Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người vá lành những vết thương lòng

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mỗi con đến đây đều mang theo những câu chuyện riêng về thân phận, cảnh đời đầy khó khăn, cùng nỗi bất hạnh, đau đớn riêng…

Nhưng với ý chí sắt đá, bản lĩnh và nghị lực phi thường, những đứa trẻ mồ côi nơi đây đang ngày đêm dựa vào nhau để sống, để vươn tới tương lai”. Đó là tâm sự đầy nỗi niềm của Giám đốc Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu (Hà Đông) Trần Thị Thục Ninh (72 tuổi), người gắn bó với những đứa trẻ mồ côi gần 20 năm qua.

Mái ấm yêu thương

Con đường đến Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu bao năm vẫn không thay đổi, nhưng sinh hoạt của các con đã nền nếp hơn rất nhiều so với gần 20 năm trước đây. Khi chúng tôi đến, các em đang say sưa luyện tập võ thuật. Với những động tác dứt khoát, nhanh nhẹn, khỏe khoắn, 6 năm nay, những đứa trẻ ở trung tâm được các thành viên Câu lạc bộ Võ thuật thuộc Học viện An ninh Nhân dân dạy miễn phí, đúng như niềm mong chờ của những đứa trẻ vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Việc này không chỉ giúp các em rèn luyện sức khỏe mà còn là một không gian sinh hoạt văn hóa, giao lưu để các em có thêm sự tự tin và tăng khả năng tự vệ, nhất là với các bé gái.
 Bà Trần Thị Thục Ninh gắn bó với những đứa trẻ mồ côi gần 20 năm nay. 
Giờ giải lao đến cũng là lúc chúng tôi được nghe những câu chuyện xung quanh trường lớp, bạn bè của các em. Mới ngày nào, cậu bé Nguyễn Văn Nam (Ba Vì) ngây thơ bước chân vào trung tâm, giờ đây, cậu đã là một sinh viên khôi ngô, nhanh nhẹn. Gặng hỏi về hoàn cảnh của Nam 12 năm trước, khi chưa vào trung tâm này, Nam mới nói, do nghèo khó, túng bấn nên mẹ mới phải đưa em cho người khác nuôi. Nhưng nghiệt ngã thay, bố mẹ nuôi không những không cho em đi học mà còn bắt làm việc nhà quần quật suốt ngày. Họ coi em như “người ở” trong nhà. Khi Nam kể đến đoạn này, bà Trần Thị Thục Ninh bảo, "hồi ấy, thấy hoàn cảnh của Nam đáng thương quá, tôi đã tìm mọi cách đưa Nam về trung tâm nuôi dưỡng".

Mỗi mảnh đời là một câu chuyện với những nỗi xót xa. Như chuyện của 2 chị em Phan Thị Hồng Tuyết và Phan Phú Tiến, được nhận vào trung tâm 13 năm. Khi mẹ các em còn trẻ, đi tha phương miền Nam, lấy phải người chồng vũ phu, bị ngược đãi, đuổi ra khỏi nhà. Trong tay không một đồng, chị lại dắt hai con trở lại quê, ngày đêm lang thang ở chợ. Thấy hoàn cảnh của 3 mẹ con đáng thương, có người mách chị nên làm đơn xin về trung tâm để con được chăm sóc, học hành. Người mẹ mấy năm sau thì ốm bệnh và mất. “Bây giờ, em đã là sinh viên đại học năm thứ hai, em Tiến học lớp 9, nhưng lúc nào 2 chị em cũng nhớ mẹ” - Tuyết rơm rớm nước mắt.

Hay có hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ ở vùng sâu huyện Ba Vì, được bác ruột đưa đến trung tâm. Bà Ninh lại dang rộng vòng tay yêu thương, nuôi dưỡng cháu. Tất cả sống chung dưới một mái nhà, những đứa trẻ mồ côi cũng bớt đi nỗi cô đơn và cay đắng. Bởi các em hiểu rằng, nếu không tự chữa lành những vết thương lòng, thì không ai khác có thể giúp các em vượt qua những chông gai của cuộc đời rộng dài phía trước... Các em đều không coi trung tâm như một nơi nuôi dưỡng lúc khó khăn, mà mỗi thành viên đều coi nơi đây như một mái ấm thực sự của mình. Bởi thế, các cô nuôi được các em gọi là mẹ và xưng là con, còn Giám đốc Trung tâm Trần Thị Thục Ninh được các em gọi là bà, như người bà đáng kính và gần gũi trong gia đình.

Thắp sáng những mảnh đời côi cút

Ngồi chuyện trò với chúng tôi trong ngôi nhà của 50 đứa trẻ mồ côi, còn có những người mẹ một lòng một dạ chăm sóc, đồng cảm và chia sẻ với hoàn cảnh của các em. Họ là những người phụ nữ kém may mắn vì không có gia đình riêng và chấp nhận ở lại nơi nuôi dưỡng, trông nom những đứa trẻ mồ côi như chính con đẻ của mình. Đó là mẹ Tô Thị Liên, tuổi đã ngoài 50, về làm việc ở trung tâm này từ những ngày đầu thành lập. Có rất nhiều đứa trẻ qua tay mẹ chăm bẵm khôn lớn, trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái. Đến khi các con trở về với gia đình, với cuộc sống, tất bật lo toan thì “mẹ Liên” lúc đó chỉ còn trong kỷ niệm. Bản thân mẹ Liên cũng như những người phụ nữ nơi đây chẳng mong các con trả ơn mà chỉ mong các con khôn lớn, trưởng thành, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
 Các em ở Trung tâm nuôi dưỡng Trẻ em mồ côi Hà Cầu, Hà Đông say mê luyện tập võ thuật. Ảnh: Hà Linh
Là người tiếp quản Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở Hà Cầu, Hà Đông từ năm 1998 cho đến nay, bà Trần Thị Thục Ninh cho biết, hiện tại trung tâm nuôi dưỡng 50 cháu, cháu nhỏ nhất là 6 tuổi, cháu lớn nhất là 22 tuổi. Có cháu mồ côi bố hoặc mẹ, có cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ, cũng có cháu còn bố mẹ nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng, bố nghiện, mẹ đi tù, hoặc có những trường hợp trẻ là con ngoài giá thú, không được thừa nhận. Những khóa trước đây có những cháu là con thương binh, bị chất độc da cam thể nhẹ, bố mẹ mất, thân nhân không có điều kiện chăm sóc... Mỗi đứa trẻ đến đây đều mang theo những câu chuyện riêng về thân phận, về cảnh đời khó khăn, côi cút. Có cháu thì bố mẹ bệnh tật, tai nạn giao thông, bố mẹ đẻ ra thì bỏ không nhận, ông bà gia tộc không thừa nhận được đưa vào chùa ở, một thời gian nhà chùa không có điều kiện dạy học cho các cháu nên xin cho về trung tâm. Tất cả mọi sinh hoạt thường nhật của các em đều phụ thuộc hoàn toàn vào tình yêu thương của bà Ninh và các mẹ ở đây.

Ở trung tâm, những đứa trẻ ngoài những buổi lên lớp, ăn uống, mỗi ngày đều có những giờ làm thêm để kiếm tiền riêng, được dạy các kỹ năng sống, chơi các môn thể thao... Cuộc sống của rất nhiều thành viên đã có thêm những gam màu tươi sáng cũng từ chính năm tháng được sống dưới mái ấm này. “Tuy nhiên, các cháu ở đây, ăn uống, sinh hoạt dưới một mái nhà, gọi tên chung một người mẹ, cũng có những niềm vui, những sinh hoạt cộng đồng mang lại tiếng cười cho các cháu, nhưng có một điều tuyệt nhiên các cháu không hỏi về quá khứ của nhau. Bởi lẽ, câu chuyện về những đứa trẻ mồ côi đầy nỗi đớn đau trong tâm hồn như một vết thương không gì vá lành lại được” - bà Ninh bộc bạch.

Rời trung tâm vẫn không thể quên những giọt nước mắt đong đầy trên khóe mi bởi những tổn thương hằn lên tuổi thơ bé dại. “Mồ côi khổ lắm ai ơi...”, lời ca ấy cứ ẩn hiện trong lòng tôi khi nghĩ về những đứa trẻ bất hạnh nơi ấy.

Đến nay, Trung tâm Trẻ mồ côi Hà Cầu đã cưu mang, trợ giúp cho 116 cháu. Trong đó, 36 cháu tốt nghiệp ĐH, CĐ, có việc làm ổn định, hơn 30 người đã xây dựng gia đình riêng, sống hạnh phúc. Với bà Trần Thị Thục Ninh, đó là niềm vui, là phần thưởng quý giá nhất cho chặng đường gần 20 năm lăn lộn, tận tụy gắn bó vì trẻ mồ côi.