Khiêm tốn chiều cao
Theo TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong 30 năm qua, người Việt cao lên, nhưng rất chậm, 10 năm chỉ thêm được 1cm. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam là 164cm, thua 8cm so với Nhật Bản và 10cm so với Hàn Quốc, trong đó, chiều cao của nữ giới rất thấp, gần 154cm. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, việc phát triển chiều cao của trẻ chỉ phụ thuộc di truyền 20%, còn dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em Việt Nam đang ngày một gia tăng (ảnh minh họa).
|
Ngoài ra, một vấn đề đáng lo khác là tình trạng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Ông Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nếu năm 2000 tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì tại Việt Nam chỉ là 0,62% thì 10 năm sau con số này đã là 5,6% (tương đương khoảng 400.000 trẻ). Tỷ lệ này tại Đà Nẵng là gần 10%, TP Hồ Chí Minh là 9,6%. Khảo sát tại 2 trong số các trường được chọn để nghiên cứu tình trạng dinh dưỡng ở học sinh, các bác sĩ phát hiện có đến 60% học sinh có mỡ trong máu cao hơn mức bình thường; khoảng 38,5% béo bụng hoặc có trọng lượng cơ thể nặng hơn quá nhiều so với chiều cao. Còn tại Hà Nội, nghiên cứu tại một trường học ở quận Hai Bà Trưng cho thấy, gần 60% trẻ thừa cân béo phì đã rối loạn thiếu máu rất sớm.
Riêng tình trạng thấp còi, hiện cả nước có đến 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó khoảng 2,2 triệu trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Như vậy, cứ 4 trẻ em Việt Nam có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Dinh dưỡng chưa hợp lý
Để cải thiện chiều cao của người Việt, TS Lê Bạch Mai cho rằng, điều quan trọng là cần có những can thiệp dinh dưỡng hợp lý theo chu kỳ vòng đời. Cụ thể, từ khi mang thai, người mẹ cần được bổ sung đủ chất, đủ dinh dưỡng, đa dạng để ngăn ngừa việc sinh ra những trẻ nhẹ cân, thấp. Tiếp đó là việc nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong 3 năm đầu đời, trẻ được bú sữa mẹ sớm, hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng hợp lý...
Hiện nay, tình trạng thừa cân, béo phì gia tăng là bởi khẩu phần ăn của người Việt chưa hợp lý, thừa thịt, thiếu rau. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, trong bữa ăn tỷ lệ đạm (thịt, cá) hiện đã tăng lên 15% so với 13% năm 2000, lượng chất béo cũng chiếm gần 18% so với 12%. Lượng thịt tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi (từ 51g lên 84g), thế nhưng rau xanh lại giảm. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ nước ngọt có ga ngày càng nhiều.
Theo các bác sĩ, thừa cân, béo phì đang gia tăng và trở thành một vấn đề sức khỏe ở Việt Nam. Đây là dấu hiệu cảnh báo về các bệnh mãn tính không lây tại cộng đồng. Các nguy cơ sức khỏe như bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, viêm khớp mạn tính, bệnh thận mạn tính tăng lên khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng.
"Nước ngọt có ga gây hại bởi phân tử CO2 sục vào nước tạo thành H2CO3 - axít cacbonic. Để trung hòa môi trường này, cơ thể rút canxi trong xương, răng, sau đó thải ra ngoài qua nước tiểu, vì vậy trẻ sử dụng nhiều nước ngọt sẽ thiếu canxi và béo phì." - TS Lê Bạch Mai -Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia |