Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt có hiếu học?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người Việt Nam lâu nay được cho là rất hiếu học. Tuy nhiên gần đây có những ý kiến băn khoăn là người Việt có thực sự hiếu học hay không và nhiều người sớm tự mãn với kiến thức mình có được?

Đây là vấn đề được đặt ra là vì khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tràn vào Việt Nam, cộng với làn sóng đầu tư nước ngoài, sự hiếu học được thể hiện là xã hội học tập, học tập suốt đời là để đón bắt cơ hội, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao.
Hiếu học suốt đời
Hiếu học là đức tính ham học hỏi, tìm mọi cách để học. Hiếu học đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt. Đất nước phát triển được như ngày nay cũng nhờ vào sự ham học hỏi của người dân thì mới nên người, phát triển sự nghiệp. Tinh thần hiếu học đã tạo ra những truyền thống “trọng đạo”, “trọng thầy” rất cần được phát huy.
Hiện nay, khi chúng ta phát huy được đức tính hiếu học thì số học sinh có thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế ngày càng nhiều, với các giải cao. Việt Nam đã thực hiện được phổ cập giáo dục tiểu học và tiến tới THCS. Quan điểm về hiếu học ở thời kỳ hiện đại, kỷ nguyên số cũng thay đổi theo hướng học suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi. Những gì cần cho cuộc sống thì mọi người học. Việc học cũng được mở rộng ra bên ngoài, chứ không chỉ trong khuôn khổ nhà trường.
 Giờ học của cô và trò trường Tiểu học Tiên Dược, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
“Việc học trong nhà trường chỉ dành cho những em học sinh cấp 1, 2. Và, nhiều em đã được bố mẹ cho đi học năng khiếu để phát huy sở trường, khắc phục sở đoản. Nhưng, riêng với học sinh cấp 3, học trong nhà trường với thầy, sách vở chưa đủ. Các em học ngay chính bạn mình, học trong cuộc sống; có trải nghiệm, thu hoạch cho riêng mình. Việc học là vì sự phát triển của bản thân, và phụng sự xã hội, chứ không phải học vì bằng cấp, điểm số” – TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh.
Thế hệ trẻ ngày nay học rất nhiều và đại bộ phận hướng tới trường đại học (ĐH). Trên 80% sinh viên tốt nghiệp ĐH tìm được việc làm đã cho thấy sự hiếu học ngày càng tăng. Từ quan điểm này, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: “Thế hệ mới học rất tốt, thành thạo CNTT, sử dụng ngoại ngữ rất tốt; nhiều em đã có những điều kiện để đào tạo thành công dân toàn cầu. Với tinh thần học tập của thế hệ trẻ, lại rất năng động cho thấy truyền thống hiếu học đã thấm đẫm vào trong đó”.
Khi trong quá khứ, người ta có thể xây dựng cho mình tri thức bằng tự học, lắng nghe, trau dồi... thì bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 tinh thần hiếu học được thể hiện rất khác. Dưới góc nhìn của nhà khoa học, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, ngày nay công nghệ thay đổi rất nhanh, tác động đến nền kinh tế xã hội của đất nước, cho nên nhu cầu học tập suốt đời hết sức cần thiết. Con người phải dành rất nhiều thời gian để học. Kể cả học xong phổ thông, tốt nghiệp ĐH hay học nghề ra đi làm vẫn phải học tiếp để làm tốt vị trí, công việc của mình.
Hơn nữa, giữa học ĐH, học nghề ra đi làm việc là cả quá trình có rất nhiều thay đổi. Bởi trong trường ĐH, trường nghề trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng hết sức căn bản; khi vào vị trí công việc mới buộc người ta phải học. Ngay cả khi vẫn làm ở một vị trí, với sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, mọi người vẫn tiếp tục học.
Nhiều nhà khoa học khác cũng đồng tình với nhận định của PGS Minh Sơn: “Việc học là đương nhiên, suốt đời nếu mỗi người muốn tiến bộ và thành công trong cuộc sống. Nếu ai không học tập thường xuyên chắc chắn sẽ lạc hậu. Nói rộng hơn, với mỗi quốc gia, nếu việc học tập không trở thành thường xuyên, học tập suốt đời, xã hội học tập chắc chắc sẽ tụt hậu. Bởi ngày nay, yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các nước không phải là tài nguyên thiên nhiên, công nghệ mà chính là con người, tức nguồn nhân lực”.
Chọn ngành theo hướng làn sóng đầu tư
Theo dự báo, tới đây các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ chọn lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông, tự động hóa, cơ khí chế tạo. Để thu hút làn sóng đầu tư mang lại giá trị kinh tế cao, không chỉ dựa trên lợi thế về thị trường, đất đai, nhân công giá rẻ, cơ chế thông thoáng; đến thời điểm này người ta cần nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về việc này, chúng ta phải có nguồn nhân lực trình độ cao được đào tạo ĐH, sau ĐH; kỹ năng tay nghề cao từ các trường nghề. Với nguồn nhân lực có tay nghề cao, có thể được trường nghề và DN đào tạo nhanh. Nhưng, đào tạo nhân lực trình độ cao không thể nhanh được mà cần có thời gian, sự đầu tư và quan tâm.
Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử và làm công tác quản lý, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 xuất phát từ vạn vật kết nối với nhau, do đó xu hướng liên thông các khối kiến thức với nhau rất nhiều. Kỹ sư cũng phải biết về văn hóa; người làm văn hóa cũng phải am hiểu những vấn đề liên quan đến bảo tồn, sở hữu trí tuệ,... Có nghĩa, tri thức được kết nối với nhau, phương pháp đào tạo phải chuẩn và theo hướng bài bản, chủ nghĩa kinh nghiệm ngày càng mất vị thế.
Sự linh hoạt, ứng biến vốn là thế mạnh của người Việt bây giờ đang trở thành những cái khó khăn, bất lợi. Hơn bao giờ hết, người Việt phải được đào tạo căn bản, bài bản, chuyên nghiệp và hàn lâm hơn đang trở thành xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nếu không sẽ thua trong sự cạnh tranh này...
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho làn sóng đầu tư mới, các chuyên gia giáo dục khuyên học sinh đang chuẩn bị vào học ĐH cần cân nhắc kỹ để lựa chọn ngành nghề mà đất nước đang cần, ví dụ: Kỹ thuật, công nghệ hay những lĩnh vực chúng ta đang có thế mạnh. Các em cũng phải thay đổi nhận thức, cách học.
“Để trở thành người có năng lực tốt, không bao giờ có chuyện đào tạo ở bậc ĐH dễ dàng, nhẹ nhàng. Chỉ có thể học qua chủ động, có định hướng, chắc chắn, vất vả mới thành công” - ông Minh Sơn đưa ra lời khuyên.
Tiếp tục câu chuyện hiếu học thời kỳ 4.0, ông Anh Tuấn cho rằng, trước hết các em phải nhận thức chúng ta đang đối diện với “Thế giới VUCA” được hình thành bởi 4 chữ cái đầu của các thuật ngữ: Volatility (biến động), Uncertainy (bất định), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ). Vì thế, trong thế giới bất định hiện nay chỉ có sự ứng biến linh hoạt mới tồn tại được.
Cụ thể, các em phải có nền tảng trí thức tốt về một hay vài lĩnh vực được đào tạo bài bản từ học qua chương trình trực tuyến, học trên mạng, trên giảng đường, từ xa. Người học phải xây dựng tư duy tích cực và thái độ cầu thị học hỏi tri thức mới. Và, phải có kỹ năng thật tốt để phục vụ cho công việc của mình. Đặc biệt là phải xây dựng thói quen lao động và học tập suốt đời, để nâng cao trình độ chuyên môn.
Từ những nhận thức về sự thay đổi trong thời kỳ cách mạng 4.0 và đáp ứng nhu cầu nhân lực của làn sóng đầu tư, hiện nay nhiều trường ĐH đã đổi mới phương pháp dạy và học để sinh viên có điều kiện học tích cực, học qua trải nghiệm, tương tác và nhiều hoạt động. Đặc biệt, học gắn liền với nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp để tạo ra những sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Có như vậy mới giúp chúng ta thành công trong cuộc sống ứng phó với cuộc cách mạng 4.0, 5.0 hay 6.0.

"Trong thế giới bất định hiện nay chỉ có sự ứng biến linh hoạt mới tồn tại được. Cụ thể, các em phải có nền tảng trí thức tốt về một hay vài lĩnh vực được đào tạo bài bản từ học qua chương trình trực tuyến, học trên mạng, trên giảng đường, từ xa. Người học phải xây dựng tư duy tích cực và thái độ cầu thị học hỏi tri thức mới. Và, phải có kỹ năng thật tốt để phục vụ cho công việc của mình. Đặc biệt là phải xây dựng thói quen lao động và học tập suốt đời, để nâng cao trình độ chuyên môn." - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, GS.TS Hoàng Anh Tuấn


Xây dựng hệ thống giáo dục mở 4.0

"Hiện nay, sau dịch Covid-19, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất mạnh cho nên thống giáo dục phải được mở rộng đáp ứng như cầu của tất cả mọi người. Các trường ĐH cũng phải mở ra nhiều loại hình, không yêu cầu đầu vào (kể cả chưa có bằng tốt nghiệp THPT cũng được tham gia học), bắt học hết khóa 4 -5 năm. Có thể mở những lớp ngắn hạn để mọi người có thể theo học tín chỉ tích lũy dần.

Phải làm sao cho giáo dục đổi mới nhanh và nhà trường xứng đáng 4.0; khuyến khích DN tự đào tạo, mở trường trong DN. Hệ thống giáo dục phổ thông gắn kết với giáo dục ĐN, DN để có những chương trình linh hoạt hơn." - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, GS.TS Phạm Tất Dong


Hỗ trợ doanh nghiệp các gói đào tạo kỹ năng

"Nhà nước nên hỗ trợ cho các DN bằng các gói đào tạo nâng cao kỹ năng kỹ thuật và những kỹ năng khác mà lao động còn thiếu hụt. DN hợp tác với các trường ĐH và các trường nghề để đào tạo kỹ năng công nghệ cao để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng đón các DN đến đầu tư.

Cũng cần chú ý đến tăng cường năng lực quản lý cấp trung và bên dưới. Thông thường DN tìm nơi nào đầu tư họ đều tìm hiểu về chính sách, cơ chế luật pháp, nguồn tài chính, đất đai, môi trường kinh doanh và đặc biệt nguồn lực lao động có kỹ năng cùng chi phí lao động rẻ hơn." - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp,  Bộ GD&ĐT, TS Hoàng Ngọc Vinh (Thủy Trúc ghi)