“Người trong cuộc” mong muốn điều gì?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 ngày từ 7 - 9/8, với chủ đề "Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ người làm báo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới", Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 - 2020) diễn ra với rất nhiều nội dung quan trọng.

Trong đó, vấn đề nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, cũng như vấn đề bảo vệ phóng viên, nhà báo trong việc tác nghiệp được đặc biệt quan tâm. Trao đổi với phóng viên, nhiều đại biểu mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên; tổ chức thêm nhiều hơn nữa các lớp bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, đi sâu tìm hiểu trên thế giới quy định thế nào về hoạt động báo chí…
Nhà báo Hồ Quang Lợi – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội: Còn nhiều việc phải làm để Hội trở thành “ngôi nhà chung”
“Người trong cuộc” mong muốn điều gì? - Ảnh 1Vừa qua, Đại hội lần thứ VI Hội Nhà báo TP Hà Nội đã có những quyết định quan trọng trong vấn đề quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp cho các hội viên. Cụ thể, tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho phóng viên trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, tích hợp khả năng tác nghiệp của phóng viên trong nhiều loại hình báo chí theo hướng đa phương tiện… Hỗ trợ về phương tiện và điều kiện cần thiết khác, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho phóng viên, nhà báo tác nghiệp.
Nhiệm kỳ vừa qua, trong điều kiện tổ chức Hội đa phần là những người kiêm nhiệm, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã làm hết trách nhiệm của Hội rồi. Còn vấn đề để Hội thực sự trở thành “Ngôi nhà chung” của hội viên trong thời gian tới thì chúng ta còn phải bàn thảo và còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi tin tưởng Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam sẽ truyền một sinh khí mới vào nền báo chí cách mạng Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, một mái nhà ấm áp tình đồng chí, đồng nghiệp, nơi kết nối những trái tim yêu nước, yêu đời, yêu nghề của 22.000 hội viên, nhà báo trên toàn quốc.
Nhà báo Lê Thế Chữ - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ: Hội phải là chỗ dựa tin cậy cho hội viên
“Người trong cuộc” mong muốn điều gì? - Ảnh 2Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần này sẽ là Đại hội của sự đổi mới, để Hội trở thành chỗ dựa tin cậy của các hội viên trước tình hình hệ thống báo chí Việt Nam đang lớn mạnh. Các hội viên và nhà báo kỳ vọng, Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các cấp hội sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ quyền lợi hành nghề của nhà báo, hội viên. Trong những trường hợp phóng viên, nhà báo gặp khó khăn, cản trở khi tác nghiệp cũng như bị hành hung, tôi cho rằng, Hội phải là nơi lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt nhất để bảo vệ quyền lợi của hội viên. Bên cạnh đó, nếu muốn hội viên gắn bó và có những đóng góp cho sự phát triển của hội thì điều đầu tiên Hội Nhà báo Việt Nam phải thể hiện sự quan tâm chia sẻ động viên nhiều hơn nữa đến những hội viên gặp khó khăn.
Cùng với đó, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tác nghiệp, nhiều đơn vị chậm trễ trong cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên. Với tư cách một hội viên, nhà báo, tôi cho rằng, Hội cần lên tiếng để có những quy định, chế tài đối với những đơn vị có trách nhiệm mà chậm trễ trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhà báo Lê Quốc Minh – Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus: Đưa ra được định hướng tác nghiệp
“Người trong cuộc” mong muốn điều gì? - Ảnh 3Trên thế giới hiện nay đang có xu hướng coi mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong hoạt động báo chí, nhưng điều đó không có nghĩa là chạy theo vô điều kiện. Bởi đối với những cá nhân bình thường, không có nghiệp vụ báo chí, không có khả năng tự thẩm định sẽ dẫn đến đưa thông tin lên không chính sác. Và một điều đi ngược lại với quy định bất di bất dịch của báo chí truyền thống là ở nhiều trường hợp, các phóng viên lấy lại những thông tin từ mạng xã hội để đăng tải mà không được kiểm chứng, thẩm định. Thông qua kỳ đại hội lần này, các hội viên hy vọng rằng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ đưa ra những định hướng về cách thức tác nghiệp, để đổi mới cách đưa thông tin cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ và nền báo chí hiện đại, nhưng không làm thay đổi truyền thống của nghề báo.
Tôi cho rằng, vai trò của Hội Nhà báo Việt Nam cũng như các cấp hội trong việc bảo vệ sự an toàn của nhà báo là rất quan trọng. Thậm chí, đối với những người đứng đầu các cơ quan báo chí khi có bất kỳ sự vụ gì xảy ra, nhiệm vụ đầu tiên là phải bảo vệ phóng viên của mình. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần có những cơ sở về mặt pháp lý. Sau nữa phải trang bị cho nhà báo kiến thức để phòng tránh trong khi tác nghiệp.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh: Nâng cao hơn nữa vai trò giáo dục đạo đức nghề nghiệp
“Người trong cuộc” mong muốn điều gì? - Ảnh 4Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp có một quyền hạn, chức năng nhiệm vụ là bảo vệ quyền lợi chính đáng của các hội viên. Khi hội viên có những việc liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm xã hội, các điều kiện để tác nghiệp bị hạn chế, đều có quyền phản ảnh lên để hội can thiệp và giúp đỡ. Hội cũng là tổ chức chính trị nghề nghiệp có trách nhiệm cập nhật, phổ biến và tuyên truyền biện pháp để giáo dục vai trò đạo đức cho hội viên, nhà báo.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cần nâng cao hơn vai trò giáo dục đạo đức và bồi dưỡng chính trị để nâng cao chất lượng của báo chí. Ví như hiện nay, tình hình mạng xã hội phát triển và trở thành nguồn thông tin cho nhiều phóng viên, nhà báo. Nói là phát triển nền báo chí hiện đại, nhưng đại diện những người làm báo và quan trọng hơn là Hội Nhà báo Việt Nam phải có những định hướng phát triển nghiệp vụ, cố gắng làm sao hiện đại hơn, nhưng đồng thời vẫn giữ được bản chất báo chí truyền thống chứ không chạy theo nhu cầu và thị hiếu.
Nhà báo Đỗ Thị Phương Lan – Liên chi hội báo Công thương (đại biểu trẻ tuổi nhất): Tạo điều kiện để nhà báo trẻ cống hiến
“Người trong cuộc” mong muốn điều gì? - Ảnh 5Là một nhà báo trẻ, tôi thấy rằng, những người làm báo trẻ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc phát huy sự năng động, sáng tạo góp phần vào sự phát triển chung của nền báo chí Việt Nam. Tuổi trẻ có ưu điểm lớn nhất là sự năng động, sáng tạo dám nghĩ dám làm, luôn có góc nhìn mới trước các vấn đề. Tuy nhiên, cũng vì trẻ, nên đa phần còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát hiện vấn đề và triển khai ý tưởng.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức một số chương trình học tập nghiệp vụ với các chủ đề: Cách triển khai các bài viết sao cho hấp dẫn, viết về Đại hội Đảng… qua đó, đội ngũ người làm báo trẻ có thể học tập được nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ, đời sống, tiếp xúc cũng như cách khai thác đối với những đề tài nóng từ những nhà báo kỳ cựu đi trước. Hy vọng, qua nhiệm kỳ tới, Hội có những định hướng mới mẻ trong vấn đề này. Tôi cho rằng, nên đón nhận nhà báo trẻ sung sức, để họ có điều kiện cống hiến tài năng, công sức của mình cho Hội ngày càng vững mạnh, có nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn.