng rào nhưng lại tạo ra cao độ, cường độ, tiết tấu... thì đó là nhạc", thầy Đỗ Xuân Tịnh - Quyền Trưởng khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sài Gòn nói.