Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt ngày càng tin dùng hàng Việt

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", người tiêu dùng (NTD) Thủ đô ngày càng đánh giá cao, tin tưởng lựa chọn sử dụng hàng hóa của các DN trong nước. Điều này đã phản ánh đúng nỗ lực của TP Hà Nội và các sở, ngành trong quá trình đưa hàng Việt đến tay NTD qua đó hình thành thói quen dùng hàng Việt.

Người tiêu dùng mua hàng Việt tại Hội chợ hàng Việt TP Hà Nội. Ảnh: Lê Nam
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường
Sau 10 năm thực hiện CVĐ của TP Hà Nội, các DN sản xuất, bán lẻ Hà Nội đã xác định nông thôn là thị trường rộng lớn để DN tiêu thụ quảng bá hàng Việt. Tính từ năm 2009 - 2018 các DN đã tổ chức 22 chuyến bán hàng phục vụ Tết; 29 tuần hàng Việt; 254 phiên chợ Việt, 3.200 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất. Việc liên tục tổ chức các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho các DN trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Thị trường nội địa là thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để khai thác thị trường này, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, địa phương còn đòi hỏi phải nâng cao trình độ và năng lực tổ chức quản lý của DN.

Ngoài ra, DN cần nâng cao năng lực marketing thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp về nghiên cứu thị trường, sản phẩm, giá cả và xúc tiến thương mại, làm tốt việc phát triển hệ thống bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm và chăm sóc khách hàng…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan
Thực tế hoạt động bán lẻ trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hàng hóa kinh doanh tại các siêu thị trên địa bàn TP như Big C, Co.op Mart chiếm từ 90 - 95% là hàng Việt... Đặc biệt tại khu vực nông thôn, có tới 80% hàng hóa được bày bán là hàng Việt Nam, trong đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu học tập của học sinh chiếm 90%.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: Việc đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ giúp DN tiêu thụ, quảng bá sản phẩm mà còn tạo lập mối quan hệ tốt với chính quyền và sự quan tâm của Nhân dân địa phương, từ đó tạo tiền đề cho DN phát triển các điểm bán hàng cố định.
Để làm được điều này trong những năm qua UBND TP Hà Nội thông qua hoạt động hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư với số tiền lên đến 80 tỷ đồng đã giúp DN đầu tư sản xuất, cải tiến mẫu mã, quảng bá sản phẩm. Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Vietcombank giới thiệu về các gói vay ưu đãi 5.000 tỷ đồng tới 500 DN sản xuất, kinh doanh hàng Việt; Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội giúp 200 DN ký kết hợp đồng vay vốn trị giá gần 3.000 tỷ đồng.
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu
Mặc dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin của NTD, tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa chú trọng đầu tư, nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm. Nguyên nhân lớn xuất phát từ việc nhiều DN vẫn mang nặng tư tưởng bao cấp, chạy theo cơ chế "xin - cho". Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các DN trong cùng lĩnh vực cũng như giữa DN sản xuất và nhà phân phối chưa chặt chẽ.
Để khắc phục những hạn chế này từ đó đưa CVĐ tiếp tục phát triển, Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền CVĐ theo hướng chú trọng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm Việt. Đẩy mạnh tổ chức các hội chợ hàng Việt tại các huyện và hệ thống bán lẻ hiện đại qua đó kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng.
“Tuy nhiên để hàng Việt ngày càng vững mạnh đòi hỏi các cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu. Đặc biệt, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng nhái... qua đó bảo vệ thương hiệu Việt và quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội, Sở NN&PTNT khuyến khích tạo điều kiện cho các làng nghề sản xuất hàng nông sản, thực phẩm, hàng Việt Nam truyền thống chất lượng cao” - bà Nguyễn Lan Hương kiến nghị.